Tiền bạc và gia đình, điều gì quan trọng hơn?

Tiền bạc và gia đình, điều gì quan trọng hơn? Đây là câu trả lời của người Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. [1]

Danh, Lợi, Quyền, Mốt. [2] - Giáo sư Nguyễn Tuấn

[1] Một nhóm bạn thân người Úc đã trò chuyện cùng một anh bạn người Trung Quốc. Chủ đề mà họ nói đến là mức coi trọng gia đình của người Trung Quốc và người Úc khác nhau như thế nào.
Thật bất ngờ, mấy anh bạn người Úc này đã thẳng thắn nói: “Bạn đừng giận, thật ra, chúng tôi cảm thấy người Trung Quốc các bạn vốn không yêu thương gia đình, vốn không xem trọng gia đình giống như các bạn đã nói. Nói thẳng là các bạn yêu tiền nhiều hơn!”
Những người bạn thân người Úc này lại chân thành nói tiếp:
“Không kể là ở Úc hay ở Trung Quốc, người Trung Quốc các bạn xác thực là rất chăm chỉ, các bạn ở nước ngoài cũng đều tiết kiệm được nhiều tiền hơn so với người bản địa. Nhưng tôi không cho rằng người Trung Quốc các bạn có tố chất làm ăn hơn, mà là các bạn tiết kiệm hơn chúng tôi.
Có thể tiết kiệm là nhờ hạ thấp tiêu chuẩn cuộc sống đi. Các bạn bình thường rất ít khi đi quán bar, thậm chí cuối tuần hoặc ngày nghỉ cũng đều không dám nghỉ ngơi. Quần áo đều là mua từ bên Trung Quốc đem sang đây, bởi vì mua ở bên đó rẻ hơn, tôi thậm chí còn nhìn thấy có du học sinh Trung Quốc còn mang theo rất nhiều chén đĩa sang đây”.
“Các bạn sẽ làm việc không quản ngày đêm, phó mặc con cái cho ông bà chăm sóc. Ngoài việc quan tâm thành tích học tập của con cái ra, thì bận rộn đến nỗi rất ít khi chơi cùng chúng. Ngày lễ Giáng Sinh, thậm chí còn không nghỉ ngơi. Vậy nên, những đứa trẻ người Hoa các bạn mặc dù thành tích học tập rất ưu tú, nhưng chúng luôn cảm thấy lạc lõng. Chúng cảm thấy so với các bạn, điều mà bố mẹ quan tâm hơn là khoản tiền thu nhập của gia đình, là điểm số học tập của chúng, chứ không phải là bản thân chúng có vui vẻ hạnh phúc hay không”.
“Đúng là tôi biết bạn muốn nói gì. Người Trung Quốc các bạn nói như vầy, là vì con cái nên ráng kiếm thêm chút tiền cho chúng sau này. Nhưng mỗi một đời đều nói bản thân kiếm tiền là vì đời sau, thế thì rốt cuộc đời nào sẽ thật sự dùng khoản tiền này đây?”.
“Cuộc đời là ngắn ngủi như thế, các bạn mượn cớ là vì tương lai của gia đình, mà đã hy sinh gia đình của hiện tại. Tôi thật không hiểu tổn thất này nên phải bù đắp như thế nào nữa! Sao các bạn còn có thể dùng quan niệm này mà lấy làm tự hào đây?”.
“Các bạn vì công việc, có thể chấp nhận vợ chồng phải sống ly thân trong khoảng thời gian rất dài. Nhưng trong con mắt chúng tôi, vợ chồng không ở bên nhau từ 3 tháng trở lên, trên cơ bản thì đã nên cân nhắc đến chuyện ly hôn rồi.
Vậy nên chúng tôi nếu được cử sang nước ngoài làm việc, thì nhất định phải là cả gia đình cùng đi, vợ của tôi, con cái của tôi đều phải cùng chuyển sang đây. Nếu như họ không đồng ý sang, tôi sẽ không thể tiếp nhận công việc này, bởi so với công việc thì dĩ nhiên gia đình quan trọng hơn rồi.
Tôi thậm chí còn nghe nói ở Trung Quốc có vợ chồng mấy chục năm đều chia nhau sống ở hai nơi, đến lúc nghỉ hưu mới có thể sống chung với nhau. Đây là sự thật quá đau lòng. Lẽ nào các bạn không thể vì gia đình mà từ bỏ công việc sao? Có thể tìm một công việc khác cũng được mà!”.
“Trong công ty Trung Quốc của tôi có một nhân viên rất xuất sắc, nhưng vợ con lại sống ở thành phố khác, mỗi một tháng thậm chí hai tháng mới có thể gặp nhau một lần. Tại sao một trong hai người lại không thể từ bỏ công việc chứ? Tôi biết có rất nhiều người làm việc ở thành phố, họ thậm chí chỉ một năm mới về thăm nhà một lần, đều nói là kiếm tiền vì gia đình, nhưng tiền như vậy, có nhiều hơn nữa, lại có ý nghĩa gì đâu?”.
Biết bao nhiêu phụ huynh, từ sớm đã hy sinh tuổi thơ của con cái, cuối tuần bôn ba trên đường đến các lớp phụ đạo, học thêm các loại. Đợi đến khi hết tiểu học, thì bản thân xem như đã được giải thoát rồi! Nhưng tiểu học xong rồi, phát hiện trung học cũng có lớp học thêm, hơn nữa còn nhiều hơn, tụi trẻ con chính là không có thời gian để vui chơi nữa!
Đợi khi con cái lên đại học thì coi như đã xong nhiệm vụ rồi… Nhưng con cái học xong đại học rồi, đến lúc tìm kiếm công việc vẫn phải bận tâm như vậy!
Đợi đến khi con cái có công việc ổn định rồi, thì tưởng như không còn gánh nặng gì nữa… Tuy nhiên, công việc tìm được rồi, lại bắt đầu bận tâm chuyện hôn sự, nhà cửa cho con cái! Sau khi con cái kết hôn rồi, thì tôi không cần phải bận tâm gì nữa! Nhưng kết hôn, có nhà có cửa rồi, thì chúng lại sinh cháu để bế rồi!
Bao nhiêu nỗi lo toan, dù có muốn quản cũng không quản được hết, cứ lặp đi lặp lại như vậy không dứt. Tầm mắt của chúng ta vẫn luôn nhìn về phía trước; vì tương lai, hôm nay tích lũy sức khỏe, tích lũy văn bằng, tích lũy tiền bạc. Kết quả bản thân lại than trời trách đất, tầm mắt của chúng ta không có lúc nào sống ở hiện tại. Nhiều người đến cuối đời đã nhận ra rằng, cả một đời không có lấy một ngày sống vì bản thân mình.
Kỳ thực, rất nhiều người chính là đang sống như vậy!
Vậy nên, có nhận xét rằng: Người biết hưởng thụ nhất là người Mỹ; người có tín ngưỡng nhất là người châu Âu; từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, đều chứa đầy cạnh tranh và áp lực là người Trung Quốc.

Một đời của đại đa số người Mỹ

0 – 10 tuổi: Tham gia các loại hoạt động tập thể như khảo sát, khám phá các vùng đất;
10 – 20 tuổi: Theo đuổi ước mơ;
20 – 30 tuổi: Tìm kiếm cho mình một công việc ổn định;
30 – 40 tuổi: Cuối cùng tìm ra được mục tiêu theo đuổi của đời mình, hưởng thụ cuộc sống, có nhà cửa, có xe hơi, có con cái;
40 – 50 tuổi: Thỉnh thoảng trải qua kỳ nghỉ dài sau áp lực công việc;
50 – 60 tuổi: Tận hưởng cuộc sống, du lịch;
60 – 70 tuổi: Bắt dầu viết hồi ký, du lịch;
70 – 80 tuổi: An hưởng tuổi già;
Sau khi mất: Thông thường được đưa vào nghĩa trang công cộng.

Một đời của đại đa số người châu Âu

0 – 10 tuổi: Tham gia đội nhạc trong trường, học tập âm nhạc cổ điển;
10 – 20 tuổi: Tổ chức nhóm nhạc của mình, tiến hành thưởng thức các loại âm nhạc;
20 – 30 tuổi: Chịu nhận ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật Gothic;
(Nghệ thuật Gothic là một phong trào nghệ thuật phát triển theo nghệ thuật Rôman ở Pháp vào thế kỷ 12, sau đó đã nhanh chóng lan rộng ra khắp Tây Âu, gần như toàn bộ phía bắc dãy núi Anpơ)
30 – 40 tuổi: Đội nhạc bắt đầu chính thức đi vào tuyến đường “màu kim loại đen”;
40 – 50 tuổi: Nhớ lại sự hồn nhiên của tuổi thơ, bắt đầu trở về cuộc sống “tràn đầy màu sắc”;
50 – 60 tuổi: An định lại, tìm kiếm tình cảm ấm áp, sống cuộc sống bình yên;
60 – 70 tuổi: Đến giáo đường tổng kết một đời của mình;
70 – 80 tuổi: An hưởng tuổi già cùng con cái;
Sau khi chết: Yên tâm nằm ở trên một miếng đất thuộc về mình.

Một đời của đại đa số người Trung Quốc

0 – 10 tuổi: Bị ép phải học tập các loại kỹ năng, không ngừng kiểm tra cấp bậc, đa số đều là bởi sĩ diện và mong đợi của bố mẹ;
10 – 20 tuổi: Gặm nhấm cả một núi sách, ứng phó các loại kỳ thi dồn dập kéo đến như sóng biển.
20 – 30 tuổi: Nộp sơ yếu lý lịch khắp nơi, lo lắng bản thân không tìm được công việc;
30 – 40 tuổi: Trở thành nô lệ của nhà cửa, xe cộ;
40 – 50 tuổi: Bận tâm lo lắng cho tương lai của con cái, nhịn ăn nhịn mặc, cố gắng dự trữ tiền bạc;
50 – 60 tuổi: Cuối cùng đã có được cuộc sống của mình, lại phát hiện đã sắp phải nghỉ hưu, lại bắt đầu lo lắng sau khi nghỉ hưu phải làm gì;
60 – 70 tuổi: Bỏ ra phần lớn sức lực để dưỡng sinh, lại phát hiện còn phải trông nom cháu;
70 – 80 tuổi: Cuối cùng an định lại để hưởng ngày tháng cuối đời;
Trước lúc chết: Phát hiện thì ra một miếng đất ở khu nghĩa trang lại có giá ‘cắt cổ’.
Người ta vẫn thường nói rằng, đời người trôi qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Vậy trong những năm tháng của đời mình, bạn đã có lúc nào để tâm mình lắng lại và cảm thấy bình yên hạnh phúc bên gia đình mình; hay phải luôn bôn ba bận rộn chấp nhận làm nô lệ cho vô vàn những thứ khác!
Giữa tiền và gia đình, điều gì thực sự quan trọng hơn, trên những ngã rẽ ấy bạn đã chọn lựa đúng đắn chưa?
Cuối cùng, hành trình của một đời người là trôi qua như vậy, bạn muốn sống như một người Mỹ, Âu châu, hay là một người Trung Quốc như đã kể ở trên? Đều là do bạn quyết định vậy!

[2] Danh, Lợi, Quyền, Mốt

Thỉnh thoảng đọc lại những cuốn sách cũ mà thấy vài cái "wisdom" trong đó đáng để chia sẻ. Chẳng hạn như hôm nay tôi đọc lại cuốn "Sống Đẹp" của Lâm Ngữ Đường, do Nguyễn Hiến Lê dịch. Cuốn này xuất bản từ trước 1975 ở miền Nam. Đọc đến đoạn tác giả bàn về cái Danh, Lợi, Quyền, và Mốt thấy rất mang tính thời sự. Tôi xin trích đoạn đó:
"Ở đời có vô số cái bả nó phỉnh gạt ta và Phật Giáo Trung Hoa chia nó làm hai loại chính: Danh và lợi. Người ta kể rằng vua Càn Long khi chu du Giang Nam, một lần đứng trên một ngọn núi nhìn ra biển thấy thuyền buồm qua lại rất nhiều, hỏi một vị đại thần "hàng trăm chiếc thuyền đó đi đâu vậy." Vị đại thần đáp rằng, ông chỉ thấy hai chiếc, một chiếc tên Danh, và một chiếc tên Lợi. Nhiều người có học tránh được cái bả Lợi, nhưng chỉ hạng vĩ nhân mới tránh được cái bả Danh.
Theo sự nhận xét của tôi, Phật Giáo xếp loại như trên chưa đủ. Có ba loại bả, chứ không phải hai: Danh, Lợi, và Quyền. Và một tiếng gồm cả ba, tiếng Thành công. Nhiều người đã có đủ Danh và Lợi rồi còn muốn thống trị người khác nữa. Có những kẻ muốn kiệt lực "phục vụ tổ quốc", và phải trả một giá rất đắt.
Nhưng còn một cái bả tuy phụ thuộc nhưng cũng rất mạnh, rất phổ biến, tức cái thời thượng, cái Mốt. Rất ít người có đủ can đảm sống theo ý mình lắm. [...] Dù hữu ý hay vô tình, chúng ta cũng đóng vai diễn trên sân khấu là cuộc đời, và muốn đóng trò sao cho vừa ý khán giả để được khán giả vỗ tay. Nhưng vỗ tay càng lớn thì ở hậu trường tim ta đập càng mạnh. Tài đóng trò đó có thể giúp chúng ta mưu sinh, cho nên chẳng ai là đáng trách cả. Nhưng vấn đề là nhiều khi vai diễn thay thế hẳn con người, chiếm hẳn con người. [...] Chúng ta thường quên rằng còn có một đời sống thực tế để sống ngoài cái đời trên sân khấu.
Chỉ có vài tâm hồn siêu quần ở vào địa vị cao, mang cái danh lớn, mà vẫn mỉm cười tự nhiên; họ biết rằng họ đóng trò, họ không bị cái ảo tưởng quyền thế, chức tước, tư sản, tiền tài mê hoặc; những cái đó tới thì họ cũng nhận, nhưng không cho mình là vì có nó mà khác những người thường."
Phải qua cái độ tuổi 50 tôi mới bắt đầu nhận ra ý nghĩa của những câu trên. Đến một độ tuổi nào đó, mình nhìn những người trẻ hơn đang chen chân nhau để có cái Danh, Lợi, Quyền, Mốt nhiều khi mình chỉ mỉm cười. Buổi sáng đi làm trên xe điện, tôi thỉnh thoảng chú ý đến cảnh người ta chen chân nhau vào xe để chiếm cho được cái ghế ngồi thoải mái mà chỉ biết buồn cười. Đến office và lab, nhìn những trò đấu đá chính trị (vâng, trong khoa học cũng có chính trị, rất quan trọng là khác) mà thấy ngao ngán và ứng nghiệm với cuốn sách của Bruno Lemaitre. Hóa ra, đa phần chúng ta chỉ chạy theo bốn chữ Danh, Lợi, Quyền, Mốt; tất cả chúng ta chỉ là những diễn viên trên sân khấu đời. Nói như Lâm Ngữ Đường thì đóng vai trên sân khấu đời là ok, nhưng đừng quên rằng chúng ta còn có đời sống thật.
Nguồi bài, ảnh: Net.
Không có mô tả ảnh.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.