Sự nuông chiều tạo nên những đứa con vô ơn
"Tôi không mong con tôi học giỏi toán hay viết văn hay, tôi chú trọng vào giáo dục thể chất và kỹ năng sống, học võ học bơi, biết nói lời cảm ơn xin lỗi, biết gọn gàng ngăn nắp, tôi dạy con tôi tránh bị quấy rối tình dục, bắt cóc, dạy con biết giữ vệ sinh chung, vứt rác đúng nơi, ho biết che miệng, không lớn tiếng nơi công cộng, biết suy nghĩ tìm giải pháp cho những quyết định của con và tự chịu trách nhiệm về những quyết định đó."
Hôm trước khi nói về hành trình bỏ quê ra đi, khổ cực mấy cũng lo cho con cái đủ đầy, có bạn nói điều đó chưa chắc tốt cho con bởi bạn biết có gia đình kia lo cho con cái không thiếu thứ gì, bây giờ các ông bà đó chiếm hết nhà cửa còn muốn đuổi cha già ra khỏi căn nhà cuối cùng.
Hôm trước khi nói về hành trình bỏ quê ra đi, khổ cực mấy cũng lo cho con cái đủ đầy, có bạn nói điều đó chưa chắc tốt cho con bởi bạn biết có gia đình kia lo cho con cái không thiếu thứ gì, bây giờ các ông bà đó chiếm hết nhà cửa còn muốn đuổi cha già ra khỏi căn nhà cuối cùng.
Tôi nghĩ nhiều khi là nhân quả vay trả trong đời, hay chính sự giáo dục sai lầm của cha mẹ mà ra
Chúng ta đôi khi vì thương con mà nuông chiều mù quáng, tước đoạt đi những cơ hội trưởng thành và tạo nên những con người ích kỷ, chỉ biết được cung phụng, hưởng thụ chứ không biết phục vụ và yêu thương.
Một đứa trẻ được bảo bọc từ nhỏ, cơm đút tới miệng, nước dâng tận môi, được dành cho những món ăn ngon, đồ chơi đẹp, muốn gì được nấy mà không biết những thứ đó từ đâu ra thì lớn lên chắc chắn đứa trẻ đó sẽ thành một con người chỉ quen hưởng thụ, nếu không được đáp ứng sẽ quay lại oán trách cha mẹ.
Một đứa trẻ được cha mẹ bảo bọc từ trong trứng nước, không từng sứt đầu mẻ trán, không từng đi xa một mình, không từng được thực hiện ước mơ… chắc chắn sẽ lớn lên với tâm lý ỷ lại và thụ động, chỉ trông chờ vào sự xếp đặt của người khác.
Một đứa trẻ không quen lao động, không biết cha mẹ mình đã khổ cực thế nào để kiếm tiền thì chắc chắn xem việc được nuôi nấng, bảo bọc là chuyện đương nhiên, không cần phải biết ơn dưỡng dục.
Những đứa trẻ được giáo dục thế nào sẽ hình thành tính cách như thế đó.
Mà tính cách của một con người đâu phải một ngày một bữa mà thành? Tùy nếp nhà, tùy sự dạy dỗ của gia đình mà ra. Những đứa con của tôi, từ ba bốn tuổi đã phải theo chân mẹ để biết mẹ làm gì? Cực khổ ra sao?
Các con được chứng kiến sự hình thành của một chiếc tàu từ lúc khởi công, trải mê, dựng nề, từ khi lắp vỏ, lắp máy đến lúc hạ thủy và ra khơi.
Con tôi được nhìn thấy những nhà hàng khang trang lộng lẫy được dựng lên từ đống hoang tàn đổ nát như thế nào? Thấy người ta xây tô, lát gạch, lợp nhà ra sao?
Con tôi có thể bị trầy da chảy máu, chịu nắng gió, bụi bặm nhưng mỗi ngày mỗi hiểu biết và trưởng thành. Con trai nhỏ tôi biết nói với bà ngoại mỗi khi tôi về trễ rằng: “Mẹ con làm nhiều việc lắm, cực lắm”.
Con gái tôi biết nói: “Con đã tu nhiều kiếp nên kiếp này con làm con của mẹ”. Con tôi biết rõ mẹ chúng đã cực khổ thế nào để chúng được đủ đầy.
Chúng biết mẹ đã lao động như thế nào để biết chính lao động tạo ra của cải vật chất chứ không phải chúng đang xài những đồng tiền có sẵn trong tài khoản mà không biết nguồn gốc từ đâu.
Các bà mẹ bán hàng online hay lao công quét rác, những bà mẹ điều binh khiển tướng hay làm công ăn lương đều có thể tự hào nói với con mình: “Mẹ đang lao động chân chính để nuôi con”.
Chúng ta lo cho con trong khả năng của mình và phải cho con biết điều đó.
Con tôi dù được đủ đầy nhưng chưa bao giờ được nuông chiều, chúng được dạy lễ nghĩa, được dạy tự chăm sóc bản thân mình, không được đòi hỏi và biết quý trọng đồng tiền.
Tôi không mong con tôi học giỏi toán hay viết văn hay, tôi chú trọng vào giáo dục thể chất và kỹ năng sống, học võ học bơi, biết nói lời cảm ơn xin lỗi, biết gọn gàng ngăn nắp, tôi dạy con tôi tránh bị quấy rối tình dục, bắt cóc, dạy con biết giữ vệ sinh chung, vứt rác đúng nơi, ho biết che miệng, không lớn tiếng nơi công cộng, biết suy nghĩ tìm giải pháp cho những quyết định của con và tự chịu trách nhiệm về những quyết định đó.
Trước khi mong con thành danh thì hãy giáo dục con thành “Người” trước đã – thành “Người tử tế”, tử tế với cha mẹ, và tất cả mọi người. Một người tử tế chắc chắn không phải là người vô ơn”.
Nguồn: i.v.n.e.x.p.r.e.s.s...c.o.m.
Leave a Comment