Vì sao Việt Nam chưa hề xảy ra đại dịch?
Vì sao Việt Nam chưa hề xảy ra đại dịch?
(Dân Việt) - Lịch sử chưa ghi một đại dịch
nào trong suốt mấy ngàn năm tồn tại của dân tộc. Vì sao vậy? Vì dân ta chưa bao
giờ thoát khỏi môi trường sống tự nhiên là chân ruộng.
Người ta nói nhiều về nền văn minh lúa nước nhưng ít ai đề cập đến môi
trường sống tự nhiên của người Việt, môi trường sống tự nhiên đó quy định màu
da, màu mắt, cấu tạo sinh học và thể trạng của giống nòi. Cốt lõi của môi
trường sống tự nhiên đó chính là chân ruộng.
Trong ký ức tôi vẫn còn thấp thoáng cái bầu của bà nội, cái bầu đan bằng
tre trét dầu rái mà bà dùng để đựng những thứ linh tinh, nhưng bao giờ cũng có
vài chiếc tổ tò vò. Hồi nhỏ mỗi khi chị em tôi vừa sốt vừa nôn, bà lấy chiếc tổ
tò vò ra đốt lên, thả vào một bát nước rồi cho uống, vậy là hết bệnh.
Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu vì sao chiếc tổ tò vò lại có thể chữa được
bệnh khi nó chẳng qua chỉ là một cục đất khô. Chưa có một “nghiên cứu khoa học”
nào về chiếc tổ tò vò cả, nhưng có sao đâu, nó vẫn có thể chữa được bệnh
“thương hàn thổ tả” cho chị em tôi trong suốt những năm thơ ấu mà không cần đến
một viên thuốc tây nào.
Tôi hỏi ông Nguyễn Phúc Ưng Viên “y lý” của tổ tò vò là gì, ông cười bí
hiểm : “Đó là sự kỳ thú của chân ruộng”.
Ông Ưng Viên là cháu gọi Vua Minh Mạng
bằng cố nội. Qua ông mà tôi viết được hai loạt bài “Bí ẩn trầm hương” và “Cây
tre cứu người” đăng trên báo Thanh Niên. Tài dụng trầm và dụng tre vào việc
chữa bệnh của ông đạt đến độ xuất thần nhập hóa, ai đã từng chứng kiến đều tâm
phục khẩu phục. Nhưng điều tôi tâm đắc nhất trong cuộc đời làm báo cho đến bây
giờ là khi nghe ông nói về chân ruộng.
Tôi không tài nào hiểu được cái ông già “hoàng thân quốc thích” này sống ở
nông thôn vào lúc nào mà lại giống một “lão nông tri điền” đến vậy, hơn nữa
kiến thức về ruộng đồng vườn tược của ông uyên thâm đến mức khiến người ta kinh
ngạc.
Ông Ưng Viên bảo dân tộc Việt Nam sinh ra trên chân ruộng nên sức sống của
giống nòi nằm ngay ở đấy. Lời ấy nghe quen quen. Ông nói tiếp, khi chân ruộng
không còn, dân tộc sẽ suy thoái và diệt vong. Lời này như một khẩu hiệu, nhưng
hơi lạ.
Ông bảo một cục đất cuốc lên, một tảng đất cày xới lên chứa hàng tỷ hàng tỷ
những tế bào những phiêu sinh, những mầm sống. Sự chuyển vần qua xuân hạ thu
đông, được giao hòa với mặt trời với núi rừng sông biển, những sản vật sinh
sôi, lụi tàn rồi lại sinh sôi kế tiếp. Con người sinh ra ở đây, lớn lên ở đây
thì ở đây cũng có đủ mọi thứ để bảo vệ, để duy trì, để tiếp nối sự sống của con
người.
Người ta nói nhiều về nền văn minh lúa nước, nhưng ít khi đề cập đến môi
trường sống tự nhiên của người Việt. Môi trường sống đó gắn với bản năng sinh
tồn, bản năng tự vệ. Sống trong môi trường đó tự nhiên tồn tại, thoát khỏi nó
trước sau gì cũng bị diệt vong. Chân ruộng là cốt lõi tạo nên môi trường sống
của người Việt và là nền tảng sinh ra nền văn minh lúa nước, là cội nguồn của
4.000 năm văn hiến. Môi trường sống đó ấn định cấu tạo sinh học, ấn định màu
da, màu mắt, ấn định đặc tính chủng tộc giống nòi.
Các nhà khoa học Nga nói rằng, một con chó bị điên, nếu thả nó vào rừng, nó
sẽ tự khỏi bệnh. Con chó có khả năng tự tìm ăn những lá cây, những rễ cây chữa
bệnh cho nó. Được trở về với môi trường sống tự nhiên ban đầu của nó, con chó
không cần thuốc men.
Con người cũng vậy. Môi trường sống tự nhiên “cần và đủ” để duy trì sự sống
của họ mà không cần sự can thiệp từ “bên ngoài”. Những gì có ở nơi họ sống đủ
cho họ ăn uống hít thở, đủ để cân bằng thể trạng, cân bằng tâm sinh lý, đủ cho
thế hệ nối tiếp thế hệ. Ăn những thứ tại đây, uống những thứ tại đây, hít thở
không khí “hương đồng cỏ nội” tại đây con người khỏe mạnh bình thường tre già măng
mọc, nếu sống khác đi thì sẽ “có vấn đề”, thì sinh bệnh tật. Muốn hết bệnh,
phải “trở về” với nơi dung dưỡng đầu tiên, như cá phải về với nước.
Nhà nông học nổi tiếng nước ta, Giáo sư Bùi Huy Đáp sinh thời có nói với
tôi nhân thế giới có bệnh bò điên: “Đã là con bò thì tự nhiên phải ăn cỏ, nhưng
người ta bắt nó phải ăn xương ăn thịt nghiền với ngũ cốc. Ăn uống trái với tự
nhiên thì nhất định có vấn đề. Bệnh bò điên sinh ra từ đó”.
Những trận dịch đầu tiên trong lịch sử nhân loại xuất phát từ đâu? Từ những
nơi đầu tiên đô thị hóa ở châu Âu, tức là khi con người thoát khỏi môi trường
sống tự nhiên của họ. Và thương mại đã đem dịch bệnh đi khắp nơi. Thế kỷ 13,
thế kỷ 14 có lúc 1/3 dân số châu Âu chết vì dịch hạch. Đó là cái giá mà nền văn
minh công nghiệp phải trả. Rồi nhân loại đã thích nghi dần, ai chết đã chết, ai
sống thì được “miễn nhiễm”, tức là mãi mãi phải mang mầm bệnh trong người.
Lịch sử chưa ghi một đại dịch nào trong suốt mấy ngàn năm tồn tại của dân
tộc. Vì sao vậy? Vì dân ta chưa bao giờ thoát khỏi môi trường sống tự nhiên là
chân ruộng. Nói chưa, không có nghĩa là không có nguy cơ, không có nghĩa là sẽ
không bao giờ.
Những khảo cứu của Jared Diamand trong sách “Súng, Vi trùng và Thép” cho
thấy, không phải vũ khí, mà là vi trùng, đã tiêu diệt hàng triệu người châu Mỹ
khi người châu Âu sang chinh phục nơi này, thậm chí có những bộ tộc bị tiêu
diệt hoàn toàn bởi dịch bệnh được lây lan từ người châu Âu. Người châu Âu đã
phá vỡ môi trường sống tự nhiên của người châu Mỹ, đã xóa sổ nhiều bộ tộc trước
khi đem văn minh công nghiệp đến. Những con vi trùng dịch bệnh được “thuần hóa”
trong cơ thể người châu Âu đã gây hại cho người châu Mỹ.
Cái giá phải trả cho nền văn minh phương Tây là hiện nay mỗi người sống đều
bị phụ thuộc vào một vị bác sĩ, phụ thuộc vào các hãng dược xuyên quốc gia.
Dưới góc nhìn của văn minh phương Tây, tìm ra các loại vaccin phòng dịch là một
trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người, nhưng mấy ai đặt vấn đề vì
sao có dịch. Vả lại đưa vaccin vào người cũng giống như thuần hóa một tên ăn
trộm đưa vào nhà để chống trộm, liệu chúng ta có tin tưởng hoàn toàn vào một
đứa ăn trộm được thuần hóa hay không?
Khi viết loạt bài này tôi hoàn toàn không có ý định kêu gọi “nông thôn hóa
thành thị”. Chân ruộng được đề cập ở đây có ý nghĩa bao trùm cả môi trường sống
của đất nước. Do sự tuần hoàn tự nhiên của ngày đêm và của bốn mùa, những gì có
trên chân ruộng được giao hòa lan tỏa khắp nơi, cả ở nông thôn, miền núi và
thành thị, ấy là chưa kể người thành thị của chúng ta ngày nay vẫn còn ăn những
món ăn chủ yếu từ chân ruộng, thậm chí bây giờ người càng giàu càng sang càng
thích ăn những món đồng quê. Đâu phải là thích ăn do “lạ miệng”, mà chính là
bản năng “trở về” cội nguồn của người Việt đấy…
Hoàng Hải Vân
http://danviet.vn/tin-tuc/vi-sao-viet-nam-chua-he-xay-ra-dai-dich-25755.html
Leave a Comment