Từ một di sản vĩ đại của nhà Nguyễn


Từ một di sản vĩ đại của nhà Nguyễn
(Dân Việt) - Nếu coi giá trị khoa học của những công trình nghiên cứu y dược hiện đại là kết quả của các thử nghiệm lâm sàng lặp đi lặp lại thì các sách y dược cổ truyền của nhà Nguyễn có giá trị khoa học đến đâu khi tần số “lặp đi lặp lại” đó diễn ra hàng ngàn năm ?

Càng nói chuyện với ông Ưng Viên tôi càng thấy lạ lùng về những kiến thức “kinh dị” của ông. Hiểu biết của ông về ruộng đồng vườn tược vượt xa mọi kiến thức sách vở. Những gì ông nói về trầm hương, về cây tre và nhất là về chân ruộng, là hệ thống tri thức liên hoàn tầng tầng lớp lớp, tôi chưa thấy ghi trong bất cứ sách vở đông tây kim cổ nào, nó không chỉ là kiến thức của một thầy thuốc Đông y mà là tổng hợp tri thức mấy ngàn năm của dân tộc được nhà Nguyễn đúc kết, phát triển và sự khảo nghiệm, thực hành mấy chục năm qua của chính ông Ưng Viên. Thời trẻ ông từng học ngành y ở Mỹ, nhưng ông bảo những gì mà ông học được từ Tây y không đáng vào đâu so với những di sản y dược mà tổ tiên ông để lại.
 Hai bộ sách “Nguyễn Phúc tộc Dược minh y kính” và “Nguyễn Phúc tộc Y gia truyền thế thường hành” là hai bộ sách gia truyền của hoàng tộc nhà Nguyễn. Đó là những sách đúc kết tri thức về y dược hàng ngàn năm của dân tộc, là sự hệ thống hóa khả năng tự vệ của nòi giống trước những tác động của thiên nhiên bằng chính những gì có sẵn trên mảnh đất này.
Hai bộ sách bắt đầu khởi thảo từ thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trên cơ sở đúc kết di sản của người xưa; đến thời Minh Mệnh, Nhà vua giao cho Hoàng tử thứ 12 là ông nội của ông Ưng Viên chủ trì hoàn thiện hai bộ sách.
Bộ thứ nhất nói về dược và các nguyên lý chữa bệnh, sách cũng làm sáng tỏ những sai lầm trong điều trị của người xưa và cách tránh. Bộ thứ hai hướng dẫn cách điều trị những bệnh tật căn bản. Sách được truyền cho con cháu trong hoàng tộc, không truyền ra ngoài.
Điều đặc biệt trong hai bộ sách trên là sự phân tích, lý giải, tổng hợp những khảo nghiệm về dược lý, y lý của những sản vật thiên nhiên của Việt Nam, trong đó có tất cả những sản vật trên chân ruộng, không trừ một thứ gì.
Nhà Nguyễn, kể từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trở đi đã cùng dân tộc mở rộng thêm một nửa lãnh thổ. Đến thời Vua Minh Mệnh, Việt Nam trở thành một đất nước rộng lớn nhất trong lịch sử 4.000 năm, đó chính là cương thổ của nước Việt Nam bây giờ, bao gồm cả Trường Sa, Hoàng Sa.
Dân tộc đã theo Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi, trải qua vô số cuộc hiểm nghèo, đi qua vô số nơi rừng thiêng nước độc, nhưng nòi giống vẫn được bảo tồn và nhân lên gấp bội. Thành quả đó ngoài tầm nhìn chính trị, tài năng tế thế kinh bang, còn có bí quyết bảo tồn nòi giống.
Nếu coi giá trị khoa học của những công trình nghiên cứu y dược hiện đại là kết quả của các thử nghiệm lâm sàng lặp đi lặp lại thì các sách y dược cổ truyền của Nhà Nguyễn có giá trị khoa học đến đâu khi tần số “lặp đi lặp lại” đó diễn ra hàng ngàn năm ?
Đọc sử sách chúng ta đều biết, thời xưa nước Nam ta hàng năm bị buộc phải triều cống cho các Hoàng đế Trung Hoa. Trong các cống phẩm đó, “thiên triều” bao giờ cũng yêu cầu hiến các thầy thuốc giỏi. Ông Ưng Viên nói tổ tiên nhà Nguyễn của ông chỉ riêng thời nhà Đinh đã phải cống tới 18 thầy thuốc giỏi cho Trung Quốc. Như thế đủ thấy y thuật của Việt Nam từ xưa đã giỏi hơn y thuật Trung Hoa. Còn về dược, chỉ riêng cây tre tổ tiên ta đúc kết có tới hơn 200 vị thuốc, điều này y học Trung Hoa không biết được, y học hiện đại cũng chưa “đụng chạm” đến.
Để lý giải vì sao một “hoàng thân” như ông Ưng Viên mà giống một “lão nông tri điền” và tất cả những tri thức xung quanh chân ruộng đều được đúc kết trong hai bộ sách y dược quý giá của nhà Nguyễn, cần nói qua về ông cố của ông, Hoàng đế Minh Mệnh.
Vua Minh Mệnh, được lịch sử gọi là vị Hoàng đế của đồng ruộng, vị Hoàng đế của nông dân. “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy cái ăn là trời”, đó là câu nói nổi tiếng của ông. Các đế vương thường coi phượng hoàng, kỳ lân, mây lành xuất hiện là điềm lành của vương quốc, nhưng Minh Mệnh thì khác, ông bảo: “Được mùa là điềm lành trên hết”.
Minh Mệnh không chỉ là một minh quân, ông còn là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông để lại một di sản thi ca đồ sộ với hàng ngàn bài thơ hay. Và chưa có bậc đế vương nào, chưa có một thi nhân nào hướng về đồng ruộng, hướng về người nông dân với tất cả tâm huyết như Minh Mệnh. Hàng trăm bài thơ của ông được khắc trên Điện Thái Hòa, trên Ngọ Môn và trên lăng mộ của ông, trong đó thơ nói về nông dân và đồng ruộng chiếm “chủ đạo”.
Thương dĩ doanh thu cốc
Dã tương mậu hạ hoà
Minh già vô thú thán
Kích dưỡng hữu nông ca
(Vụ thu thóc đã đầy kho
Ngoài đồng mùa hạ lúa ngô bời bời
Không lo lính thú nên vui
Say sưa đập đất hát bài nhà nông
- Nguyễn Trọng Tạo dịch)

Địa các cao phỉ tỷ
Nhân hưng liêm nhượng khoa
Dư diêm mưu đoạt thiểu
Quyến mẫu lực cầm đa
(Màu mỡ đất thêm mùa
Thuế nhường, dân khá giả
Làng xóm ít mưu ma
Ruộng đồng dân hể hả
- Nguyễn Trọng Tạo dịch).
Hai bài thơ này vừa nói lên cái chí vừa nói lên cái tình, cái chí và cái tình là nhất quán. Ông vui cái vui của người nông dân, nhưng muốn có được “nông ca” thì người dân không phải đi lính, phải “vô thú thán” và được giảm thiểu thuế má. Minh Mệnh là một trong những ông vua biết khoan sức dân, một ông vua không muốn chiến tranh, một ông vua hòa bình. Không phải ngẫu nhiên mà vào thời Minh Mệnh, nước ta là một nước cường thịnh nhất châu Á, cường thịnh hơn Nhật Bản và hơn cả Trung Quốc thời Nhà Thanh đang bắt đầu suy thoái.
“Việc nông nghiệp” của Nhà Nguyễn không chỉ là chính sách và thực thi chính sách. Nó còn là sự thể nghiệm, sự thực hành của triều đình. Thời Minh Mệnh, Nhà vua không những khôi phục Lễ Tịch điền mà còn tổ chức cho hoàng thân quốc thích làm ruộng thực sự.
Năm Minh Mệnh thứ chín, nhân Lễ Tịch điền, Nhà vua ra chiếu chỉ giảm 3 phần 10 thuế cho dân và đề thơ:
Bỉnh lỗi tam thôi than vị quyện
Tùng canh cửu phản hãn như tương
Nhân tư cần khổ lao thiên mẫu
Viện giáng ân thi chiếu thập hàng.
(Ta cày một ba luống chưa thấy mệt
Các quan cày chín luống thì mồ hôi đã ướt đầm
Thế mới biết người người nông dân cày ngàn mẫu cực khổ như thế nào
Vì vậy xuống chiếu ra ân vào năm thứ mười).
Triều đình còn cho lập một khu ruộng riêng 12 mẫu, gọi là khu Tịch điền, dành cho vua, hoàng thân quốc thích trực tiếp cày cấy, lúa thu hoạch được một phần dùng làm giống, còn lại dùng vào việc nấu cơm cúng tế trong triều đình. Vì vậy mà vua và hoàng tộc đều hiểu được nỗi khổ của người dân, biết rõ về “nước, phân, cần, giống” và mọi chuyện của mùa màng, đồng ruộng. “Trồng cây gì, nuôi con gì” thời đó không có chuyện áp đặt từ ý muốn phi thực tế của vua quan mà xuất phát từ thực tế và nhu cầu của cuộc sống.
Sau khi thu giang sơn về một mối, nhà Nguyễn đã nâng cấp, phát triển, mở rộng đê điều được xây dựng từ thời nhà Lý thành một hệ thống đồ sộ rộng khắp từ Bắc chí Nam để đối phó một cách hiệu quả với thiên tai cùng các chính sách khuyến nông và bảo vệ nông dân đã đưa VN thành một đất nước thành cường thịnh trong tương quan với thế giới lúc bấy giờ. Và việc đúc kết sức sống của giống nòi trên chân ruộng cũng là một di sản vô giá.
Hoàng Hải Vân
http://danviet.vn/tin-tuc/tu-mot-di-san-vi-dai-cua-nha-nguyen-28371.html


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.