SỰ KỲ DIỆU CỦA CON VỊT VÀ VỊT THẢ ĐỒNG


SỰ KỲ DIỆU CỦA CON VỊT VÀ VỊT THẢ ĐỒNG

Liều thuốc quý

Theo sách “Nguyễn Phúc tộc Dược minh y kính”, thịt vịt (gọi là “áp nhục” hoặc “điền hoa áp tử”) là món ăn ngon và là vị thuốc quý, đặc biệt tốt cho gan và lá lách.
Thịt vịt luộc hoặc nấu cháo ăn vào có tác dụng “khu phong”. Người mắc chứng phong ngứa ăn vịt lần đầu sẽ thấy ngứa nhiều hơn, ấy là do phá bệnh, không sao cả, ăn lần thứ hai sẽ hết ngứa ngay. Ăn hai, ba con có thể hết bệnh.
Còn thịt vịt nướng thì có tác dụng “dũ phong”, ăn vào bệnh phong ngứa sẽ không phát tác gây biến chứng nguy hiểm.
Thuốc bí truyền nhà Nguyễn có thang “thương khẩu bất hiệp” chế từ trầm hương, tre ngâm bùn (trúc nịch), cây chuối hột… kết hợp với da và màng chân vịt.
Như tên gọi của nó, thang này chữa được những vết thương lâu lành, đặc biệt là chữa bỏng nặng.
Một cánh tay nếu bị bỏng nặng toàn phần, Tây y hiện nay chỉ còn cách tháo khớp cắt cánh tay đi, nhưng ngày xưa cha ông ta có thể chữa khỏi, chỉ cần ngâm cánh tay trong dung dịch thuốc nói trên trong nửa ngày là giữ được các mao mạch để cứu cánh tay, sau đó tiếp tục đắp thuốc một thời gian sẽ khỏi.
Tôi hỏi ông Ưng Viên vì sao thịt vịt lại thường được ăn với gừng, ông giải thích: Vịt là giống không có tuyến mồ hôi, những giống không có tuyến mồ hôi đều thuộc “hàn nhục”, mà gừng thì có tác dụng ôn ấm, cho nên ăn thịt vịt với gừng hoặc riềng sẽ làm cho hàn nhiệt cân bằng, rất tốt cho sức khỏe. Nhưng ông bảo phải ăn với gừng nướng mới tốt, dùng gừng sống không có nhiều tác dụng.
Da vịt là một vị thuốc rất quý, ăn vào có thể trị được bệnh bạch đới ở phụ nữ, bệnh di mộng tinh ở nam giới (đối với bệnh hoạt tinh thì da vịt không đủ tác dụng).
Da vịt bào chế với các loại thảo mộc thành thuốc chữa rất hữu hiệu bệnh mạch lươn (rò hậu môn) cho nữ giới. Bệnh nặng không có da vịt không trị được. Trrường hợp khẩn cấp trong khi chờ chế biến thuốc, ăn da vịt bệnh có thể ngưng được một thời gian.
Da trên ức vịt còn quý hơn, ăn vào tăng sức dẻo dai cho cơ bắp, rất tốt cho vận động viên.
Mật vịt là một trong những vị thuốc hay nhất trong điều trị các loại u bướu và ung nhọt. Nó còn chữa được bệnh đau dạ dày.
Trong thuốc nhỏ mắt bí truyền của nhà Nguyễn có hai nhãn cầu, da ức và mỡ dưới ức vịt.
Vịt có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon. Cung đình nhà Nguyễn có món đặc biệt: Vịt chưng tương truyền chủng, là món vịt nấu với măng, dịch tre non (trúc nhự), hạt sen, hoài sơn, táo đỏ, liếu tiếu thảo, huỳnh kỳ đỏ, dâm dương hoắc hoặc thạch xương bồ, tương đậu mèo… Như tên gọi của nó, món này ăn vào chữa được bệnh hiếm muộn ở cả nam lẫn nữ.
Theo kinh nghiệm dân gian thì thịt vịt “hiền” hơn thịt gà, còn trứng gà lại “hiền” hơn trứng vịt. Vì vậy mà khi đau ốm người ta ăn thịt vịt mà kiêng thịt gà, còn đối với trứng thì ngược lại. Ông Ưng Viên bảo điều đó đúng, nhưng không đúng hoàn toàn.
Trứng vịt bổ dưỡng hơn trứng gà, nhưng do hàm lượng lưu huỳnh cao hơn nên người không khỏe ăn vào sẽ bị đau nhức cơ thể chứ không có hại gì cho sức khỏe, nếu biết cách chế biến hàm lượng lưu huỳnh sẽ cân bằng. Ngược lại, thịt gà có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn thịt vịt.

Mãnh cầm

Vịt vốn là loài thiên cầm được thuần hóa, đó là thứ “mãnh cầm” sống trong tự nhiên thành đàn, thường di cư từ nơi này qua nơi khác để thích nghi với sự biến đổi của khí hậu. Ở Việt Nam, vịt được nuôi làm gia cầm cách nay khoảng 2.600 năm.
Gọi là “mãnh cầm” vì sức sống của vịt rất mãnh liệt. Những nghiên cứu khoa học gần đây cũng xác nhận, sức đề kháng của con vịt rất mạnh, vi khuẩn gây được bệnh cho vịt phải mạnh hơn vi khuẩn gây bệnh cho người tới 300 lần. Bởi vậy, vịt là con duy nhất trên đồng ruộng có thể ăn và tiêu hóa được con đỉa.
Ngày xưa vịt không bao giờ bị bệnh, không bao giờ “chết bờ chết bụi”, nó chỉ chết khi già và bao giờ cũng chết trong tư thế ngủ. Tất nhiên không tính việc chết do bị con người ăn thịt.
Vịt thả đồng là một sáng tạo độc đáo, được áp dụng đầu tiên ở Nam Bộ vào thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Người khuyến khích nuôi vịt thả đồng chính là ông Đào Duy Từ. Sau đó, công chúa Ngọc Vạn đã mang vịt thả đồng sang quê chồng của mình là Campuchia.
Do sức sống mãnh liệt của nó, những đàn vịt là chủ thể chế ước, thuần hóa những vi sinh vật có hại trên đồng ruộng, đồng thời mang những vi sinh vật, những bào tử thực vật và động vật có ích gieo rắc khắp nơi. Phân vịt không những không độc hại mà còn chứa những vi sinh tốt, giúp khống chế được những vi sinh gây bệnh. Ngày nay, các nhà khoa học đã trích chiết một số chất trong phân vịt để đưa vào một số loại tân dược.
Nuôi vịt thả đồng còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vịt thả đồng chỉ cần ăn những sản vật trên đồng ruộng là đủ, không cần cho ăn gì thêm, trừ vịt đẻ mới cho ăn thêm ngô hoặc lúa, nhưng không nhiều, chỉ tốn 100g một ngày cho 10 con vịt đẻ. Do vậy, so với vịt nuôi nhốt, vịt thả đồng tiết kiệm tới 85% vốn đầu tư, lại không bị bệnh tật.
Đất nào có vịt thả đồng thì tốt hơn đất cùng loại ở nơi khác. Hiệu quả kinh tế từ nuôi vịt thả đồng không chỉ riêng việc giảm vốn đầu tư cho thức ăn mà còn hiệu quả từ chi phí thuốc men, từ đất đai, từ môi trường mà đàn vịt đem lại.
Sau này, từ khi đưa các giống lúa lai tạo vào đồng ruộng kèm theo đó là phân hóa học và thuốc trừ sâu, vịt mới bắt đầu sinh bệnh. Những sản vật trên chân ruộng ngày càng ít đi, việc nuôi vịt dần dần theo lối công nghiệp, chi phí đầu tư cao, không chỉ tốn thức ăn mà còn tốn thuốc men kháng bệnh. Cái lợi từ nuôi vịt ít đi, cái lợi từ môi trường sinh ra từ đàn vịt cũng ít đi. Thịt vịt nuôi theo lối công nghiệp cũng không còn giá trị tự nhiên của nó nữa…
HOÀNG HẢI VÂN
(Bài đăng trên báo Nông thôn ngày nay, 2011, trong loạt bài “Chân ruộng, sự tồn vong của dân tộc”)

Ảnh vịt cỏ thả đồng, lấy từ trang web Hội Nông dân VN


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.