Nghe điều HAY, đọc lẽ PHẢI vẫn là yếu chỉ dưỡng sinh tốt nhất!
Nghe điều HAY, đọc lẽ PHẢI vẫn
là yếu chỉ dưỡng sinh tốt nhất!
Trích từ sách Bão Phác Tử Nội Thiên - chương Cực Ngôn, Cát Hồng viết:
"Người giỏi bảo dưỡng thân thể có giờ giấc đi ngủ và thức
dậy sớm trễ khác nhau tùy theo bốn mùa, sinh hoạt ban ngày có chế độ luôn điều
hòa; biết điều dưỡng gân cốt thư thái, có phép tắc vận động; ngăn chận tật bệnh
và xua trừ tà khí, có phép tắc nuốt nhả [thổ nạp, đạo dẫn] giúp khí huyết lưu
thông tuần hoàn, có phép dùng thuốc bổ hư và tả thực; tiết chế sự lao động và
nghỉ ngơi, có yếu quyết tăng giảm. Dằn cơn giận để bảo toàn âm khí, nén vui
mừng để bảo dưỡng dương khí. Sau đó uống thuốc từ thảo mộc để bổ khuyết những
tổn mất, rồi uống kim đan để trường thọ, nguyên lý trường sinh chỉ như vậy
thôi."
Trong Dưỡng Sinh Luận, Kê Khang viết:
"Kẻ ăn ở thái quá, ẩm thực không điều độ để sinh trăm bệnh;
ham mê sắc dục không biết mệt đến mức cạn kiệt; đó là khiến cho gió lạnh và
trăm thứ độc tác hại, để cho chết non chốn gian nan; người đời đều biết vui
biết buồn, nhưng không giỏi giữ gìn thân thể. Để thân thể đến mức mất sự quân
bình, làm mất những nhỏ nhặt; lâu ngày nhiều nhỏ nhặt mất đi dồn lại thành hao
tổn, nhiều hao tổn dồn lại thành suy nhược, từ suy nhược trở nên bạc đầu, từ
bạc đầu thành già nua, từ già nua dẫn đến tử vong, sầu muộn vu vơ. Kẻ căn trí trung
bình trở xuống xem đó là lẽ tự nhiên, nên phóng túng, ít ai giác ngộ. Khi bắt
đầu gặp tai họa thì đều than thở, nhưng họ không biết cẩn thận trước khi mọi
nguy hiểm báo hiệu."
Kê Khang cho rằng, luyện tâm (nội dưỡng) và luyện thân (ngoại
dưỡng) đều quan trọng trong nhiếp sinh. Ông viết: "Tâm trống trải, yên
tĩnh, thư thái; bớt suy tư và ham muốn. Biết rằng danh lợi và địa vị làm hại
đức, nên bỏ qua không mưu cầu, không ham muốn nhưng không cố dồn nén cấm chỉ;
thưởng thức món ăn bổ béo làm hại tính, nên bỏ đi không màng tới, không tham
vọng để rồi bị ức chế. Những gì ngoài thân mà làm lụy tâm ta thì đừng lưu giữ,
thần khí sẽ được thuần bạch. Thanh thản không lo sợ, yên lặng không tư lự. Rồi
lại lấy lẽ Một (Đạo) để gìn giữ, lấy thái hòa để nuôi dưỡng. Sau đó dùng linh
chi để khỏe mạnh, dùng nước suối ngọt để tươi nhuận, phơi nắng để khô ráo, khảy
đàn để thư thái, tự đạt đến vô vi, thân tâm đều huyền diệu. Quên những cái vui
giả tạm để sau được niềm vui tròn đầy, xả bỏ cái phù sinh để thân còn
mãi."
Cát Hồng cũng đã nêu ra những lý do làm tổn hại sinh mệnh:
"Ngoài ra, tài năng chưa tới mà khổ sở mong tìm là làm hại;
sức lực không đủ mà gượng thi hành là làm hại; buồn rầu ai oán đến nỗi tiều tụy
là làm hại; vui sướng quá độ là làm hại; bôn ba vì dục vọng là làm hại; cười
nói vui đùa lâu là làm hại; đi ngủ và nghỉ ngơi không đúng giờ là làm hại; ráng
sức giương cung nỏ là làm hại; say mèm đến nỗi nôn mửa là làm hại; ăn no đi nằm
ngay là làm hại; chạy nhảy để hơi thở khò khè hổn hển là làm hại; reo vui khóc
lóc là làm hại; âm dương không giao hợp là làm hại; tích lũy các điều hại này
quá mức sẽ chết sớm; chết sớm đâu phải là đạo dưỡng sinh."
Vì sợ tổn thương nên phải biết thận trọng. Cát Hồng nói:
"Cho nên, phương pháp dưỡng sinh là: Không phun nước bọt ra xa, không đi
bộ nhanh, tai không ráng nghe, mắt không nhìn lâu, không ngồi quá lâu, không
nằm cho đến mỏi mệt, mặc thêm áo trước khi mùa lạnh đến, cởi bớt áo trước khi
mùa nóng đến, chớ để rất đói rồi mới ăn, chớ ăn no quá, chớ để thật khát rồi
mới uống, chớ uống quá nhiều. Hễ ăn nhiều thì đầy bụng, uống nhiều thì sinh
đàm. Chớ lao nhọc quá mà cũng chớ rảnh rang nhiều quá, chớ thức dậy muộn, chớ
để đổ mồ hôi, chớ ngủ nhiều quá, chớ cỡi xe cỡi ngựa nhanh, đừng ráng căng mắt
nhìn xa, chớ ăn những món sinh lạnh bụng, chớ uống rượu trước luồng gió, chớ
tắm nhiều lần trong ngày, chớ có chí nguyện quá xa xôi, chớ có chế tạo những đồ
vật kỳ dị tinh xảo, mùa đông chớ để quá ấm, mùa hè chớ để quá mát, đừng nằm
ngoài loã thể dưới trăng sao, nằm ngủ chớ để lộ vai, chớ mạo hiểm đi lúc thời
tiết xấu như rất rét, rất nóng, hay nhiều sương mù. Năm vị vào miệng thì chớ
dùng thái quá bởi vì chua quá hại tỳ, đắng quá hại phổi, cay quá hại gan, mặn
quá hại tim, ngọt quá hại thận; đó là cái lý tự nhiên của ngũ hành vậy."
Do đó, phải xem sự thận trọng là điều trước tiên. Kinh sách nói:
"'Kẻ không biết sợ điều đáng sợ, điều thật đáng sợ sẽ đến.’ [...] Người
dưỡng tính, nếu không biết lo sợ thì tâm loạn không thể giữ yên, bề ngoài mau
lẹ mà bất an, thần tán mất và khí đi, ý chí tối tăm phóng đãng, đáng sống thì
chết, đáng chết thì mất, đáng thành thì bại, đáng may thì rủi."
Những ham muốn viển vông hay tham vọng quá lớn vượt xa khả năng
của bản thân khiến con người dễ bệnh tâm thần, một thứ hoang tưởng hay vĩ
cuồng. Cho nên dưỡng tâm hay dưỡng thân thì không gì quý hơn là trung hòa:
Không nghiêng về một cực đoan nào. Đạo giáo dạy trung hòa, Nho giáo dạy trung
dung, Phật giáo dạy trung đạo, tất cả cũng nhằm dưỡng tâm. Tôn Tư Mạc gói ghém
thuật dưỡng tâm trong 12 chữ thiểu (giảm thiểu): "Kẻ nhiếp dưỡng phải giảm
nghĩ ngợi, giảm ghi nhớ, giảm ham muốn, giảm công việc, giảm nói năng, giảm
cười đùa, giảm u sầu, giảm sung sướng, giảm vui vẻ, giảm giận dữ, giảm ưa
thích, giảm ghét bỏ. Kẻ thực hành 12 chữ giảm thiểu này mới khế hợp với đạo
dưỡng sinh."
Trích từ sách Đạo gia, xin mọi người cùng đọc.
Nguồn: Nguyễn Lan Anh fb
Leave a Comment