HAI THỨ TỰ DO
HAI THỨ TỰ DO
Có hai thứ tự do trong cuộc đời này: Tự do thỏa mãn các dục vọng
và tự do thoát khỏi những dục vọng.
Nền văn hóa phương Tây hiện đại chỉ công nhận loại tự do đầu
tiên, tự do thỏa mãn dục vọng. Và nó tôn thờ loại tự do ấy bằng cách đưa lên
trang đầu các bản hiến pháp và tuyên ngôn nhân quyền. Người ta có thể nói rằng
tín điều căn bản của hầu hết các nền dân chủ phương Tây là cố hết sức bảo vệ
quyền tự do thỏa mãn mọi dục vọng của con người. Nhưng điều đáng chú ý là trong
những đất nước như thế người ta không cảm thấy tự do cho lắm.
Loại tự do thứ hai, tự do thoát khỏi dục vọng, chỉ được ca ngợi
trong một vài cộng đồng tôn giáo. Ở đó người ta ca ngợi sự bằng lòng, bình an,
giải thoát. Điều đáng chú ý là ở những nơi thanh bần như thế, như ở tu viện của
chúng tôi, người ta cảm thấy tự do.
Bạn mong muốn thứ tự do
nào?
Một hôm có hai vị sư người Thái được mời thọ trai giới ở nhà một
cư sĩ. Trong phòng khách nơi họ được mời vào và ngồi chờ có một bể nuôi nhiều
loại cá. Vị sư nhỏ tuổi hơn tỏ ý không bằng lòng vì việc nuôi cá trong bể là
không hợp với giáo lý từ bi của Phật giáo. Việc ấy cũng giống như nhốt cá vào
tù vậy. Lũ cá đã làm gì đáng phải bị giam giữ trong một nhà tù bằng kính như
vậy? Chúng cần được tự do bơi lội trong dòng sông hay ao hồ tùy thích. Tuy
nhiên, vị sư thứ hai không đồng ý. Vị ấy lý giải rằng, quả là những con cá ấy
không được tự do theo đuổi sở thích riêng của chúng, nhưng sống trong bể thì
chúng thoát khỏi nhiều mối nguy cơ. Rồi vị ấy liệt kê ra các loại tự do ấy như
thế này:
1. Có bao giờ quý vị thấy người đi câu buông câu trong một bể cá
trong nhà? Chưa! Vậy thì tự do đầu tiên mà những con cá kia có được là không bị
người đi câu đe dọa. Hãy tưởng tượng hoàn cảnh của cá trong tự nhiên. Khi chúng
thấy một con sâu béo mập hay một con ruồi ngon lành chúng không thể biết chắc
là đớp mồi có an toàn hay không. Chắc chắn là chúng đã từng trông thấy bà con
hay bạn bè nuốt một con sâu trông ngon lành rồi đột nhiên biến mất khỏi cuộc
đời của chúng vĩnh viễn. Đối với một con cá trong tự nhiên, việc ăn chất chứa
nhiều nỗi hiểm nguy và thường kết thúc một cách bi thảm. Bữa ăn đem đến tai
họa. Ắt hẳn con cá nào cũng bị chứng khó tiêu mãn tính do luôn luôn lo lắng, và
con nào bị bệnh thần kinh hoang tưởng chắc là nhịn đói tới chết luôn. Cá trong
tự nhiên có thể bị mắc bệnh tâm thần hết. Còn cá trong bể được tự do khỏi mối
hiểm nguy này.
2. Cá trong tự nhiên thường lo bị cá lớn nuốt. Thời buổi này ở
nhiều sông, lội ngược dòng vào ban đêm ắt hẳn không còn an toàn như trước! Thế
nhưng không có người nuôi nào lại thả những con cá lớn vào để ăn những con cá
mình nuôi. Vậy thì những con cá trong bể thoát khỏi mối hiểm nguy bị cá lớn ăn
thịt.
3. Trong tự nhiên, có những lúc cá có thể không tìm được thức
ăn. Còn cá trong bể thì như thử sống gần một nhà hàng vậy. Cứ ngày hai lần, bữa
ăn đầy đủ chất dinh dưỡng được giao đến tận nơi, còn hơn là đặt mua bánh pizza
giao tại nhà vậy vì không phải trả tiền. Cho nên những con cá trong bể không bị
cái đói đe dọa.
4. Khi bốn mùa thay đổi, sông hồ phải chịu những nhiệt độ khắc
nghiệt. Vào mùa đông thì lạnh buốt, có thể bị băng tuyết che phủ. Vào mùa hè có
thể rất nóng, thậm chí là nước bị cạn khô. Còn cá trong hồ thì cứ như ở trong
phòng có máy điều hòa hai chiều. Nhiệt độ trong bể luôn được giữ không thay đổi
và dễ chịu suốt ngày, quanh năm suốt tháng. Như thế, con cá trong bể có được tự
do thoát khỏi thời tiết nóng lạnh thất thường.
5. Trong tự nhiên, khi cá bị bệnh, chẳng có ai săn sóc, điều
trị. Còn cá trong bể thì được bảo hiểm y tế. Khi có ốm đau, chủ nhà liền mời
thầy thuốc đến khám bệnh, mà cũng không cần phải đi bệnh viện nữa. Như thế con
cá trong bể được tự do khỏi mối nguy cơ không có bảo hiểm y tế.
Vị sư lớn tóm tắt lại lập luận của mình. Làm thân cá trong bể
được hưởng nhiều thuận lợi. Quả thật là chúng không được tự do theo đuổi các sở
thích của mình và bơi đi đây đi đó, nhưng chúng thoát khỏi nhiều mối hiểm nguy
và nỗi khó chịu.
Vị sư lớn tiếp tục giải thích rằng đời sống của những người sống
cuộc đời đạo hạnh cũng như thế. Quả thật là họ không được tự do theo đuổi những
dục vọng và thỏa mãn những mong muốn này nọ, nhưng họ thoát khỏi nhiều mối hiểm
nguy và nhiều điều khó chịu.
Còn bạn muốn thứ tự do nào?
Thế giới tự do
Một hôm, một vị sư ở tu viện của chúng tôi được thỉnh đi dạy
thiền ở trong một nhà tù mới gần Perth, nơi mà tình hình an ninh được kiểm soát
hết sức chặt chẽ. Một nhóm tù nhân đã trở nên quen biết và kính trọng thầy ấy.
Vào cuối một thời pháp thoại, họ bắt đầu hỏi thầy về nếp sống hằng ngày trong
một tu viện Phật giáo.
Thầy trả lời: “Buổi sáng chúng tôi thức dậy lúc 4 giờ. Đôi khi
cũng lạnh lắm vì phòng chúng tôi không có máy sưởi. Chúng tôi ăn mỗi ngày một
bữa, tất cả thức ăn đều bỏ chung vào một bình bát. Vào buổi chiều và tối chúng
tôi không ăn. Dĩ nhiên là cũng không có chuyện sex hoặc rượu chè. Chúng tôi
cũng không có vô tuyến truyền hình, truyền thanh, hay âm nhạc. Chúng tôi không
bao giờ xem phim, mà cũng không chơi thể thao. Chúng tôi nói ít, làm việc
nhiều, và dành thời gian rảnh ngồi tọa thiền, theo dõi hơi thở. Chúng tôi ngủ
trên sàn nhà.”
Những người tù tỏ ra hết sức ngạc nhiên về sự kham khổ của nếp
sống tu hành. So sánh với tu viện, thì nhà tù hết sức nghiêm ngặt này trở thành
một khách sạn năm sao. Quả thật, một người tù đã quá thương cảm hoàn cảnh thanh
bần của vị sư đồng môn của tôi đến độ quên khuấy là mình đang ở đâu và anh ta
chợt nói, “Sống trong tu viện cực khổ quá. Hay thầy đến ở đây với chúng con
đi!”
Mọi người trong phòng ai cũng bật cười. Tôi cũng bật cười khi
nghe thầy ấy kể lại câu chuyện. Rồi tôi bắt đầu suy nghĩ:
Quả thật tu viện của tôi kham khổ hơn cả nhà tù khắc nghiệt
nhất, tuy nhiên nhiều người tự nguyện đến đây và họ cảm thấy hạnh phúc. Trong
khi đó, nhiều người lại muốn thoát khỏi nhà giam kia, và không cảm thấy hạnh
phúc ở đó. Tại sao như thế?
Bởi vì các thầy muốn sống ở tu viện, còn phạm nhân thì không
muốn ở tù. Sự khác nhau là ở chỗ đó.
Bất cứ nơi nào mà bạn không muốn ở thì dù cho có tiện nghi đến đâu
chăng nữa, đối với bạn, nó cũng là một nhà tù. Đây là ý nghĩa thật sự của chữ
“tù”. Nếu bạn đang làm một công việc mà mình không thích thì bạn cũng đang ở
tù. Nếu bạn đang có một mối quan hệ mà mình không mong muốn thì các bạn cũng
đang ở tù. Nếu các bạn đang ở trong một thân thể ốm đau bệnh hoạn mà bạn không
muốn thì thân thể ấy cũng là một nhà tù đối với bạn. Nhà tù là bất cứ một hoàn
cảnh nào mà bạn không muốn mà lại dính mắc vào.
Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi các nhà tù của
cuộc đời?
Dễ thôi. Hãy thay đổi quan niệm về hoàn cảnh mà bạn đang sống.
Thậm chí là ở ngay nhà tù San Quentin, hay thua một chút là ở tu viện của chúng
tôi đi, mà bạn thấy muốn sống ở đó thì nơi ấy không còn là một nhà tù đối với
bạn nữa. Bằng cách thay đổi quan niệm về công việc, về mối quan hệ, về thân thể
ốm đau, bằng cách chấp nhận hoàn cảnh thay vì không ưa muốn, thì nó không còn
là một nhà tù nữa. Khi các bạn bằng lòng thì các bạn được tự do.
Tự do là bằng lòng với nơi chốn mình đang ở. Nhà tù là nơi mình
không muốn ở. Thế Giới Tự Do là thế giới mà người bằng lòng sinh sống. Tự do
thật sự là giải thoát khỏi dục vọng chứ không bao giờ là tự do thỏa mãn dục
vọng.
[Trích từ sách Who Ordered This Truckload of Dung – Thiền sư
Ajahn Brahm]
Nguồn bài, ảnh: Net.
========
Ông bà Kuroki ở Nhật lấy nhau từ
năm 1956, lập nghiệp từ thời trẻ để xây dựng trang trại nuôi bò sữa. Khi về
già, ông bà dự tính sẽ nghỉ làm sau khi bán cơ sở kinh tế gia đình này để có
tiền rồi ông bà sẽ cùng nhau đi du lịch thăm quan thế giới đó đây.
Kế hoạch tươi sáng, lộ trình rõ ràng, chỉ còn ngày tháng là thực
hiện. Không may bà lão bị bệnh rồi biến chứng bị mù. Thế là tan vỡ mọi ước mơ
du hành… Bỗng nhiên bị mù nên bà bị sốc nặng rồi trở nên u uất, suốt ngày chỉ
quanh quẩn trong nhà, vì cứ thế mỗi ngày của bà cứ chìm trong bóng tối. Bà cảm
thấy như bà chỉ còn chờ ngày được thoát khỏi dương gian đau khổ này.
Ông lão dường như cũng đau nỗi đau của bà, ông cứ loay hoay
không biết phải làm gì để làm cho bà đỡ trầm cảm. Thế rồi có một ngày một ý
tưởng loé lên trong đầu ông. Đó là một ngày nắng, ông ra vườn quanh nhà chăm
sóc cây cỏ như thường ngày thì có vài người đi qua dừng lại ngắm nhìn rồi chụp
ảnh cây hoa chi anh màu hồng thắm trong vườn của ông.
Ông chợt nghĩ, nếu ông làm một vườn màu hồng thật đẹp, hoa chi
anh sẽ mang mùi thơm để bà ngửi thấy, chắc sẽ làm bà dễ chịu hơn, mà nếu may
mắn những người qua đường dừng lại ngắm hoa nữa thì những tiếng người lao xao
sẽ làm cho bà nghe thấy và biết đâu sẽ giúp cho bà lão đỡ được cảm giác cô
quạnh chút nào chăng?
Ông cứ thế trồng hoa rồi ông biến cả vùng đất vốn là vườn cỏ cho
bò thành vườn hoa thật lớn. Tiếng lành đồn xa, khu vườn Kuroki trở thành điểm
đến của khách thăm quan từ mọi nơi ở Nhật và cả khách du lịch nước ngoài.
Bà lão không nhìn được hoa, nhưng bà ngửi được hương thơm ngạt
ngào của vườn hoa chi anh bát ngát và bà cũng tưởng tượng được vườn hoa ấy đẹp
nhường nào. Hàng ngày bà ngồi bên song cửa, và cũng chào hỏi khách thăm và
chuyện trò với người lại qua. Vẻ buồn thảm không còn, nay bà lúc nào trông cũng
vui tươi. Ông bà dường như đang tràn đầy niềm vui sống mới. Vườn hồng chi anh
lúc nào cũng đông khách. Có thời gian kỷ lục mùa hè vào quãng tháng ba, tháng
tư khi hoa nở rộ, nơi đây từng đón tới bảy ngàn khách tham quan mỗi ngày.
Vườn hoa chi anh Kuroki đã trở thành điểm danh thắng ở Nhật
trong hơn mười năm qua, đã mang tới niềm vui cho hàng triệu người và nhất là
mang lại niềm vui sống cho ông bà Kuroki ở lúc tưởng như đã tuyệt vọng.
Vườn Kuroki được như hôm nay là bởi có những tấm lòng, có những
niềm tin, và có những mối tình đẹp như thế đấy. Phải chăng khi có đủ thương yêu
thì rồi hoàn cảnh nào cũng tìm ra phương cách?
KC dịch từ đây ạ:
https://www.thinkinghumanity.com/…/man-has-been-planting-fl…
https://www.thinkinghumanity.com/…/man-has-been-planting-fl…
Leave a Comment