Giải cứu con bị bắt nạt

Đã có lần tôi nói: Dạy con là một môn nghệ thuật, chỉ là cha mẹ chưa đủ kỹ năng để dạy con đúng cách, tôi tin là như vậy.

Trong nội dung bài báo, bạn sẽ thấy. Với từng người cha, người mẹ thì họ sẽ có cách xử lý khác nhau, đôi khi sẽ dẫn đến những hậu quả rất tiêu cực.
- Có người sẽ dạy con: Nó đánh con thì con đánh lại, mặc dù có thể cậu bé kia bị phản kháng bất ngờ và mạnh mẽ hơn là trong suy nghĩ của cậu, sẽ không dám bắt nạt nữa. Nhưng ngược lại thì sao?
- Sẽ có người vào mách cô giáo, nhà trường, nếu cô giáo không có kỹ năng sư phạm sẽ phạt hoặc làm gì gì đó.. tiêu cực thêm. ít ai đủ kiên nhẫn để ngồi xuống bên cạnh đứa bé hay bắt nạt người khác ấy như một người bạn... để tâm tình, để nói cho nó hiểu.
- Cũng sẽ có phụ huynh nhảy vào đánh bạn của con như đánh kẻ thù giống như vụ ở Hà Nội, đánh chấn thương sọ não con người ta chỉ vì cái vợt cầu lông. Việc lấy mạnh thắng yếu bằng cơ bắp chưa bao giờ là một hành động văn minh và có văn hóa.
- Làm được như người mẹ ấy, không phải ai cũng đủ khả năng.
Chính vì vậy, tôi tin, những đứa trẻ hư và nghịch ngợm không phải là dạng không thể đào tạo mà chỉ là người lớn chúng ta chưa đủ nghệ thuật để đào tạo.
- Việc đuổi học một đứa trẻ hư là thất bại của ngành giáo dục, nhiệm vụ trồng người đã không hoàn thành.
Những đứa trẻ ấy thay vì tiếp tục được dạy dỗ thì lại bị thả ra ngoài đường, một nơi phức tạp không phù hợp với một người chưa đủ trưởng thành trong suy nghĩ, tương lai sẽ là một tai họa cho xã hội, trách nhiệm của ai?
Nhớ lại hồi học sau “ học đại”, nhiều thầy cô lúc nào cũng “điểm danh” kin kít kẽ răng nhưng trong giờ học thấy chẳng thú vị gì cả. Ở nhà đọc sách cũng được. - (Nhàn Lê fb)
===============

Giải cứu con bị bắt nạt

HÀ NỘI - Đã gặp mẹ cậu bé hay bắt nạt con và cô giáo chủ nhiệm để nhờ giúp đỡ, nhưng sau đó bé Minh bị gọi là "thằng hèn" thì chị Thảo biết mình cần phải có cách khác.
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, 41 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội mới đây chia sẻ câu chuyện về cách xử lý con trai bị bắt nạt lên trang cá nhân và đã thu hút hơn 7.000 lượt thích.
Con trai chị tên Đức Minh, học lớp 7 một trường tư, vốn vóc người nhỏ bé, yếu đuối, hay khóc, học không giỏi nên thường bị trêu chọc. "Đa số các bạn trêu ít, không ác ý. Tôi cứ động viên con tự giải quyết, một thời gian rồi ổn. Nhưng từ đầu năm học này có một bạn trêu nhiều, đôi khi ác ý", chị Thảo, làm nghề luật sư, kể.

Cậu bạn này tên Nam, thường xuyên gọi Minh bằng nhiều biệt danh như pê đê, gay... Mỗi khi Đức Minh trả lời sai, hay bị điểm thấp, làm hỏng cái gì đó liền bị bạn này lôi ra chỉ trích, khiến Minh chán nản, không muốn đi học.
Được mẹ động viên để tự giải quyết, nhưng Minh không làm được. Có hôm chị Thảo khích lệ "Con đã học võ karate rồi mà", nhưng Minh đáp "Con không đánh bạn".
Gần đây khoảng thời gian Minh buồn vì bị bạn trêu nhiều hơn. Cậu bé hay cáu gắt khi về nhà. "Tôi để ý thấy con rất hay quan tâm đến những chuyện tai nạn chết người, hay vụ tự tử", chị Thảo chia sẻ.
Đầu tháng 12 vừa qua Minh tâm sự với cô giáo tâm lý ở trường về chuyện mình bị bắt nạt và nói "có lúc muốn tự tử". Đến mức này, chị Thảo biết con khó có thể tự xử lý. Chị gặp mẹ Nam và cô giáo chủ nhiệm để góp ý cho Nam, nhưng sau khoảng chục ngày, tình hình không những không cải thiện, mà Minh còn bị bạn gọi là "thằng hèn".
"Nhận thấy vấn đề nghiêm trọng, nên sau khi trao đổi với phụ huynh của Nam và cô giáo, mặc dù Minh không muốn, tôi vẫn quyết định đến tận trường nói chuyện trực tiếp với cậu ấy", người mẹ chia sẻ.
Ngày 12/12, chị nghỉ làm đến trường. Phản ứng của học sinh trong lớp rất khác nhau. Minh run sợ, hai tay nắm chặt, trốn vào một góc. Một số bạn trong lớp thì hả hê khi thấy Nam chuẩn bị "lên thớt". Còn Nam có vẻ căng thẳng nhưng cố trấn tĩnh.
"Để hóa giải không khí tôi khoác vai bạn Nam xuống phòng tiếp tân ngồi nói chuyện. Khi tâm sự, tôi nhận thấy Nam hiểu chuyện, thông minh và hoàn toàn không phải là một cậu bé hư", chị Thảo cho hay.
Chị Thảo thủ thỉ vào 3 vấn đề trọng điểm mà Nam thường xuyên lôi ra để bắt nạt Minh.
Thứ nhất, gay hoặc pê đê: Chị đặt các câu hỏi như:
- Con có hiểu giới tính thứ ba là gì không? Họ là người bệnh hay người bình thường?
- Con thử nói cho bác nghe xem con biết ai thuộc giới tính thứ ba mà nổi tiếng và thành công? Con thấy họ thế nào? Có thích xem họ biểu diễn không?
- Nếu Đức Minh thuộc giới tính thứ ba, theo con đó có phải là lỗi của bạn không?
- Có điểm gì trên cơ thể khiến con thấy không tự tin và không thoải mái khi bị mọi người trêu? Nếu bị trêu con cảm thấy thế nào?
Tất cả các câu này chị đều để Nam tự trả lời. Qua đó Nam tự hiểu ra rằng cho dù có là gay, pê đê thì đó cũng không phải là lỗi của Đức Minh, đó là gene tự nhiên, không nên miệt thị.
Thứ hai, chị kể cho Nam nghe câu chuyện hồi bé của Minh. Khi 6 tháng tuổi Minh bị viêm phổi nặng, phải tiêm liên tục 40 mũi trong ba tháng, dẫn đến khả năng não của Minh có thể bị ảnh hưởng. Nếu trẻ bình thường 1,5 tuổi biết nói thì Đức Minh 3 tuổi mới bập bẹ. Học hết lớp một, các bạn đều biết cộng trừ nhân chia nhưng Minh không cộng nổi trong phạm vi 10.
Nhưng đó không phải trọng điểm. Trọng điểm là suốt 5 năm qua, Đức Minh đã hết sức nỗ lực để theo kịp các bạn, tất nhiên không thể giỏi nhưng cũng không kém quá xa. Qua đó, chị để Nam hiểu rằng đánh giá bạn không nên căn cứ vào thành tích, mà phải căn cứ trên sự nỗ lực và chăm chỉ của bạn.
Thứ ba về việc mách mẹ, mách cô.
Chị hỏi:
Nếu con bị một anh chị lớn hơn bắt nạt, con sẽ làm gì? Có tâm sự với bố mẹ để tìm sự giúp đỡ không?
- Giả sử sau khi anh chị kia bị người lớn mắng, tiếp tục bắt nạt con thậm tệ hơn, con sẽ cảm thấy thế nào, con sẽ làm gì?.
Nam tự trả lời và hiểu rằng "việc Đức Minh tìm kiếm sự giúp đỡ của bố mẹ là điều cần thiết để bảo vệ mình, không phải là hèn kém. Kẻ hèn là chỉ biết bắt nạt người yếu hơn mình, mà không dám chống lại kẻ mạnh hơn".
Cuối cùng, chị Thảo nhờ Nam sau này hãy bảo vệ Đức Minh. Nam vui vẻ hứa sẽ làm vậy.
"Tôi và Nam nói chuyện xong, Minh vẫn không tin bạn ấy sẽ thực hiện lời hứa và còn khóc sợ ngày mai bị trả thù. Một số bạn khác cũng nghĩ Nam chỉ hứa suông. Tôi đã nói với các con hãy cho Nam cơ hội", chị Thảo thuật lại.
Tối đó, chị nhận được tin nhắn của mẹ Nam, rằng cậu bé chủ động tâm sự với mẹ là đến nay mới biết chuyện Minh bị ốm hồi nhỏ và rất thương bạn, hứa sẽ giúp bạn. Riêng Đức Minh đi học thêm về liền khoe: "Bạn Nam hôm nay bảo con là 'Cậu đã có một vệ sĩ rồi đấy nhé'". Từ bữa đó tới nay tan học về nhà Minh rất hồ hởi.
Sau sự việc chị Thảo cũng thấy chính mình trưởng thành lên, hoàn thiện bản thân để làm một người mẹ tốt hơn. "Chỉ cần biết giao tiếp với chúng, đứa trẻ nào cũng trở thành thiên thần", chị Thảo tin như vậy.
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, TP HCM cho biết cách làm của chị Phương Thảo rất thông minh, khéo léo. Người mẹ đã lắng nghe con, khuyến khích để con tự tìm giải pháp, trước khi kịp thời hỗ trợ khi thấy sức của con không thể giải quyết được, sự việc nghiêm trọng và đi quá xa.
Bà Quyên gợi ý, điều người mẹ cần làm hiện tại là giúp con mạnh mẽ, tự tin hơn. Ngoài việc cho bé học võ thì nên tạo thêm các tình huống cho con bảo vệ người, vật yếu hơn. Ví như khuyến khích bé bảo vệ em trong gia đình, hàng xóm hoặc cho bé chăm sóc chó, mèo.
Thứ hai là lắng nghe con, không được phủ định ý kiến bé mà để trẻ tự đưa ra giải pháp, tự kết luận.
Thứ ba, đề cao sự mạnh mẽ của bé ví như thường xuyên hỏi ý kiến con, nhờ con làm việc gì đó. Đưa ra lời khen đúng thời điểm.
"Các việc này hướng đến mục đích cuối cùng là tạo cho trẻ mạnh mẽ từ bên trong", chuyên gia giáo dục nói.
* Tên cậu bé bắt nạt đã được thay đổi.
Phan Dương


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.