Chủ Nghĩa Khắc Kỷ - The Stoics: Tầm quan trọng của sự Điềm tĩnh


Chủ Nghĩa Khắc Kỷ - The Stoics: Tầm quan trọng của sự Điềm tĩnh! (*)
Chủ nghĩa “khắc kỷ” là một triết lý phổ biến với mọi tầng lớp xã hội được tạo ra khoảng 400 năm trước ở Hy Lạp và La Mã cổ đại. Nó có một mục tiêu vô cùng thiết thực là dạy con người bình tĩnh và dũng cảm khi đối mặt với sự lo lắng và nỗi đau tột độ.
Chủ nghĩa khắc kỷ không gì một buổi tổng duyệt trang nhã và khôn ngoan để đón chờ thảm kịch xảy ra.
Chúng ta vẫn ca ngợi trường phái này mỗi khi ta gọi ai đó là “người khắc kỷ” hay “thản nhiên” khi số phận trở mặt với họ: Khi họ mất chìa khóa, bẽ mặt trong công việc, bị từ chối trong tình yêu hoặc phải chịu sự nhục nhã trong xã hội. Trong tất cả các triết lý, chỉ có chủ nghĩa khắc kỷ là còn liên quan và có tác dụng trong những lúc hoảng loạn và không chắc chắn của chúng ta.
Đã có hàng trăm các triết gia đi theo chủ nghĩa khắc kỷ nhưng chỉ có hai người thầy xứng đáng hướng dẫn chúng ta về theo chủ nghĩa này. Một là chính trị gia người La Mã, đồng thời là nhà văn và thầy giáo của vua Nero, Seneca (AD 4-65). Hai là quốc vương La Mã Marcus Aurelius (AD 121-180) - người rất tốt bụng và cao thượng, cũng là người thực hành triết học lúc rảnh rỗi trong cuộc chiến với đội quân Đức ở biên cương vương quốc. Các tác phẩm của họ vẫn còn tính ứng dụng cao và đem lại niềm an ủi sâu sắc, phù hợp cho những đêm mất ngủ, mà chính nó là nguồn gốc cho sự sợ hãi và hoảng loạn.

Chủ nghĩa khắc kỷ có thể giúp chúng ta với bốn vấn đề sau:

Sự lo lắng

Mọi lúc, có rất nhiều điều tồi tệ có thể xảy ra. Cách thức truyền thống để tự động viên bản thân khi ta sa vào trạng thái lo lắng đó là tự nhủ rằng mình sẽ, sau tất cả, ổn thôi: Cái email đáng xấu hổ đó sẽ không bị phát hiện, doanh số sẽ khởi sắc, scandal có thể sẽ không xảy ra…
Nhưng những người khắc kỷ lại kịch liệt phản đối phương pháp này, vì họ tin rằng sự lo lắng xuất hiện giữa điều ta sợ sẽ xảy ra và điều ta hy vọng sẽ thành hiện thực. Hiển nhiên, khoảng cách càng lớn thì sự dao động và lo âu trong tâm trạng càng lớn.
Để lấy lại bình tĩnh, điều chúng ta cần làm là dập tắt mọi hy vọng một cách có hệ thống và khôn ngoan. Thay vì thỏa mãn bản thân với những câu chuyện có hậu, theo gợi ý của những người theo chủ nghĩa khắc kỷ thì việc đối mặt với những giả thiết tồi tệ nhất còn tốt hơn - để rồi từ đó khiến bản thân ta quen với chúng. Khi chúng ta đối diện với nỗi sợ và tưởng tượng về một cuộc sống khi mà nỗi sợ thành hiện thực thì ta sẽ nhận thấy được một kết luận quan trọng rằng: Ta sẽ thích nghi được. Chúng ta sẽ thích nghi được kể cả khi phải đi tù, kể cả khi mất hết tiền, khi bị bẽ mặt nơi công cộng, khi những người yêu quý rời bỏ ta hay khi quá trình trưởng thành của ta trở nên quá tệ hại…
Chúng ta thường không dám làm gì hơn là nhìn thoáng qua kết cục xấu với đôi mắt nhắm chặt. Vì thế mà chúng có quyền kiểm soát hoàn toàn với chúng ta. Thay vào đó, như Secena đã nói: “Để bớt lo lắng, bạn phải tưởng tượng rằng điều bạn sợ hãi sẽ xảy ra chắc chắn sẽ xảy ra”. Secena đã nói với một người bạn đang lo lắng đến phát điên vì sợ phải đi tù rằng: “Một người hiểu rõ bản chất của sự tồn tại có thể chịu đựng được nhà tù.”
Những người khắc kỷ khuyên rằng ta nên dành ra thời gian để tập chịu đựng những tình huống xấu nhất. Ta nên, ví dụ như, đánh dấu một tuần một năm khi ta chỉ ăn bánh mỳ thiu và ngủ trên sàn phòng bếp với một cái chăn để dừng lo lắng về việc bị đuổi việc hoặc vào tù.
Chúng ta sẽ nhận ra, như lời của Marcus Aurelius: “Một cuộc sống hạnh phúc không cần quá nhiều điều.”
Mỗi buổi sáng, một người theo chủ nghĩa khắc kỷ sẽ thực hiện praemediatio - hành động suy ngẫm về tất cả những điều kinh khủng có thể xảy ra trong những giờ phút tiếp theo. Theo lời của Marcus Aurelius thì: “Sinh ra đã là người thường thì phải sẵn sàng đón nhận mọi tình huống.”

Sự phẫn nộ

Chúng ta tức giận - nhất là với bạn đời của mình, với con cái, và với các chính trị gia. Chúng ta đập phá mọi thứ và làm tổn thương lẫn nhau. Những người khắc kỷ coi sự tức giận là một “thú vui” nguy hiểm, nhưng chủ yếu họ coi nó là sự ngu ngốc vì các cơn tức giận xảy ra do một nguyên nhân: Lầm tưởng về thực thể. Nó là trái đắng của sự ngây thơ.
Sự tức giận, theo đánh giá của những người khắc kỷ, chúng được tạo ra bởi sự va chạm dữ dội của hy vọng và thực tại. Chúng ta không gào thét mỗi khi điều gì đó đáng buồn xảy ra mà chỉ khi nó vừa đáng buồn vừa bất ngờ. Để trở nên bình tĩnh hơn, ta phải học cách kỳ vọng ít hơn vào cuộc sống. Tất nhiên những người ta yêu quý sẽ làm ta thất vọng, lẽ thường tình là đồng nghiệp sẽ làm ta thất vọng, chắc chắn là bạn bè sẽ nói dối ta… Không điều gì trong số này là đáng ngạc nhiên cả. Nó có thể sẽ làm ta buồn. Nhưng nó không thể - nếu ta là người khắc kỷ - làm ta tức giận.
Người thông thái nên hướng mục tiêu của mình đến một trạng thái mà không có gì có thể ảnh hưởng đến sự yên bình trong tâm trí. Mọi bi kịch đều phải được chờ đón. “Có ích gì khi khóc vì một phần cuộc sống?” Seneca hỏi, “Khi mà cần phải khóc về cả cuộc sống.”

Sự hoang tưởng

Ta dễ cho rằng chỉ có mình là phải hứng chịu những điều tồi tệ. Ta thắc mắc vì sao nó lại xảy ra với chúng ta. Chúng ta tự giày vò bản thân bằng việc tự đổ lỗi hoặc trở nên cay độc với thế giới.
Những người khắc kỷ muốn ta không làm cả hai điều trên: Đó có thể không phải lỗi của ta hoặc của người khác. Mặc dù không theo đạo nhưng những người khắc kỷ rất có hứng thú với nữ thần tiên đoán Fortuna của người La Mã - người mà họ lấy làm ẩn dụ cho định mệnh. Fortuna, người có đền thờ ở khắp vương quốc, được giao trọng trách kiểm soát số phận của con người và thường được đánh giá là sự pha trộn của sự rộng lượng và sự ngoan cố cùng thù hận ngẫu nhiên. Bà ta không hề có năng lực làm việc. Bà ta được tả cầm một cái sừng dê chứa đầy những điều tốt đẹp (tiền bạc, tình yêu,…) ở một tay và một cán cân ở tay còn lại. Tùy vào tâm trạng, bà ta sẽ ném xuống cho bạn một công việc hoàn hảo nhưng ngay sau đó sẽ, chỉ vì bà ta thích thế, sẽ nhìn bạn hóc xương cá mà chết.
Ưu tiên quan trọng của những người khắc kỷ chính là tôn trọng việc có rất nhiều phần đời sẽ rơi vào tay nhân vật điên loạn này. “Không có gì là Fortuna không dám làm.”, Seneca nói.Khi hiểu được điều này từ sớm, chúng ta sẽ nghi ngờ hơn sự thành công và nhẹ nhàng với bản thân hơn khi thất bại. Như vậy, ta không xứng đáng với nhiều thứ mình đạt được.
Nhiệm vụ của một người khôn ngoan là không được tin vào món quà của Vận may: Tiền bạc, danh tiếng, quyền lực, tình yêu, sức khỏe - chúng không phải là của riêng ta. Ta chỉ nên giữ những mưu cầu này ở mức vừa phải và luôn cảnh giác.

Đánh mất viễn cảnh

Ta thường phóng đại tầm quan trọng của bản thân mình. Vì vậy, rắc rối xảy ra trong cuộc sống của chúng ta ảnh hưởng rất lớn đến cách ta nhìn nhận cuộc sống. Và vì thế chúng ta bị áp lực và hoảng loạn, chúng ta chửi rủa và ném đồ đạc trong phòng.
Để lấy lại được sự bình tĩnh, ta cần thường xuyên hạ thấp mình. Ta phải từ bỏ ảo tưởng bình thường, nhưng rắc rối rằng ta làm gì và ta là ai thật sự quan trọng.
Những người khắc kỷ thực ra là các nhà thiên văn học sắc bén và khuyến khích tất cả những người học triết suy ngẫm về thiên đàng. Khi đi dạo vào ban đêm, họ khuyên bạn hãy ngước lên ngắm nhìn các hành tinh: Bạn sẽ thấy sao Kim và sao Mộc tỏa sáng trên nền trời đen. Nếu tối hơn thì bạn có thể thấy các ngôi sao khác như Alpha Tauri, sao Tiên Nữ và sao Bạch Dương cùng với rất nhiều ngôi sao khác. Đó là một dầu hiệu về sự rộng lớn không tưởng của hệ mặt trời, thiên hà, và vũ trụ. Khung cảnh đó tạo ra cảm giác yên bình cho những người khắc kỷ, vì đối mặt với cảnh vật như thế, ta nhận ra rằng không một rắc rối, hay sự thất vọng hay niềm hy vọng nào của chúng ta có sức ảnh hưởng.
Không có gì xảy ra với chúng ta, hoặc điều ta làm, có được ảnh hưởng nếu quan sát từ góc nhìn vũ trụ.

Kết luận

Chúng ta cần những người khắc kỷ hơn bao giờ hết. Chúng ta phải đối mặt với những tình huống mà họ hiểu rõ và muốn giúp ta chuẩn bị mỗi ngày.
Nguyên lý của họ u ám và nghiêm túc nhưng cũng rất an tâm, thậm chí đôi lúc còn hài hước.
Và họ hy vọng chúng ta trở nên dũng cảm và lì lợm trước vô vàn khó khăn.
Như Seneca đã dặn dò: “Hãy nhìn cổ tay (tay) của bạn. Tự do – rất nhiều khi – nằm ở đó.”
Để cân bằng sự vui vẻ và lạc quan ngây thơ của thời đại hiện nay, không có gì tốt hơn là sự uyên thâm bình tĩnh, đắng ngọt lẫn lộn của những nhà hiền triết cổ đại này.
------------------------------------------

Chủ Nghĩa Khắc Kỷ Của Epictetus

Epictetus (50-120 sau CN) là triết gia vĩ đại thuộc trường phái Khắc Kỷ (Stoicism).
Triết lý này để cao sự tri túc (contentment - có nghĩa là biết đủ). Đây là một trong những yếu tố có giá trị nhất trong cuộc sống. Tri túc đem đến một đời sống lặng lẽ, bình yên và điềm nhiên, không có gì đáng để bận tâm phiền não. Sự bình an tâm hồn là điều đáng quý trọng hơn cả. Niềm an lạc ấy được tìm thấy thông qua sự tự kiềm chế (self - control) hay tự chủ (self - mastery); đó là khả năng chế ngự lòng ham muốn và làm chủ bản thân, không để mình buông thả theo dục vọng.

Triết lý này có thể được diễn giải như sau:

Cho phép người khác khuấy động sự quân bình tâm hồn của bạn là tự đặt bạn vào tình trạng lệ thuộc vào họ, hay tồi tệ hơn thế - bởi lẽ, bạn đã để cho họ làm chủ tâm trí của mình, trong khi một kẻ nô lệ thực sự chỉ không thể tự chủ về mặt thể xác mà thôi. Bất cứ người nào có khả năng khiến bạn phải giận dữ đều trở thành chủ nhân của bạn. Thực tế, họ chỉ có thể khiến bạn phải nổi giận khi bạn cho phép tâm hồn mình bị họ khuấy động.
Nếu có người định biến thể xác của bạn thành một món hàng, đặt nó dưới quyền áp chế của một ai đó, hẳn là bạn sẽ rất đau khổ. Nhưng nếu bạn tự đặt sự minh mẫn của mình dưới quyền khống chế của kẻ khác, khiến nó bị khuấy động và phiền não vì những lời chỉ trích, bạn không cảm thấy đau buồn và xấu hổ hay sao?
Các đối tượng mà bạn khao khát chính là những sợi dây phiền não đeo bám và trói buộc đời bạn. Để thoát khỏi vòng phiền não, bạn cần phải loại bỏ mọi mong cầu và bám víu, từ tham muốn của cải vật chất cho đến bám víu lấy cuộc sống.
Ví dụ: Nếu ai đó đánh cắp chiếc đồng hồ đeo tay quý giá của bạn, bạn sẽ thất vọng nếu bạn quá yêu thích và gắn bó với nó. Nhưng nếu chiếc đồng hồ bị mất cắp là chiếc rẻ tiền hay đã bị hỏng hóc, bạn sẽ không cảm thấy quá buồn phiền bởi vì nó không còn là đối tượng mà bạn thực sự ham thích và bán víu.
Bạn cũng có thể giữ được sự bình lặng tâm hồn khi hiểu thấu được bản chất thực sự của muôn vật trên đời. Ví dụ: Nếu vô tình đánh vỡ một món đồ trang sức quý giá, bạn hãy tự nhủ rằng: “Xét cho cùng, nó là món đồ được tạo ra từ vật chất vô thường, tan vỡ là kết cục tất yếu của nó.” Nếu nhận thức được rằng sữa là thức uống dễ ôi, bạn sẽ dễ dàng đón nhận sự kiện ấy khi nó xảy đến - chẳng có gợn sóng nào dậy lên trong lòng bạn.
Điều tương tự cũng áp dụng đúng cho trường hợp mất mát những người thân trong đời. Nếu đứa con yêu quý của bạn chết đi, Epictetus kết luận, hay tự nhắc nhở mình rằng đứa bé là một tạo vật vô thường, có máu thịt và nằm trong vòng sanh diệt. Nếu như thực sự nhận thức được tính chất giả tạm của cuộc đời bạn có thể tỉnh táo đón nhận mọi chuyện vui buồn trong kiếp nhân sinh.

Đức kham nhẫn

Triết lý khắc kỷ khuyên chúng ta chấp nhận những gì không thể đổi khác. Chúng ta học cách sống với nỗi thất vọng bất khả kháng, học cách chấp nhận mọi sự mất mát không thể vãn hồi và học cách chịu đựng sao cho nỗi khổ đau vơi dần và phai nhoà đi. Hầu hết mọi khổ đau trên đời đều xuất phát từ lòng người, từ thái độ phủ nhận “phần đời” của chúng ta trong cuộc sống. Chính vì lẽ đó, khuyết tật thể chất là một gánh nặng khó lòng chịu đựng nối nếu chúng ta cho phép nó “đè bẹp” chính mình.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chấp nhận nó như một phần của cuộc sống, nó sẽ trở nên ít phiền toái hơn và “có thể chịu đựng được”. Thực tế, triết gia khắc kỷ vĩ đại Epicurus đã rút ra được bài học này từ kinh nghiệm sống của bản thân. Ông vốn là một người nô lệ, đối tượng thường bị lạm dụng và bạc đãi. Ông cũng là một kẻ tật nguyền.

Ý chí bất hoại

Triết lý khắc kỷ đề cao quan điểm cho rằng ý chí của con người phải được giữ trong tình trạng tự chủ và không thể khuất phục - nó phải độc lập, không bao giờ là đối tượng bị người khác kiểm soát. Không ai có quyền chi phối ý chí của kẻ khác, trừ phi người ấy cho phép - đúng ra, không bao giờ nên cho phép ý chí của mình bị chi phối, tốt hơn nên duy trì một tinh thần độc lập và không khoan nhượng. Socrates đã cho chúng ta một tấm gương điển hình về chủ thuyết này; xét đến lời khẳng định của nhà hiền triết ấy khi bình thảnh đón nhận cái chết do kẻ thù mang đến với mục đích bẻ gẫy ý chí của ông. “Anytus và Meletus có quyền xử tử tôi nhưng không thể phương hại được tôi”. Nói cách khác, các chính trị gia độc tài ấy không thể khuất phục được ý chí của hiền triết.
Bàn đến những thăng trầm trong đời, Epictetus khuyên rằng: “Người ta nên chuẩn bị điều gì cho những tình huống như thế? Cái gì là của tôi và cái gì không thuộc về tôi? Cái gì được dành cho tôi và cái gì không dành cho tôi? Nếu phải chết, liệu rằng tôi nên chết cùng với lời than phiền hay sao? Nếu tôi phải chịu cảnh lưu đày, liệu rằng ai có thể cấm tôi ra đi với nụ cười, niềm hoan hỉ và sự bằng lòng?”
“- Nhưng ta sẽ xiềng xích người! - Này, anh bạn đang nói điều gì thế? Xiềng xích tôi ư? Bạn có thể cùm chân tôi nhưng không thể trói buộc được ý chí tôi, ngay cả Thượng đế cũng không thể làm được điều đó. - Ta sẽ ném ngươi vào ngục! - À, anh bạn vẫn muốn nói đến thân xác khốn khổ của tôi đấy ư? - Ta sẽ chặt đầu ngươi!- Và trước đó, tôi sẽ nói với anh bạn rằng tôi có một vật không thể nào bị chặt đứt được."

Những vấn đề của cuộc sống

Theo Epictetus, nên thành tâm đón nhận mọi khó khăn trắc trở trong cuộc sống. Chúng ta không bao giờ nên trốn tránh chúng, bởi đó là những bài tập rèn luyện tinh thần đáng được mong đợi. Hãy xem chúng là sàn tập để bạn có dịp đánh vật cùng Thượng đế, rồi khi thử thách đã qua, bạn trở thành một người vững vàng và tốt đẹp hơn. Giống như thân thể cần đến những bài tập vận động để giữ được sức khỏe và sự cường tráng, tinh thần cũng cần đến những bài tập rèn luyện nghị lực. Vì thế, những khó khăn trắc trở trong đời phải được thành tâm đối mặt và đón nhận.

Quan niệm khắc kỷ về tình dục

Theo Epictetus, mọi hình thức hạm muốn nhục dục là không đáng mơ tưởng, bởi lẽ chúng chỉ khiến chúng ta trở thành những kẻ nô lệ cho dục vọng của chính mình. Tiết dục là điều đáng được lựa chọn hơn là phóng dục. Tình dục là yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất, khuấy động sự bình yên của tâm hồn. Tốt nhất chúng ta nên tránh mọi hình thức quan tâm đến tính dục. Xét cho cùng, thiết tưởng không ai nằm trong vòng tay tình nhân lại có thể giữ được tâm hồn bình lặng và tỉnh táo.
“Hôm nay tôi gặp được một người đẹp,” Epictetus dẫn giải, “Tôi đã không tự nhủ rằng ước gì mình có thể gần gũi với cô ta, rằng được làm chồng của cô ta là một điều hạnh phúc - nên biết rằng điều đó sẽ dẫn thẳng đến ý tưởng “được ngoại tình với cô ta là một điều hạnh phúc!” Tôi cũng không mường tượng đến hình ảnh cô ta tìm đến bên tôi, cởi bỏ xiêm y và nằm xuống bên cạnh tôi... Tôi chỉ lắc đầu và tự nhủ: “Tốt lắm, Epictetus! Ngươi vẫn giữ được tỉnh táo.” Thậm chí, nếu như người phụ nữ ấy tỏ ý thích tôi, ra dấu mời gọi, đến bên tôi và thỏ thẻ những lời âu yếm bên tai tôi, tôi cũng sẽ bình thản và tự vui với niềm kiêu hãnh của mình. Vượt qua chính mình là dạng chiến thắng mà bất cứ người đàn ông nào cũng có quyền tự hào...”
Link gốc:
(*) The Stoics:
https://www.theschooloflife.com/…/the-great-philosophers-…/…
Nguồn bài, ảnh: Net. (Copy từ Nguyễn Lan Anh fb)


"Nghệ thuật sống thế kỷ 21: Lời khuyên từ triết học Khắc kỷ


Vài người trong số chúng ta đang căng thẳng đầu óc, số còn lại thì đang phải quần quật làm việc, hoặc cố gắng vượt qua nỗi đau thất tình. Bất kể đó là chuyện gì đi chăng nữa, trí tuệ của những con người theo trường phái khắc kỷ có thể giúp chúng
 ta cải thiện tình hình.

Những người theo trường phái triết học cổ đại đầy khó hiểu này là những nhân vật trung tâm trong những khó khăn cam go nhất trong lịch sử, từ Cách Mạng Pháp đến Nội Chiến Mỹ... Bill Cliton đọc cuốn sách Suy ngẫm (Meditations) của vị Hoàng đế La Mã theo chủ nghĩa khắc kỷ Marcus Aurelius mỗi năm một lần, và đã trao một bản tới tay Hillary như một sự an ủi tinh thần sau khi bà thất bại cay đắng trong cuộc đua giành chức tổng thống vừa rồi.

Chủ nghĩa khắc kỷ là một trường phái triết học được sáng lập ở Athens vào đầu thế kỷ thứ III và sau đó được phát triển ở Rome, nơi mà ở đó nó đã trở thành một phương pháp thực tiễn giúp giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Thông điệp chính của trường phái này là chúng ta đừng kiểm soát điều xảy đến với chúng ta; mà hãy kiểm soát cách mà chúng ta phản ứng với điều đó.

Những người theo trường phái khắc kỷ thời xưa thật sự đã suy tư và chắp bút viết về một thứ: Sống như thế nào. Những câu hỏi mà họ đề ra chẳng huyền bí cũng như không mang tính học thuật gì cả, chỉ là những câu hỏi thực tiễn trong đời sống: “Tôi nên làm gì khi tức giận đây?”, “Tôi nên làm gì nếu bị sỉ nhục?”, “Tôi sợ chết; tại sao lại thế nhỉ?”, “Làm cách nào để xử lý tình huống khó khăn trước mắt?”, “Làm cách nào để tận dụng hợp lý quyền lực hoặc thành quả của tôi?”

Vài lời khuyên về việc sống như thế nào dưới thời bạo chúa cũng được nêu ra (“Tôi có thể sẽ ước tôi không bị tra tấn, nhưng nếu thời khắc ấy đến, tôi sẽ ước tôi chịu đựng được đòn tra tấn một cách ngoan cường cùng sự dũng cảm và lòng tự trọng.” - Triết gia La Mã Seneca). Những điều đấy khiến triết học khắc kỷ vô cùng phù hợp với thời đại mà chúng ta đang sống.

Trong khi từ “khắc kỷ” dường như đã là từ tốt nhất để miêu tả ý nghĩa của nỗi bất công, ý nghĩa của từ này đã bị đánh đồng một cách sai lệch với sự nghiêm khắc và thiếu cảm xúc. Thật ra, ta đang thực sự cần trí tuệ từ triết học khắc kỷ trong cuộc sống hiện tại hơn bao giờ hết.

Khi các phương tiện truyền thông nhấn chìm chúng ta với một lượng lớn các thông tin, hãy nhớ đến Epictetus, một triết gia La Mã khác, với câu nói: “Nếu bạn muốn cải thiện tình hình, hãy trở nên ngây thơ và ngu ngốc khi gặp những vấn đề chẳng liên quan.” Khi chúng ta cảm thấy ai đó trở nên vô cùng thô lỗ và ích kỷ, Marcus Aurelius mong chúng ta nhớ đến những thời điểm mà chính chúng ta đã từng như thế – và cách đáp trả tốt nhất đơn giản là “Đừng hành xử giống vậy!”.

Khi xã hội ngày càng có xu hướng chú ý vào thành quả và tiền bạc, lời nhắc nhở của Seneca nhắn gửi đến người cha dượng của mình, người vừa bị hạ thấp địa vị xã hội: “Tin con đi, thiết lập thế cân bằng cho chính cuộc đời của cha sẽ tốt hơn là cố gắng làm thế với thị trường lúa gạo.”

Câu từ - thường nằm trên những lá thư riêng hay nhật ký – và các bài diễn thuyết của những bậc triết gia thể hiện rằng họ - những người theo chủ nghĩa khắc kỷ - đã thật sự tranh đấu để nhận lấy câu trả lời thực tế, sống động. Họ giữ vững bổn phận và danh dự như là một nghĩa vụ bắt buộc và họ tin rằng mỗi chướng ngại mà họ phải đối mặt đơn giản chỉ là một cơ hội để thử thách và cải thiện bản thân trở nên tốt đẹp hơn.

Bây giờ chủ nghĩa khắc kỷ đang tìm sự hưởng ứng từ những con người mới. Vào tháng trước ở New York, hội nghị Stoicon đã được công nhận là cuộc hội họp lớn nhất trong lịch sử của những người theo chủ nghĩa khắc kỷ.

Thể loại triết học này không phải là theo đuổi vẩn vơ lý tưởng nào đó mà là một công cụ vĩ đại. Như Seneca từng nói: “Tôi tìm cái thiện và cái ác ở đâu? Nó không nằm trong cái vĩnh hằng không thể kiểm soát mà nằm trong những sự lựa chọn của chính bản thân tôi.”"

Link gốc:

How would the Stoics cope today?

https://www.theguardian.com/.../how-would-the-stoics-cope...

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.