Với học sinh cá biệt dùng nghiệp vụ sư pham hay cách nào?

VŨ.

Năm đó tôi được phân công dạy lớp em, lớp 11.
Vũ là một học sinh mà tôi thấy "ngán ngẫm" khi dạy em. Em biết trước là cuối năm em được đi nước ngoài nên phần lớn thời gian của em trong trường là chơi và quậy phá. Em có một bề ngoài thấy khó ưa: Cao to, giọng oang oang, tay chân vạm vỡ, mặt mũi xấc xược. Trong lớp, em chẳng cho ai yên, thụi bạn này, đá bạn kia, lấy tập bạn nọ, kéo bè kéo phái chọc phá cô giáo..... Trong những buổi trò chuyện giữa thầy cô trong trường, tên em được nhắc đến như một niềm căm giận. Em phá đã đành còn nói dối. Khi bị phạt, bị đòn thì em về nhà bịa đặt thêm cho có phần "dã man". Lập tức người nhà em kéo vào la lối om xòm, tỏ thái độ thù địch, đòi thưa kiện đủ kiểu. Và người nhà em cứ vào liên tục từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, bênh con bất kể đúng sai, hết mẹ tới mấy bà chị, cứ oang oang, cứ xấn xổ....Em lấy thế làm tự đắc ghê lắm....!
Lần đó, trong tiết của tôi, Vũ đánh nhau với bạn kế bên. Em gây hấn trước. Đang dạy mà hai đứa đánh nhau đùng đùng, tôi thật giận hết biết, giận nghẹn ứ cả cổ....Thế rồi tôi bắt em ra về gặp riêng tôi nói chuyện. Em dạ, và cũng tìm gặp tôi ở hội trường thật. Em ngó tôi chăm chăm, cái nhìn thách thức, kiểu như: Cô làm được gì tôi? Em sẳn sàng chờ những lời trách mắng, chờ tôi bắt em viết kiểm điểm, để về méc chị và mẹ.
Tôi biết thế. Tôi chẳng trách mắng gì em cả. Tôi chỉ hỏi: " Em ơi, sao chưa lần nào cô thấy ba của em vô hết vậy. Ba em bên Mỹ à? "
Em bảo: "Ba bỏ mẹ em và tụi em rồi. Người bảo lãnh em là anh trai em".
"Ba bỏ em đi lâu chưa? lúc đó em mấy tuổi?"
" Dạ ba em bỏ em lúc em bảy, tám tuổi. Mà em cũng có muốn có mặt ổng đâu. Ổng đánh mẹ em suốt, đánh nhiều lắm cô, đánh thương tật luôn đó. Ổng còn đánh chị em em nữa, cứ say là đánh, đánh như đánh kẻ thù không bằng...Thà không có ổng em còn sướng hơn....". Tự nhiên nói tới đó mắt em ầng ậng nước. Em khóc. Đau đớn, uất ức chứa đầy trong đôi mắt ấy....
Tự nhiên tôi cũng muốn nghẹn ngào theo em.... Tôi đặt tay lên vai em: " Tha thứ cho ổng đi em.". Em khẻ lắc đầu...." Không cô"
Em và tôi ngồi thật lâu. Em kể cho tôi nghe về gia đình em, về mẹ, về chị, về gia đình nhà nội và những bi kịch kéo dài nhiều năm....
Từ sau buổi gặp mặt đó, em thay đổi. Đôi khi em chạy lên văn phòng giáo viên kiếm tôi chỉ muốn cho tôi trái ổi trong vườn nhà hay khoe tôi một con điểm 8. Em không còn đánh bạn, không quậy phá....Ngược lại tôi hay nhờ vả em chuyện này chuyện kia cho em thấy em thật quan trọng với tôi. Khi thì phụ tôi vô điểm, khi thì sắp xếp bàn ghế cho một buổi họp phụ huynh, khi thì chở tôi mua đồ ăn cho một buổi liên hoan nhẹ của lớp...Vũ vui lắm, ồn ào cười nói, chuyện gì trong lớp trong gia đình cũng kể tôi nghe....
Hè năm đó, Vũ đi sang Mỹ. Em tới nhà chào tôi. Đầu năm học sau, em viết thư cho tôi. Chữ thì to như con gà mái mà lời lẻ cực kỳ dễ thương, rồi còn nói em hối hận vì sao ngày xưa em phá quá làm cô buồn, cô tha thứ cho em nghen....
Vậy đó. Đến với trái tim một đứa trẻ, mở trái tim ấy ra không khó lắm. Phần đông những đứa trẻ quậy phá, cá biệt là những đứa trẻ bất hạnh hay chất chứa những vết thương nào đó trong tâm hồn bé nhỏ.....

Sau này, khi làm tư vấn viên trong trường Thái Văn Lung, Thủ đức, cô hiệu trưởng cũng kể cho tôi nghe một chuyện tương tự:

Năm đó, các phụ huynh tố cáo một em tên Dũng, lớp 8, chuyên môn trấn lột tiền của các học sinh lớp 7. Hễ em nào không có là Dũng đánh, không đánh thì đe dọa. Nhà trường lập hội đồng kỷ luật, đuổi học em Dũng 1 tuần. Cô hiệu trưởng gặp riêng em ấy, hỏi về gia cảnh. Em tâm sự là cha mẹ em ly hôn, cha có vợ khác, mẹ có chồng khác. Mấy anh em nương tựa nhau trong căn nhà nhỏ xíu. Tiền bạc không phải là thiếu thốn nhưng Cha mẹ thỉnh thoảng mới ghé qua dăm phút , đưa ít tiền lại đi. chớ có mua cho cái áo cái quần, miếng quà, viên thuốc khi ốm đau.....
Hiểu được gia cảnh hẩm hiu đó, cô hiệu trưởng thường tới nhà Dũng, khi thì cho ít trái cây, khi thì nấu cho anh em tụi nó nồi chè....ngồi lại với mấy anh em Dũng, hỏi han, trò chuyện cho đỡ quạnh vắng....
Dũng tự nhiên ngoan và học giỏi một cách kỳ lạ. Em có mặt trong đội tuyển toán của trường và thi cấp quận...Cứ điểm 9 hay 10 là chạy lên khoe cô hiệu trưởng ngay: " Cô ơi, hôm nay em 10 điểm". Mà cũng chỉ thế thôi, cô vui như tìm được đứa con thất lạc....
Là giáo viên, cứ mở lòng ra là các em cảm nhận hết, thay đổi hết. Đơn giản thôi mà....Có cần trợn mày, trợn mắt, quát tháo ầm ỷ làm chi đâu....!

Theo Bảo Nhi Lê

Kết quả hình ảnh cho cô trò

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.