TÌM TRƯỜNG HỌC, THỰC RA LÀ TÌM CÁI GÌ?

Mời mọi người đọc về nội dung giáo dục của 1 người viết bên dưới !
Đây là một bài viết mình đánh giá là hay và có hiểu biết về giáo dục. Trong bối cảnh giáo dục như là một món hàng mua bán, người ta chạy theo đi shopping dựa trên tâm lí yêu ghét, thích của cha mẹ nhiều hơn là xác định rõ 1 đứa trẻ cần gì và con mình sẽ cần gì.
Theo lẽ tự nhiên của người cha người mẹ không được đào tạo về GD, không được trải nghiệm một nền giáo dục thực sự, chưa có nhiều kinh nghiệm học hành, chưa có nhiều điều kiện lựa chọn thì chọn theo sở thích, theo cảm tính cá nhận là chuyện đương nhiên.
Có 1 lần cuối năm, cafe với một đứa em hẹn mình để tặng 1 chai rượu xịn. Mình thì chẳng uống rượu bao giờ. Mình cám ơn sự quan tâm của nó dành cho mình. Nó có nói chuyện về con cái, về học hành. Mình cũng nghe và nói rằng, trường đó làm rất đúng ý phụ huynh. Nhưng mình cũng cảnh báo cho nó rằng. Sở thích cũng chỉ là sở thích, em có tiền thì em toàn quyền quyết định rồi. Còn có đúng về mặt GD hay không, có đáp ứng được xu thế phát triển của thời đại hay không là một vấn đề khác. Em đừng nghĩ rằng, kiếm ra tiền và đầu tư được cho con học là mình đúng đâu. Em chẳng thể nào chỉ dẫn cho bác sĩ mổ cho con em và em cũng không thể chỉ dẫn các nhà giáo dục làm gì cho con em được. Em chẳng thể hiểu cơ thể bên trong con người cũng như biết được bộ não của đứa trẻ thế nào.
Xét về giáo dục đại chúng, người làm giáo dục chuyên nghiệp mới biết nên làm điều gì. Còn cha mẹ không ở trong lĩnh vực chỉ có thể cố gắng làm gương, tạo ra lối sống tốt, quan tâm để đứa trẻ suy nghĩ thế nào với cuộc sống sẽ tốt hơn. Mục đích và việc làm của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến con cái rất nhiều. Làm GD là khơi dậy, thúc đẩy tiềm năng của trẻ chứ không chỉ là học cách giải bài, cách đối phó với thi cử và lấy được bằng cấp gì. Việc làm trong GD đứa trẻ còn có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều. Cuộc sống của đứa trẻ chỉ xoay quanh việc chạy theo những mong muốn chưa đúng của cha mẹ sẽ không làm đứa trẻ phát triển tốt.
Cá nhân mình có thể kèm con học mỗi tối nhưng mình không làm. Mình chỉ theo dõi thái độ con học tập và mối bận tâm con đang suy nghĩ. Thỉnh thoảng con hỏi bài khó, mình bảo con học bài khó để làm gì nếu như con không xem việc suy nghĩ là niềm vui, là rèn luyện tư duy thì tốt nhất con không nên làm và ba cũng không cần mất thời gian chỉ cho con bài toán đó. Ba chỉ có thể ngồi nghe con nói về cái hay, cái cách con suy nghĩ thế nào thì ba sẽ hiểu hành trình tư duy con có gì thú vị hay không. Mình cho rằng, dạy con không phải là giải quyết bài toán nhỏ nhoi đó. Mình cần xây dựng trong nhận thức của con cái một sự quan tâm xung quanh, một tầm nhìn, một động lực với cuộc sống. Cái thời dạy em, với sự hiểu biết của người anh cũng chỉ biết dạy em tư duy, dạy em cách nghĩ. Còn bây giờ dạy con phải vươn lên một tầm suy nghĩ khác.
Cách đây vài hôm, trong lúc chở con đi học đá banh về, con trai tâm sự với ba rằng. Con rất đam mê đá banh. Con sẽ phấn đấu thêm 2 năm nữa, nếu con không dược CLB chọn thành cầu thủ tài năng, con sẽ dồn hết sức vào việc học và chỉ xem bóng để để giải trí, để khỏe mạnh. Mình đang để con tự hoàn thiện bản thân và chỉ yêu cầu con nghiêm túc trong quá trình học tập và phát triển đam mê. Vì là con trai, nên cách rèn của con trai cũng khác với em gái. Mỗi giới, mỗi đứa trẻ tự có tính cách và tự hình thành sự quan tâm khác nhau. GD trẻ cần phải theo dõi, lắng nghe và giúp chúng thay đổi từ từ. Cha mẹ mà nóng vội sẽ hỏng đứa trẻ ngay.
Bài viết mình trích dẫn rất tương đồng với nhận thức của mình và với những hoạt động mình tạo ra cho con mình và những người bạn của mình. Hoạt đồng ấy chỉ phù hợp những gia đình có cùng suy nghĩ như thế. Chia sẻ ra đây cho bạn bè hiểu thêm suy nghĩ và hành động GD của mình.
Note: Bản đồ rừng Taman Negara sắp đi tháng 7 năm nay. Rừng là nơi kết nối gia đình với nhau, với thiên nhiên và cũng là nơi rèn luyện con người rất tốt.

(Võ Quốc Vương)

------------------------------------------------------------------------------------

TÌM TRƯỜNG HỌC, THỰC RA LÀ TÌM CÁI GÌ? 

(Viết cho mùa tìm trường năm học 2019-2020).
Khi đi tìm trường, chúng ta thường bị cuốn vào những cám dỗ thường tình, và làm cho mình càng lúc càng xa mục tiêu ban đầu (mục tiêu của giáo dục). Chúng ta sẽ bị thu hút bởi cơ sở vật chất hoành tráng, bởi số tiết học tiếng Anh, bởi chương trình nước ngoài, bởi giáo viên nước ngoài, bởi ưu đãi học phí, bởi các quảng cáo đẹp mắt, thậm chí bởi 1 người nổi tiếng đang có con học ở trường đó… Nếu không có mục tiêu rõ ràng và tiêu chí cụ thể, thường là chúng ta sẽ càng rối hơn, hoặc là lựa chọn của chúng ta bị sai lệch bởi những sự thiên vị (bias) được tạo ra bởi các yếu tố gây nhiễu (distractors).
Tôi đã từng tư vấn cho các cha mẹ về các chương trình, để phân biệt cho được một trường tạm gọi là trường quốc tế, với một trường không phải quốc tế nhưng thích dán nhãn quốc tế. Nhưng chuyện đó xảy ra lâu rồi, gần chục năm rồi. Bây giờ các cha mẹ biết về chương trình quốc tế nhiều hơn, phân biệt rất giỏi giữa chương trình IB với Cambridge, song ngữ với đơn ngữ, quốc tế với quốc gia…
Rồi cũng đến giai đoạn tôi khuyên phụ huynh căn cứ vào kiểm định chất lượng để nhìn ra được một trường có đảm bảo chất lượng, với một trường trôi nổi về chất lượng. Nhưng chuyện đó cũng xảy ra cách đây cả 5 năm rồi. Bây giờ phụ huynh cũng rất hiểu thế nào là kiểm định của CIS, WASC, NEASC, COBIS, IPC… ở Việt Nam, trường nào được kiểm định, và trường nào chưa.
Vậy ở giai đoạn này, nói về chuyện chọn trường, thì chúng ta căn cứ vào cái gì nữa đây? Thông tin về các trường có rồi, bảng xếp hạng có rồi, kiểm định rõ rồi thì đã yên tâm được chưa? Thực sự là chưa, nếu như bạn thực tâm muốn điều tốt nhất cho con trong điều kiện cụ thể của mình, trong không gian ở tại Việt Nam này. Bạn đã rõ về bên “A” là các trường, còn phía bên kia là “bên B” là con mình, trước khi bạn quyết định một cuộc lắp ráp (matching) A với B.
Lúc này chúng ta cần quay trở lại những câu hỏi lớn, những câu hỏi định hướng (guiding questions) để dẫn dắt việc chọn trường cho con:
1. Bạn muốn con trở thành người như thế nào? Vượt lên trên việc nói lưu loát tiếng Anh, có thể đi du học, có việc làm trong môi trường quốc tế, thì về mặt con người, bạn muốn cái con người đó như thế nào? Nó có hình thù ra sao, vẻ mặt nó có năng động, hạnh phúc không, nó có hài lòng hay bất mãn về cuộc sống, về những lựa chọn của mình, nó có ước mơ gì, nó có làm việc chăm chỉ để đạt được nước mơ của mình không? Đây là outcome (đầu ra) của việc giáo dục. Bạn phải bắt đầu bằng cách vẽ ra outcome của việc giáo dục, trước khi bạn đi chọn giải pháp giáo dục (là trường học).
2. Nguyên tắc lớn của giáo dục phổ thông (dành cho trẻ dưới 18 tuổi), là vì sự well-being (hạnh phúc) của đứa trẻ. Hạnh phúc là khái niệm chung chung quá. Không lẽ cứ cười suốt ngày đã là hạnh phúc? Nếu bạn chia nhỏ khái niệm well-being ra, thì nó bao gồm comfortable, healthy and happy. Đã rõ ràng hơn, một nơi mà trẻ hạnh phúc, tức là nó phải cảm thấy an lành, yên ổn, thoải mái như ở nhà, khỏe mạnh về cơ thể, tâm hồn và các mối quan hệ, cũng như phấn chấn trong nội tâm. Cái mà bạn chọn có mang con bạn lại gần well-being của nó, hay đẩy nó xa hơn well-being của nó? Đó là câu hỏi định hướng thứ hai.
3. Học là cái gì, và học để làm gì? Nếu bạn hiểu học là tiếp nhận tri thức, thì chuyện đó xưa rồi. Học ngày nay là quá trình khám phá và tự hoàn thiện bản thân thông qua việc tiếp nhận tri thức, xây dựng kỹ năng, để cuối cùng hình thành năng lực và phẩm chất. Không phải tri thức (knowledge), mà năng lực (capabilities) và phẩm chất (qualities) mới là điểm đến của việc học của mỗi cá nhân ngày nay. Một người có bằng MBA mà không có năng lực quản trị, một người có bằng tiến sỹ mà không có năng lực nghiên cứu, một người có bằng Tú tài quốc tế mà không có tư duy toàn cầu là những ví dụ về sự thất bại của việc học.
4. Giáo dục tốt nhất, trường học tốt nhất là chỗ phù hợp với nhu cầu và lợi ích đứa trẻ. Vậy bạn có biết con bạn có nhu cầu gì không? Nó muốn cái gì, ước mơ gì, cần gì để lớn lên. Những gì mang lại lợi ích cho nó? Nếu bạn trả lời câu hỏi này thật lòng, bạn sẽ thấy điểm IELTS 8.0 không phải là lợi ích của đứa trẻ, nhưng việc có thể đọc sách được bằng tiếng Anh là một lợi ích cả cuộc đời của một đứa trẻ. Vậy câu hỏi đúng phải đặt ra cho con là: Con có nhu cầu gì vào thời điểm này, con cần sự hỗ trợ gì về mặt giáo dục để thỏa mãn nhu cầu đó, để tiểm năng đó không bị mất đi? Đâu là lợi ích của cuộc đời con. Nó có phải là tấm bằng đại học, hay là một cái nghề cho con kế sinh nhai bền vững, nó có phải là đứng đầu lớp học, hay là một mạng lưới bạn bè hỗ trợ con cả cuộc đời, là biết chơi 10 môn thể thao hay là sức khỏe và năng lượng tích cực luôn thường trực trong con người của con?
5. Con của bạn là sản phẩm của thời đại khác bạn. Vậy bạn có từ bỏ được việc lấy những trải nghiệm của mình áp lên con không? Bạn nói rằng thế hệ của bạn học hành sơ sài vẫn làm nên công trạng. Nhưng bạn có thấy vấn đề của thời đại bạn là gì, và vấn đề của thời đại con bạn là gì không? 20 năm nữa, những chủ đề, những nghề nghiệp chúng ta thấy ngày hôm nay, có còn y nguyên giá trị hay đã thay đổi từ lâu rồi? Lúc đó vở sạch chữ đẹp có còn quan trọng không, học bổng du học có còn quan trọng không, học đại học Mỹ có còn quan trọng không?
Trong trải nghiệm hạn hẹp của mình trong giáo dục, tôi thấy giáo dục ở Việt Nam, thường thiếu tầm nhìn. Nó thể hiện trong việc xây trường, chọn trường, vận hành… hiếm khi có tầm nhìn và kế hoạch trên 10 năm. Nó thường là những câu chuyện thời sự sớm nở tối tàn, đầu voi đuôi chuột. Nó không thể hiện tầm nhìn xuyên thế hệ (50 năm, 20 năm, 10 năm)… khi thiết kế chuyện học cho một con người.
Dù chương trình học sẽ có nhiều thay đổi theo thời gian, nhưng giá trị của sức khỏe, hạnh phúc, sự thông tuệ, gia đình, tình bạn và những phẩm chất đẹp của một con người thì ít thay đổi. Vậy khi chọn trường học, bạn tìm kiếm cái gì? Câu trả lời là khi bạn quyết tâm chọn well-being cho con bạn để hướng tới những giá trị ở trên, lựa chọn đó sẽ không bao giờ sai.

Bài viết của Harry Bùi Khánh Nguyen.

Không có mô tả ảnh.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.