Sự khác biệt to lớn trong giáo dục Trung Quốc và Nhật Bản
Sự khác biệt trong giáo dục từ bé sẽ giúp hình thành nên tính cách của trẻ về sau này, từ đó mở rộng thành thói quen ứng xử và văn hóa của một quốc gia.
P.1: Nhật Bản – Một quốc gia an nhiên
Tôi đã sống ở Trung Quốc hơn mười mấy năm, đã hoàn toàn quen thuộc với giáo dục kiểu Trung Quốc, vì vậy dù có ra nước ngoài thì cũng rất khó thay đổi. Nhật Bản là một quốc gia rất yên tĩnh, người Trung Quốc đến nơi đây cũng vẫn luôn tự xem mình là trung tâm, bao gồm cả giáo dục con cái. Khi vừa mới đến nước Nhật, tôi thường hay nói chuyện lớn tiếng ở nơi công cộng, nói điện thoại to tiếng trên xe điện, khi đó người Nhật hay nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ, nhưng tôi lại không cảm thấy có gì không ổn cả, mà ngược lại còn nghĩ rằng người Nhật thật là kỳ lạ, đương nhiên điều này cũng đã tác động đến con tôi.
Mấy năm trước các con tôi vừa mới lên tiểu học, tôi đi xe buýt cùng chúng đến trạm xe. Các con đang ngồi yên thì bắt đầu cười nói lớn tiếng, sau đó lại còn nghịch phá trên xe buýt, còn tôi thì chỉ ngồi đó nhắc nhở chúng vài câu, hoàn toàn không hề để tâm chút nào cả, vì vậy nên các con vẫn cứ tiếp tục cười cười nói nói như chốn không người và tôi chẳng thèm quản chúng nữa.
Sau khi xuống xe, có một người phụ nữ trung niên cùng ngồi trên xe với chúng tôi đuổi theo, tức giận nói: “Xin hãy đợi một lát, vừa rồi gia đình đã rất ồn ào lúc ở trên xe buýt, cảm phiền sau này đừng nói chuyện lớn tiếng như thế trên xe buýt nữa.” Tôi nghe lời bà ấy nói xong thì ngây ra, bà ấy lại nói tiếp: “Vừa rồi chẳng phải là gia đình đã rất ồn ào đó sao? Cảm phiền đừng để con cái nói chuyện lớn tiếng trên xe buýt nữa, như vậy thật sự rất không tốt.”
Lúc này thì tôi mới hiểu ý bà ấy, xe buýt công cộng dù gì cũng không phải là nhà mình, phải nghĩ đến cảm nhận của người khác. Tôi xấu hổ nói: “Thật sự rất xin lỗi, đã làm phiền cô rồi.” Bà ấy thấy tôi thành khẩn xin lỗi nên cũng vừa lòng bỏ đi. Sau đó lúc đi xe điện, các con trở nên rất yên lặng, dù rằng cũng do lúc đó tôi chú ý đến từng cử chỉ của chúng, sợ lại làm phiền đến người khác.
Một lần khác khi tôi đi thang máy ở trung tâm thương mại, trong thang máy đầy người, nhưng lại cực kỳ yên tĩnh. Lúc này có một người đàn ông đang bế con gái độ hai tuổi, cô bé bỗng la lên, mọi người đều nhìn về phía họ. Người cha lập tức nói với con gái: “Thật ngại quá!” Ông ấy dùng ngón tay ra hiệu cho con gái đừng la nữa nhưng cô bé không nghe lời ông ấy, cứ tiếp tục la. Tôi đang nghĩ là muốn đứa bé cỡ này yên tĩnh thật sự rất khó khăn thì lúc này cửa thang máy mở ra, tôi thấy ông ấy ngại ngùng bế con gái đi thật nhanh ra khỏi thang máy.
Ở nơi công cộng, tôi thường hay thấy những người Nhật bên cạnh mình đều rất yên tĩnh, con cái của họ cũng vậy. Đương nhiên là đôi khi cũng có những đứa bé khóc la, thậm chí còn nằm dài ra đất khóc nữa, nhưng phụ huynh của các bé này chỉ nhẹ nhàng dạy dỗ con, không hề la mắng con của mình. Lúc đó tôi mới hiểu ra: Vì sao Nhật Bản lại là một quốc gia yên tĩnh như thế. Bởi vì từ nhỏ họ đã giáo dục con cái phải cố gắng hết sức không được làm phiền người khác, nhất là phải nghĩ cho người khác khi ở nơi công cộng. Khi xảy ra động đất, người Nhật cũng vẫn có thể yên tĩnh đứng xếp hàng đợi, bởi vì không thể chỉ nghĩ đến bản thân mà quên đi lợi ích của người khác.
P.2: Nhật Bản – Một quốc gia khiêm nhường
Nhật Bản là một quốc gia vô cùng khiêm nhường, họ tôn trọng người khác bất kể thân phận hay địa vị. Khi vừa mới đến nơi đây, tôi luôn mang dáng vẻ ở trên nhìn xuống, rất khó khăn để hòa nhập được với xã hội Nhật Bản, mười năm sau mới bắt đầu có sự thay đổi.
Ngày thứ hai sau khi đến Nhật, tôi ra ngoài đi dạo một mình trên con đường yên tĩnh trong một con ngõ nhỏ. Trước mặt tôi có một người phụ nữ tầm 60 tuổi bước đến, bà ấy thật sự rất nhỏ con, có thể là cao chưa đến 1m40, vì vậy hiển nhiên là trông tôi lại càng cao hơn. Tôi ngẩng đầu ưỡn ngực đi về phía bà ấy. Bà hơi khom lưng, nhẹ nhàng mỉm cười, bước đến trước mặt tôi và nói: “Xin chào!” Nói xong, bà cúi đầu chào, tôi vô cùng bất ngờ trước hành động của bà. Tôi cũng vội vàng nói: “Xin chào.” và muốn cúi chào giống như bà ấy, nhưng tôi lại không hề quen với việc này nên chỉ gật nhẹ đầu.
Đây là lần đầu tiên tôi được tôn trọng như thế kể từ khi sinh ra, trước đây chỉ thấy đồng nghiệp gập người cúi đầu trước cấp trên. Khi đến Nhật Bản, thật không ngờ được một cô lớn tuổi lại cúi chào tôi. Không phải để tâng bốc, chỉ đơn thuần là chào hỏi mà thôi. Thật lòng tôi cảm thấy rất kỳ lạ: Tại sao bà ấy lại khiêm nhường chào hỏi một người lạ như vậy? Khi về đến nhà, tôi đã hỏi chồng về việc này, anh ấy cười rồi nói với tôi: “Người Nhật đều như vậy đấy! Không cần ngạc nhiên vậy đâu”. Ngày thứ ba, tôi đã gặp đồng nghiệp của chồng, người này độ 50 tuổi rồi nhưng cũng cúi đầu chào tôi: “Lần đầu tiên gặp mặt, rất vui được gặp cô.” Còn tôi chỉ ngồi trong xe gật đầu với ông ấy: “Rất vui được gặp anh.”
Con tôi đã lên tiểu học, thầy giáo đến thăm nhà, thầy cúi chào tôi khi bước vào cửa, tôi cũng đáp lễ cúi chào lại. Tôi ngẩng đầu lên thì thấy thầy vẫn đang cúi chào, tôi đành phải cúi chào một lần nữa rồi ngẩng đầu lên cùng lúc với thầy. Tôi nghĩ thầm: Cúi chào lâu như vậy, lưng thầy ấy có đau không nhỉ? Lúc bước vào nhà, tôi ngồi đối diện với thầy, thầy luôn dùng kính ngữ để nói chuyện với tôi, thầy nói rất nhiều ưu điểm của con tôi, có một vài ưu điểm mà ngay cả tôi cũng không nhận ra. Còn khi tôi nói đến khuyết điểm của con, thì thầy lại an ủi tôi: “Vì là trẻ em nên đều như thế cả.” Tôi kinh ngạc lắm: Trong mắt thầy, mọi mặt của con đều hoàn hảo, mọi thứ đều có thể bao dung. Cuối cùng thầy nói: “Năm học này, mong được cô quan tâm ạ”, rồi thầy đứng dậy ra về. Khi ra đến cửa thì quả nhiên lại cúi chào tôi.
Sống ở Nhật đã lâu, tôi nhận ra rằng người Nhật đều khiêm nhường như vậy, người có địa vị thì lại càng khiêm nhường hơn. Tôi thường hay nhìn thấy nhân viên huyện cúi chào mỗi người đi làm ở trạm xe. Ngoài ra, dịch vụ của Nhật Bản đứng đầu toàn thế giới, nụ cười ngọt ngào và cái cúi chào của người phục vụ khiến cho tất cả khách hàng cảm thấy thoải mái hơn. Trong văn hóa trà đạo, kiếm đạo, Judo cũng có phần cúi chào, có khi là quỳ gối chào. Sau khi hiểu được văn hóa Nhật Bản, tôi đã bắt đầu yêu thích sự khiêm nhường của người Nhật, bây giờ tôi cũng đã có thể cúi chào 90 độ. Hơn nữa, tôi chân thành đối xử với mọi người, dù cho đối phương không đáp lại tôi, tôi cũng không cảm thấy khó chịu, bởi vì đây là xuất phát từ sự khiêm nhường và tôn trọng.
Khi thấy Nhật Bản bị động đất, vợ chồng Thiên Hoàng, thủ tướng Nhật đến thăm hỏi người dân vùng bị nạn hay Tứ Xuyên Trung Quốc bị động đất, đội cứu hộ người Nhật mặc niệm trước đồng bào Trung Quốc bị tử nạn, tôi đã cảm nhận được rằng: Đối xử với người khác phải biết tôn trọng không quan trọng là giàu hay nghèo.
P.3: Giữ gìn truyền thống
Tôi sống ở Trung Quốc mấy chục năm, đã không còn biết cái gì là văn hoá truyền thống nữa, lúc đó luôn cảm thấy rằng những thứ tân thời mới là tốt nhất. Nhật Bản có khoa học kỹ thuật rất phát triển, mức sống và các cơ sở vật chất xã hội cũng là đẳng cấp hàng đầu thế giới, nhưng họ vẫn giữ lại văn hoá truyền thống mà học được từ Trung Quốc cổ đại. Sau khi tôi đến Nhật sống mới dần dần hiểu ra rằng chính là văn hoá truyền thống của Trung Quốc 5.000 năm đã mang lại sức mạnh cho người dân ở đây.
“Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” của Trung Quốc, đều được người Nhật Bản kế thừa hoàn chỉnh. Những người Trung Quốc đến đây đều cảm thấy thích Nhật Bản, bởi vì ở đây họ thấy quá khứ của Trung Quốc. Những thứ trước kia là lễ nghi ở Trung Quốc, hiện giờ là thứ thường ngày ở Nhật Bản. Một lần tôi đưa con gái đến công viên chơi, cũng có nhiều bạn nhỏ khác cùng chơi cát. Lúc mọi người chuẩn bị tạm biệt nhau về nhà, trong đám trẻ có một bé chỉ khoảng 1 tuổi là vẫn chưa nói được, nhưng khi được mẹ gợi ý, cũng hướng về phía mọi người cúi chào. Con tôi lúc đó không thể chú trọng lễ tiết như vậy, làm người ta không thể không cảm thán cách giáo dục của Nhật Bản: Từ khi còn là một đứa trẻ cho đến tận khi tốt nghiệp đại học, đều được bố mẹ và giáo viên dạy cho dùng lễ đối đãi với mọi người.
Sau khi trẻ em đi nhà trẻ mẫu giáo ở Nhật, bắt đầu được học các lễ đơn giản như là: Chào buổi sáng, chào tạm biệt, cám ơn, cám ơn trước và sau bữa ăn, chúc ngủ ngon. Lên đến tiểu học, mỗi sáng đều có hướng dẫn về lễ nghi. Bên cạnh các tiết học văn hoá thì giáo dục về đạo đức, thành tín và lòng biết ơn cũng được chú trọng. Mỗi lần tôi đến trường gặp giáo viên hỏi chuyện, giáo viên luôn hỏi tôi là con tôi ở nhà có giúp đỡ việc nhà không – việc này làm tôi cảm động vô cùng.
Càng khó quên hơn, là lúc tốt nghiệp tiểu học, mỗi học sinh đều làm tặng gia đình một phần lễ vật và viết một lá thư cảm ơn để tại buổi lễ tốt nghiệp, tự mình gửi đến bố mẹ. Hiệu trưởng phát biểu rằng: “Hy vọng rằng các học sinh có thể duy trì lòng biết ơn, không nên quên bố mẹ 6 năm nay đã vất vả chăm sóc”. Tôi và nhiều bậc phụ huynh khác đã rơi nước mắt.
Ở Nhật Bản, từ cấp trung học, thì đối với việc tôn sư trọng trưởng [bối] là vô cùng nghiêm túc: Đối với giáo viên và hiệu trưởng thì đều dùng kính ngữ. Học sinh cũng phải học rất nhiều Đường Thi Tống Từ và những điều như “Luận Ngữ” của Khổng Tử. Con gái tôi cũng thể hiện rõ sự trưởng thành, hay nói với tôi rằng không nên làm như thế này vì sẽ làm tổn thương người khác, không nên nói thế kia vì thế là không tôn trọng người khác.
Một lần tôi cùng con gái đến trường gặp giáo viên, giáo viên hỏi rằng con gái tôi ở nhà tình hình học tập thế nào, tôi nói: “Khoảng mỗi ngày một giờ”. Con gái tôi nhanh chóng nói: “Con không có học một giờ, chỉ khoảng 30 phút thôi, mà cũng không phải đến mức mỗi ngày”. Tôi cảm thấy xấu hổ và nói: “Là tôi nhớ sai rồi”. Sau khi về đến nhà, con gái tôi nói: “Mẹ, người Nhật thì vô cùng khiêm nhường khi nói chuyện, mà mẹ cũng có lúc nào thấy con học hàng ngày đâu?”.
Tôi cứ thế bị con trẻ trong nhà “giáo dục” trong một thời gian dài, cũng ý thức ra rằng: Hình thức giáo dục của Trung Quốc quả thật là không thể hoà nhập với xã hội Nhật Bản, phải học lại một lần nữa. Trong công việc, tôi học tập người Nhật về cách đối nhân xử thế, cũng thường xuyên khiêm tốn cùng với các con “thỉnh giáo”, sau vài năm thì cuối cùng cũng thể hội được sự bác đại tinh thâm của văn hoá truyền thống.
Lại một lần, tôi cùng con gái đến thăm một trường cấp 3 tư nhân, hiệu trưởng nói với chúng tôi về hai tôn chỉ của trường: “Chúng tôi chỉ mong học sinh thể biết cảm ơn và giữ gìn giờ giấc, hai điều này đối với cả cuộc đời trong tương lai của bọn trẻ là vô cùng trọng yếu”. Tôi nghĩ một thời gian rồi cùng hiểu ra: Hiệu trưởng không yêu cầu các học sinh ở trường phải học để đạt được thành tích, hay là để đỗ đại học, nhưng chỉ yêu cầu học sinh đạt được lòng biết ơn với người xung quanh và nghiêm túc với việc sử dụng thời gian, bởi vì chỉ có học thành được cách cư xử với bản thân, thì mới có thể đem tài năng áp dụng vào để đạt được mục tiêu trong cuộc đời. Một dân tộc, một quốc gia nếu có thể duy trì văn hoá truyền thống thì từ trong lễ nghi sẽ sinh ra tài năng.
P.4: Dạy cách yêu nước
Tôi đã sống ở Trung Quốc mười mấy năm rồi, đã rất quen thuộc với giáo dục yêu nước ở đây: Chào cờ, hát quốc ca, đi tham quan bảo tàng cách mạng, xem những bộ phim yêu nước, hát những bài hát yêu nước… từ tiểu học cho đến đại học; trên báo đài đâu đâu cũng đều ca tụng công đức của Đảng Cộng sản, tuyên truyền sự tàn bạo của kẻ xâm lược nước ngoài, thế lực chống Hoa Tây Phương. Đây thật sự là “yêu nước” sao?
Khi mới đến Nhật Bản, tôi đã nhận ra rằng giáo dục yêu nước của Nhật Bản hoàn toàn không giống với Trung Quốc: Ở Nhật thì việc chào cờ, hát quốc ca chỉ có vài lần mỗi năm mà thôi, ví dụ như những nghi thức lớn như khai giảng và lễ tốt nghiệp thì mới có; học sinh chỉ học một bài quốc ca chứ không học bất kỳ bài hát yêu nước nào khác.
Đối với việc nước Nhật chịu hai quả bom nguyên tử trong lịch sử, giáo viên chỉ dạy học bình thường mà thôi chứ không thêm thắt cảm xúc vào trong đó. Ngoài ra, báo đài ở Nhật cũng đều là đang giám sát chính phủ của họ, thường hay đưa những tin xấu của chính phủ hay chính đảng ra ánh sáng để người dân kịp thời biết được những điều sai trái của họ, cho nên Thủ tướng và nhân viên chính phủ của Nhật thường hay bị giáng chức.
Sự thật thì trước Thế chiến thứ hai, Nhật Bản cũng có giáo dục chủ nghĩa yêu nước, thần thánh hóa Thiên Hoàng, chiến tranh vì Thiên Hoàng, thực tế đây chính là giáo dục yêu nước của chủ nghĩa quân chủ, sau khi nước giàu quân mạnh thì đi xâm chiếm các quốc gia khác. Cho đến sau khi Nhật Bản bại trận, bị Liên Hiệp Quốc yêu cầu từ bỏ giáo dục yêu nước theo chủ nghĩa quân chủ. Vì vậy trong “Luật giáo dục cơ bản” của Nhật Bản ngày nay đều là giáo dục yêu nước trên cơ sở dân chủ và tôn trọng nhân quyền, tôn trọng văn hóa truyền thống, yêu quý quốc gia và vùng lãnh thổ, cống hiến vì sự phát triển hòa bình của xã hội trên thế giới.
Nhật Bản dường như hoàn toàn gìn giữ văn hóa học được từ Trung Quốc, từ kiến trúc, văn học, sử học, hội họa, phong tục… đều được truyền lại từ văn hóa đời nhà Đường, đặc biệt là những tinh hoa trong văn hóa Đại Đường: Sùng thần kính Phật, các lễ nghĩa đã luôn có sức ảnh hưởng đến Nhật Bản ngày nay. Kinh đô Nhật bản có lịch sử hàng nghìn năm, đều là tái hiện lại cố đô nhà Đường Trung Quốc.
Học sinh Nhật cho đến này cũng vẫn học “Luận ngữ” của Khổng Tử và thơ ca Đường Tống… Quốc danh của Nhật Bản vốn được gọi là nước Oa Nô, Đường Thái Tông đã ban cho quốc danh “Nhật Bản” dựa vào địa thế của Nhật Bản ở Biển Đông và nơi mặt trời mọc. Sau cách tân Đại Hoa, Thiên Hoàng đã chính thức đổi tên nước thành Nhật Bản và được giữ lại cho đến ngày nay.
Ở Nhật có thể thấy Shinto (tôn giáo bản địa của người dân Nhật Bản) ở khắp nơi, mỗi năm vào đêm giao thừa, ngày mùng một, mùng hai, người Nhật đều sẽ đến cầu nguyện ở Shinto; cho đến hiện nay Nhật Bản vẫn giữ lễ nghi này.
Trung Quốc lịch sử 5.000 năm huy hoàng, khắp nơi đều là văn vật, một hòn đá tùy tiện nhặt dưới đất cũng mang lịch sử 5.000 năm. Nhà ở, bếp lò, dụng cụ gia đình của mỗi nhà đều là cổ vật mấy trăm năm, nhưng hầu như đều đã bị phá hủy trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa, người tài cũng bị đào mộ hủy xác. Giáo dục yêu nước của Trung Quốc cận đại chính là giáo dục yêu Đảng, văn hóa truyền thống Trung Hoa bị hủy hoại, lễ nghĩa đã quá xa vời.
P.5: Giáo dục hứng thú
Tôi sống ở Trung Quốc hơn mười mấy năm, đã quá hiểu cách thức giáo dục ở Trung Quốc: Đặt áp lực cho học sinh, giáo viên, không tôn trọng ý kiến cũng như không bồi dưỡng khả năng sáng tạo, tưởng tượng của học sinh. Học sinh và phụ huynh đều khổ mà không thể nói ra. Nhiều năm sau khi đến Nhật, tôi đã biết được giáo dục ở Nhật là giáo dục tạo sự hứng thú, vừa học vừa chơi, học sinh giống như những chú chim nhỏ bay lượn trên bầu trời, rất đáng ngưỡng mộ.
Sau khi con tôi vào tiểu học, ngoài học các lớp văn hóa ra thì còn có cả lớp gia đình, học những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong cuộc sống gia đình: Dạy cho học sinh làm các món ăn của các nước, cách dùng kim hay máy may để làm đồ vật, cách trồng cây, điêu khắc các vật dụng nghệ thuật … Ngoài học ở trong lớp thì còn được học ngoại khóa như đi tham quan viện khoa học, xưởng xử lý rác thải, trạm cứu hỏa, văn phòng quốc hội, đưa học sinh đi trồng lúa, trải nghiệm trượt tuyết, dã ngoại... để học sinh tự mình học được những kiến thức về lịch sử, khoa học đời sống, công – nông nghiệp.
Ngày thi đấu thể thao ở tiểu học giống như ngày lễ lớn vậy, phụ huynh, họ hàng đều đến xem, thậm chí cả ông bà cũng phải đi máy bay để vội về xem, mọi người vào bên trong thì vừa ngồi ăn vừa xem, cổ vũ cho các con, ghi lại hình ảnh các con lớn lên. Mỗi học kỳ đều có vài ngày được đến tham quan, phụ huynh đứng ở phía cuối lớp học để biết được tình hình học tập của con mình và cách lên lớp của giáo viên, các tác phẩm của các bé cũng được dán trên tường trong lớp học. Khi tốt nghiệp tiểu học, nhà trường có tặng một quyển album ảnh kỉ niệm, ghi lại thời gian 6 năm bằng những hình ảnh mỗi lần các bé tham gia hoạt động, hầu hết trong các bức ảnh các bé đều vui cười khiến tôi cảm động lắm.
Sau khi các con lên trung học thì càng thêm vui vẻ hoạt bát, hỏi nguyên do thì con tôi nói: “Học hành không có thay đổi gì cả ạ, vẫn giống như ở tiểu học, nhưng những hoạt động nhóm ở trung học thì cực kỳ vui, hơn nữa con còn có thêm rất nhiều bạn bè”. Học trung học sẽ có thêm những hoạt động nhóm, phân thành các câu lạc bộ thể thao, văn hóa, con tôi đã tham gia vào câu lạc bộ kèn. Mỗi ngày sau khi học xong các môn văn hóa thì còn phải tập kèn 3 tiếng ở trường nữa, cuối tuần và ngày lễ hầu như không nghỉ ngày nào cả, phải đến trường để tập kèn. Hơn nữa còn thường xuyên tham gia các cuộc thi, hội diễn ở các nơi, còn bận rộn hơn cả học hành nữa.
Tôi vốn cho rằng sau khi con lên trung học thì tôi có thể nghỉ ngơi một chút, mà không ngờ phụ huynh phải phối hợp với những hoạt động vui vẻ của các con: Cuối tuần và ngày lễ phải làm cơm hộp cho con (cuối tuần và ngày lễ căn tin ở trường đóng cửa nên không có cơm trưa). Khi con tham gia thi hay hội diễn, phụ huynh phải giúp đưa nhạc cụ, đi xem các cuộc thi, quay phim lại cho các bé. Con tôi thường hay luyện tập đến gần 10h tối, lúc này phụ huynh phải tự mình đến đón con về. Ban đầu thì tôi cảm thấy không hiểu cách giáo dục này cho lắm. Bởi vì ngày nào cũng phải tham gia hoạt động sao? Chẳng lẽ giáo dục hứng thú còn quan trọng hơn học hành hay sao? Giáo dục hứng thú có ích gì cho tương lai của các con?
Một năm sau, hoạt động của con tôi đã có thành tích tốt, giành được cúp của các cuộc thi, mỗi ngày về nhà con đều sẽ nói rất nhiều chuyện có liên quan đến câu lạc bộ thổi kèn. Thế nhưng thành tích học tập của cháu cũng không hề giảm sút, mà ngược lại càng lúc càng tốt hơn. Có lần con hỏi tôi: “Mẹ ơi, khi mẹ học trung học mẹ đã tham gia câu lạc bộ nào vậy ạ?”. Tôi nói: “Mẹ không tham gia câu lạc bộ nào cả”. Cháu khó tin hỏi: “Vậy mẹ đã làm gì mỗi ngày ạ?”. Tôi nói: “Đương nhiên là học rồi, ngoài học ra thì vẫn chỉ có học thôi”. Con tôi lắc đầu nguầy nguậy: “Học sinh Trung Quốc thật đáng thương! May mà con sống ở Nhật”. Tôi cũng nói một cách đầy ngưỡng mộ: “Đúng thế, con thật sự rất hạnh phúc đấy”.
P.6: Giáo dục trước tiểu học
Các chương trình giáo dục trước tiểu học càng lúc càng thịnh hành ở Trung Quốc, có rất nhiều bậc phụ huynh cho con em học các loại kiến thức và kỹ năng để các bé không bị thua thiệt bạn bè, thế nhưng lại xem nhẹ giáo dục truyền thống văn hóa Trung Quốc, khiến cho bản tính tốt của các bé bị mất đi.
Có những bậc phụ huynh còn thi đua với nhau, cho con em vào học trường mẫu giáo “Elite”, có những trường mẫu giáo tư thục thậm chí còn đắt hơn trường đại học công lập, mỗi tháng phải mất đến 5.000 Nhân dân tệ (16,7 triệu đồng). Thế nhưng những đứa trẻ được bồi dưỡng bằng tiền bạc và vật chất khi ra đời chưa chắc đã có thể phục vụ cho xã hội, cũng không hẳn sẽ có thể báo đáp cha mẹ.
Nền giáo dục trước tiểu học của Nhật Bản vẫn giữ theo cách truyền thống, chia làm Yochien (mẫu giáo) và Hoikuen (gần giống như nhà trẻ).
Trường mẫu giáo ở Nhật (từ 3-6 tuổi) có 60% là tư thục, 40% là công lập. Học phí ở mẫu giáo tư thục mỗi năm là 480.000 Yên (tương đương với 103,5 triệu đồng), và công lập là 230.000 Yên (tương đương 49,6 triệu đồng).
Nhật Bản có khoảng 8/10 số trẻ theo học trường mẫu giáo tư thục, con em của các gia đình có thu nhập thấp cũng có thể vào trường mẫu giáo tư nếu được nhà nước hỗ trợ. Nhà trẻ ở Nhật Bản (từ 0-6 tuổi) có học phí thấp hơn, thời gian giữ trẻ dài hơn, thuận tiện cho các mẹ đi làm đưa đón trẻ.
Giáo dục trước tiểu học của Nhật Bản đặt sức khỏe và tinh thần của trẻ lên hàng đầu, bồi dưỡng sức khỏe và khả năng sống an toàn của các bé, giúp các bé học được những thói quen và thái độ sống cần có.
Ví dụ như bồi dưỡng cho trẻ sống an toàn cùng thầy cô và bạn bè; chơi các trò chơi, thể thao tăng cường vận động để các em thích thú với việc chơi đùa ngoài trời; làm quen với các hoạt động, sống tập thể, thích cùng ăn cơm với thầy cô và các bạn; học cách sống khỏe mạnh, học các thói quen sống cần thiết như tự mình làm sạch đồ dùng cá nhân, tự mặc quần áo, tự ăn cơm, đi vệ sinh; làm quen với cách sống trong trường mẫu giáo, xây dựng một môi trường sống độc lập đầy hy vọng; học kiến thức quan tâm đến sức khỏe của chính mình, dự phòng các loại bệnh; học các cách an toàn ở nơi nguy hiểm, các trò chơi mạo hiểm và khi xảy ra thiên tai.
Nhật Bản chú trọng bồi dưỡng khả năng tự lực cánh sinh từ trước khi vào tiểu học, dùng những trò chơi, vận động thú vị để nâng cao giáo dục tư duy và sức khỏe của trẻ, cũng như những thói quen ăn uống dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe để đảm bảo sự phát triển của trẻ.
Chiếm vị thế thứ hai trong nền giáo dục trước tiểu học ở Nhật là quan hệ giữa người với người, bồi dưỡng năng lực bao dung, giúp đỡ người khác, tự lập tự cường, quan tâm người khác ở trẻ, giúp trẻ học được thói quen học tập vui vẻ, sống tự lập cũng như có thái độ tin tưởng, cảm thông với người khác.
Ví dụ như dạy trẻ sống vui vẻ cùng thầy cô và bạn bè; tự mình tư duy, tự mình làm việc và thói quen tự làm những việc mình có thể làm được; biết trong lúc chơi game cũng phải hoàn thành công việc; tích cực quan tâm bạn bè, đồng cảm với niềm vui và nỗi buồn của bạn bè, nói ra suy nghĩ của mình với người khác, và cũng chú ý đến suy nghĩ của đối phương; phải nhận ra cái tốt của bạn bè, thích thú khi được hoàn thành những điều thú vị trong game cùng bạn bè; học cách nhận thức được việc tốt và xấu, suy nghĩ kỹ rồi mới làm; đẩy mạnh mối quan hệ với bạn bè, phải biết yêu quý, chú ý đến tầm quan trọng cũng như giữ gìn cuộc sống hòa thuận cùng bạn bè; phải trân trọng yêu quý những thứ đồ chơi dùng chung với mọi người và thiết bị trên sân chơi; quan tâm người lớn tuổi, đồng cảm với họ v.v...
Nhật Bản quan tâm đến việc giữ gìn bản chất tốt của trẻ ở độ tuổi trước tiểu học, bồi dưỡng cho trẻ phẩm chất biết tôn trọng, tin tưởng và đồng cảm. Cuối cùng mới là dạy cho trẻ kiến thức về môi trường tự nhiên, ngôn ngữ, cách diễn đạt…
Các bé trước 6 tuổi ngây thơ trong sáng, không có bất cứ quan niệm nào, giữ gìn thiên tính tốt đẹp của trẻ mới là cốt yếu của giáo dục trước tiểu học.
P.7: Giáo dục an toàn
Ở Trung Quốc, trẻ từ khi sinh ra đến lúc tốt nghiệp đại học, trường học và chính phủ đều không hề xem trọng việc giáo dục an toàn và các phương pháp an toàn, vì vậy liên tục xảy ra những thảm kịch.
Vài năm trước, trang mạng của Mỹ đã bình chọn 10 quốc gia an toàn nhất, tiến hành so sánh dựa trên các tiêu chuẩn như tỉ lệ phạm tội, thiên thai, mức độ tham nhũng, tình hình kinh tế… Nhật Bản giữ vị trí đầu bảng, đây là bởi vì Nhật Bản cực kỳ xem trọng việc giáo dục an toàn và các phương pháp an toàn.
Ở Nhật, để bảo đảm cho sự an toàn của học sinh, từ nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học cho đến đại học đều phải nghiêm túc giáo dục an toàn, ví dụ như dạy về an toàn vệ sinh, phòng bệnh, an toàn khi nghỉ học, phòng tránh tổn thương trong các trường hợp phạm tội…; đồng thời cũng phải tiến hành các chương trình huấn luyện dành cho học sinh như huấn luyện phòng chống thiên tai, tị nạn, chống tội phạm… Ngay cả các bé ở nhà trẻ và mẫu giáo thì mỗi tháng cũng phải có một lần huấn luyện phòng chống thiên tai và tị nạn, giả sử như khi xảy ra động đất, hỏa hoạn, bão, huấn luyện học sinh chạy trốn, cách tự cứu mình trong thời khắc nguy hiểm.
Từ tiểu học đến cấp ba cũng được huấn luyện tị nạn mỗi tháng một lần, đồng thời học thêm những kiến thức phòng chống thiên tai và an toàn như giáo dục giao thông an toàn, cho người thật biểu diễn khi bị thiệt mạng do xảy ra tai nạn xe cộ; phòng tránh tội phạm, cảnh sát trưởng sẽ đến để giảng cho học sinh về sự nguy hại của ma túy, cần sa, xã hội đen, nhóm đua xe, tránh để các em bị người xấu lôi kéo.
Nhật Bản dạy cho trẻ em biết tự bảo vệ mình ngay từ khi còn nhỏ, bởi vì có những đứa trẻ lớn lên an toàn và khỏe mạnh mới có thể khiến đất nước trở nên an toàn. Tuy rằng tỉ lệ phạm tội ở Nhật liên tục giảm trong suốt mười mấy năm qua, nhưng các phương pháp an toàn để phòng tránh bị thương bởi tội phạm cũng ngày một phát triển.
Vài năm gần đây, các trường học ở Nhật yêu cầu mỗi vị phụ huynh đều phải dùng điện thoại đăng nhập vào Ủy ban giáo dục thành phố. Bởi vì sau khi có bất cứ em nhỏ nào gặp tai nạn, nguy hiểm thì lập tức tất cả các phụ huynh đều sẽ nhận được tin nhắn thông báo của Ủy ban: Ở đâu, lúc nào, học sinh của trường nào bị ai đó làm hại hoặc gặp tai nạn…, yêu cầu các phụ huynh chú ý, có biện pháp phòng ngừa. Có khi trong thành phố xảy ra những chuyện phạm tội giết người, sau đó 1 đến 2 giờ đồng hồ các phụ huynh cũng sẽ nhận được thông báo.
Hiệu quả của việc kết nối nhanh chóng này quả thật làm giảm sự nguy hiểm đến mức thấp nhất, giúp các phụ huynnh tăng cường cảnh giác bất cứ lúc nào để tội phạm không có chỗ trốn.
Tất cả các trường học ở Nhật đều là nơi tị nạn đầu tiên, bởi vì đều là những nơi có kiến trúc an toàn, kiên cố nhất. Trong trận động đất Kantō vào năm 1923 ở Nhật, do các trường học đều xây bằng gỗ hoặc ngói, vì vậy rất nhiều trường học bị đổ nát, các em học sinh gặp nạn. Điều này khiến chính phủ Nhật Bản vô cùng đau lòng, với suy nghĩ “tính mạng của học sinh duy trì tương lai của quốc gia”, họ đã quyết định tăng tính chống chịu động đất của các kiến trúc trường học.
Bộ giáo dục Nhật Bản có viết trong văn kiện gia cố trường học: “Trường học là nơi các em học sinh nắm giữ tương lai của Nhật Bản gửi gắm mạng sống của mình”. Câu nói này khiến chúng tôi hiểu rằng vì sao trường học ở Nhật Bản lại giáo dục an toàn nhiều đến vậy, thật sự rất cảm động! Những năm 90 đã đi qua, tuy động đất vẫn còn tiếp diễn, nhưng trường học ở Nhật Bản vẫn luôn là kiên cố và an toàn nhất.
Ngày 16/4 năm nay, ở Kumamoto xảy trận động đất mạnh 7,3 độ richter, tòa nhà lớn của chính phủ thành phố Uto bị sập một phần và lung lay. 13 năm gần đây, bởi vì tài chính của thành phố Uto gặp khó khăn, nên chỉ có thể nhường cơ hội gia cố phòng chống động đất cho trường học, ưu tiên gia cố trường học, bảo vệ học sinh. Tôi không thể không cảm thán: Nếu như trường học và chính phủ Trung Quốc cũng được vậy thì tốt biết mấy!
Phần 8: Giáo dục tiết kiệm năng lượng
Tuy kinh tế của Trung Quốc đã phát triển, nhưng lãng phí tài nguyên, phá hủy thiên nhiên bằng cách chặn sông xây đập, đào núi khai thác khoáng sản, lấp hồ xây nhà ở, gây nhiều tai họa cho dân tộc Trung Hoa. Tất cả những điều này không khỏi khiến người ta suy ngẫm lại phương thức giáo dục “cải tạo tự nhiên, chiến thắng thiên nhiên” của Trung Quốc.
Người Trung Hoa xưa có câu “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, thuận theo tự nhiên, cảm tạ tự nhiên mới có thể để lại tài phú vô hạn cho con cháu sau này.
Nhật Bản đất chật người đông, tài nguyên thiếu thốn, vừa phát triển kinh tế vừa kết hợp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Học sinh Nhật Bản từ nhỏ đã biết làm cách nào để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ thiên nhiên.
Khi tôi lần đầu tiên đến Nhật Bản, tôi đã rất đau đầu với việc vứt rác, thường xuyên bị trả rác về do phân loại sai. Ở Nhật, rác thải được chia thành rác đốt được, rác không đốt được, rác tái chế, rác nguy hại, rác lớn… Đặc biệt là rác tái chế, nhất định phải rửa sạch thì mới được vứt. Ví dụ như quần áo cũ phải giặt sạch sẽ, gấp gọn gàng, gói lại rồi mới vứt, sau đó nhà nước thu hồi về sẽ quyên góp cho các quốc gia nghèo khác. Vỏ thức ăn, nước uống như chai thủy tinh, lon, chai nhựa, hộp nhựa… cũng phải sửa sạch sẽ rồi mới vứt đi, nếu không bên trong sẽ sinh ra mùi hôi thối.
Ý thức phân loại rác và tiết kiệm năng lượng của người dân Nhật Bản rất mạnh, trên đường không hề có thùng rác, nhưng lại rất sạch sẽ, không có ai vứt rác bừa bãi. Ở Nhật, từ tiểu học đã phải học những kiến thức phân loại rác, quá trình lọc sạch nước, học sinh học ngoại khóa bên ngoài trường đều phải tham quan nhà máy rác, trung tâm lọc nước, để các em hiểu được sau khi môi trường sống bị ô nhiễm và phá hủy thì sẽ mang đến vô số tai họa cho đất nước và người dân.
Giáo viên cũng phải dạy cho học sinh các kiến thức về việc tái sử dụng rác thải, đạt đến việc giáo dục tiết kiệm năng lượng. Ví dụ như trong bữa trưa của học sinh trung học và tiểu học đều có sữa, mỗi ngày đều sẽ có một lượng lớn hộp sữa, học sinh phải xé hộp sữa ra, sửa sạch sẽ, phơi khô, sau đó nhân viên sở giáo dục sẽ mang những hộp sữa này về để làm thành sách giáo khoa phát lại cho học sinh (tiểu học và trung học là bắt buộc ở Nhật, sách giáo khoa được phát miễn phí cho học sinh). Có trường học cho các em học sinh giặt sạch giày thể thao cũ, không cần dùng nữa, sau đó nộp cho giáo viên, nhà trường sẽ gửi cho các quốc gia nghèo.
Sau khi con tôi học xong tiểu học, tôi cũng đã học được rất nhiều kiến thức tiết kiệm năng lượng. Một ngày sau khi ăn cơm tối xong, tôi rửa chén ở nhà bếp, khi đang định đổ một cái chén canh đi thì con trai tôi đột nhiên nói: “Mẹ ơi, mẹ có biết là một chén canh này cần phải dùng đến bao nhiêu nước được lọc tinh khiết không ạ?”. Tôi nghĩ một lúc rồi nói: “Mẹ không biết”. Rồi con tôi nói tiếp: “Mẹ nên đổ nước canh vào một cái túi, sau đó bỏ vào chỗ rác đốt được, như vậy thì có thể tiết kiệm được rất nhiều tài nguyên nước đấy ạ”. “Phiền thật đấy!”, nói xong tôi đổ chén canh đi và nhanh chóng rửa sạch chén.
Ngày hôm sau khi rửa chén, vừa định đổ dầu thừa đi thì con tôi lại chạy đến nói: “Mẹ ơi, muốn rửa sạch được số dầu này phải cần rất nhiều nước đấy ạ! Mẹ phải dùng giấy lau sạch, bỏ vào thùng rác đốt được, sau đó mới rửa lại bằng nước, như vậy thì có thể tiết kiệm được rất nhiều nước, bởi vì tài nguyên nước trên trái đất càng ngày càng ít rồi ạ”. Tôi tò mò hỏi: “Sau con biết được nhiều điều vậy?”. Thằng bé nói: “Giáo viên ở trường nói cho con biết ạ, con còn được học cách tiết kiệm điện nước, bảo vệ môi trường nữa ạ”. Con trai vừa nói vừa dạy cho tôi.
Sau này tôi mới hiểu rằng vì sao Nhật Bản lại sạch sẽ đến vậy. Việc giáo dục tiết kiệm năng lượng chẳng những có thể bảo vệ môi trường, quê hương, trái đất mà còn có thể giúp các em nhỏ biết cách quý trọng những thứ đang có, cũng như biết suy nghĩ cho người khác.
P.9: Giáo dục gia đình
Có rất nhiều người “con một” trong gia đình Trung Quốc đều là cậu ấm, cô chiêu, phụ huynh và giáo viên chỉ quan tâm đến học tập mà bỏ quên việc giáo dục cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, cho nên sau khi lớn lên sẽ không biết hiếu kính với cha mẹ, cũng không biết tự lực cánh sinh.
Ở Nhật Bản, ngoài dạy kiến thức và văn hóa ra thì còn chú trọng đến việc bồi dưỡng kỹ năng sống của học sinh. Từ tiểu học đến cấp ba đều được học “môn gia đình”.
Thông qua thực tế, học sinh sẽ trải nghiệm những việc như ăn uống, đi lại để học kiến thức cơ sở và kỹ năng cơ bản trong cuộc sống, giúp các em học sinh biết quý trọng cuộc sống gia đình, bồi dưỡng thái độ của các em khi là một thành viên trong gia đình. Vì thế các em nhỏ đã có thể sống độc lập từ đại học, tự mình vay tiền trả học phí, tự mình đi làm trả khoản vay, thậm chí là kết hôn, mua nhà cũng đều tự lo, không dựa vào cha mẹ.
Học sinh phải hiểu được mối quan hệ giữa sự trưởng thành của bản thân với gia tộc, sự quan trọng của cuộc sống gia đình đối với sự trưởng thành của chính mình; mối quan hệ giữa gia đình và công việc, mỗi gia đình đều phải đi làm thì mới có thể nuôi sống chính mình và người thân, bản thân phải chia sẻ những công việc trong gia đình, dùng thời gian một cách có hiệu quả để giúp đỡ người thân; mối quan hệ giữa gia tộc và hàng xóm, phải biết sống vui vẻ cùng cộng đồng, và phải hòa hợp với hàng xóm. Mỗi khi đến ngày lễ cha mẹ hay sinh nhật, tôi đều sẽ nhận được những món quà nhỏ do chính tay các con làm.
Việc học các kiến thức và kỹ năng đời sống có thể dùng vào cuộc sống thực tế. Học sinh phải biết tầm quan trọng và tác dụng của việc ăn uống, tập thói quen ăn uống vui vẻ; sự cần thiết của các thành phần dinh dưỡng, chức năng, đặc trưng dinh dưỡng của thực phẩm và những loại thực phẩm nào kết hợp với nhau; kiến thức nấu ăn cơ bản, phân lượng, trình tự khi chế biến nguyên liệu, những kiến thức như rửa, cắt, nêm nếm, luộc, xào, chiên… và cả những kiến thức an toàn và vệ sinh khi sử dụng dụng cụ làm bếp; các kiến thức mua bán trong cuộc sống, học cách mua đồ và dùng tiền, cách mua sắm có kế hoạch, cách chọn mua đồ; phải suy nghĩ đến mối quan hệ giữa cuộc sống của chính mình và môi trường xung quanh, những thứ gì không dùng được.
Các con tôi sau khi học món ăn các nước sẽ về nhà làm cho tôi nếm thử. Sau khi tham quan và học tập ở các cửa hàng, các con cũng sẽ phân biệt những thứ nào không nên mua nhiều để tránh gây lãng phí.
Cuối cùng còn phải học cách ăn mặc và sống thoải mái để cuộc sống gia đình trở nên tốt đẹp hơn. Học sinh phải học cách mặc và giữ gìn quần áo: tác dụng của quần áo, cách mặc áo thường ngày, cách giữ gìn quần áo, cách đơm nút áo, cách sống thoải mái: dọn dẹp gọn gàng, quét dọn sạch sẽ nhà ở, lựa chọn cách sống thoải mái theo sự thay đổi mùa; làm ra những sản phẩm có ích trong cuộc sống gia đình như vải, đồ gỗ, đồ gốm; sản phẩm vải có thể chia thành 2 loại là thủ công và bằng máy. Các con tôi mua vải mà chúng thích rồi may tạp dề, quần áo hay vớ có bị hư thi sẽ tự tay sửa thủ công.
Vào kì nghỉ, các con cũng phải viết thời gian biểu học tập và nghỉ ngơi, mỗi ngày đi học, làm việc nhà, giải trí… Cha mẹ viết lời phê bình sau đó gửi cho giáo viên. Bỏ rác, gấp quần áo, phơi quần áo, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm tối… ba đứa con tôi chia nhau những việc này thì tôi có thể yên tâm đi làm.
P.10: Giáo dục trẻ sơ sinh
Gia đình là đơn vị nhỏ nhất của xã hội, trong đó bao gồm đơn vị nhỏ hơn là mỗi cá nhân. Con người sau khi sinh ra nếu như không được giáo dục mà nói chuyện, hành xử một cách tùy tiện thì sẽ chẳng khác gì động vật. Để các con có được thái độ sống như người bình thường thì cần phải bắt đầu từ giai đoạn giáo dục cơ bản nhất – bắt đầu từ việc giáo dục hành vi cho trẻ sơ sinh.
Ngày nay, các bậc phụ huynh có khi bởi vì công việc quá bận rộn, áp lực tinh thần quá lớn mà dẫn đến việc không cho con trẻ sự giáo dục cơ bản, thậm chí là ngược đãi trẻ em, điều này gây tổn thương rất lớn đến trẻ. Nhật Bản rất xem trọng việc giáo dục trong gia đình, dẫn đầu là việc cha mẹ giáo dục về 7 phương diện ngay từ giai đoạn trẻ sơ sinh.
Đầu tiên là tính quan trọng của gia đình, gia đình là nơi trẻ học tập, sinh hoạt. Bạn nghĩ nguyện vọng lớn nhất của trẻ về gia đình là gì? Chính phủ Nhật Bản đã làm một cuộc điều tra với các bé: “Em kỳ vọng gì ở gia đình?”. Dù là trẻ ở độ tuổi nào thì câu trả lời nhiều nhất đó là: “Tất cả mọi người trong gia đình đều được sống hạnh phúc”. Một việc đương nhiên như thế vậy mà lại trở thành nguyện vọng khó thực hiện của trẻ. Cha mẹ không chỉ cho con trẻ những thứ vật chất cần thiết mà còn phải cho các con một cuộc sống gia đình an tâm, vui vẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Vì thế làm cha mẹ, vì con cái, vì chính bản thân mình, hãy nhìn lại gia đình mình, nghiêm túc suy nghĩ về nguyện vọng của con trẻ, tạo nên một cuộc sống gia đình vui vẻ, bình yên.
Nếu như cha mẹ không thể quý trọng bản thân thì sẽ không thể quý trọng con cái của mình. Nuôi dạy con trẻ là một việc vô cùng quan trọng, nếu cứ chăm chú chăm sóc con từng li từng tí cả một ngày trời thì các bậc phụ huynh nhất định là sẽ rất mệt mỏi, đặc biệt là về mặt tinh thần, điều này sẽ tác động đến các con. Bởi vì nuôi dạy con cái rất cực khổ, cho nên cha mẹ phải sắp xếp thời gian cá nhân hợp lý, và phải giữ tâm lý khỏe mạnh cũng rất quan trọng. Khi quá mệt mỏi, phiền não thì hai vợ chồng có thể giúp đỡ nhau luân phiên chăm sóc con, hoặc nhờ người khác giúp chăm con để bản thân nhanh chóng hồi phục.
Ngoài ra, đừng một mình phiền não chuyện dạy dỗ con cái, bạn có thể đến trung tâm tư vấn giáo dục gia đình, trung tâm sức khỏe, trung tâm tư vấn nhi đồng để xin sự trợ giúp, mạnh dạn nói ra những khó khăn và phiền não mà mình gặp phải trong việc dạy dỗ con cái, nhưng đừng quá ép buộc bản thân. Trong một gia đình mà cha mẹ luôn tươi cười hạnh phúc thì trẻ mới có thể cảm thấy hạnh phúc.
Dạy dỗ con cái là việc của riêng người mẹ – nếu suy nghĩ như thế này là sai lầm. Trong thời gian người vợ mang thai sẽ có những phản ứng như nghén, bụng lớn hơn khiến nhiều hành động bị bạn bè chế giễu chê cười, tâm trạng dễ trở nên bất an, sự ủng hộ hết lòng của người chồng là cực kỳ quan trọng. Trong thời gian này phải chuẩn bị tốt tâm lý làm cha mẹ, hỗ trợ lẫn nhau là sợi dây gắn bó mạnh mẽ nhất của vợ chồng.
Bên cạnh đó, có rất nhiều những người cha phó thác hoàn toàn trách nhiệm nuôi dạy con cái cho người mẹ, họ có rất ít cảm giác trách nhiệm trong gia đình. Không có sự thấu hiểu và giúp đỡ của người cha đối với việc nuôi dạy con cái thì sẽ dẫn đến việc gánh nặng và lo lắng của người mẹ tăng lên, đồng thời cũng làm cho quan hệ mẹ con vô cùng thân thiết, quan hệ cha con lại rất xa lạ. Vì thế làm cha làm mẹ, là vợ chồng thì phải cùng nhau nuôi dạy con cái, quan tâm đến sự trưởng thành của con, người cha phải tích cực đảm nhiệm vị trí của mình trong gia đình.
P.11: Giáo dục gia đình
Giáo dục gia đình của Trung Quốc và Nhật Bản có rất nhiều những điểm khác biệt, từ cách sử dụng ngôn từ của các bé là có thể thấy được sự khác biệt này. Rất nhiều bậc phụ huynh ở Nhật thường dùng kính ngữ hoặc những từ ngữ nho nhã khi giáo dục con trẻ, vì thế sau khi các em lớn lên cũng sẽ không dùng ngôn từ thô tục.
Ngày nay, các bậc phụ huynh đôi khi do công việc bận rộn, áp lực tinh thần lớn dẫn đến việc không thể cho con mình một sự giáo dục từ cơ bản, thậm chí còn ngược đãi trẻ, điều này gây tổn thương vô cùng lớn đối với trẻ. Nhật Bản rất xem trọng giáo dục gia đình, vận động cha mẹ giáo dục con cái từ tuổi sơ sinh theo 7 phương diện.
Gia đình là nơi mà con trẻ sống và học tập. Giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái nên thường xuyên trò chuyện với nhau, điều này là sợi dây liên kết gia tăng tình cảm gia đình, tốt nhất là duy trì mối quan hệ “không có gì không thể nói ra được”. Ví dụ như: “Để chào đón trẻ trở thành thành viên mới trong gia đình, từ nay về sau phải xây dựng một gia đình như thế nào? Phải nuôi dạy con ra sao?” thì giữa hai vợ chồng phải có sự trao đổi.
Để tăng cơ hội trò chuyện cùng nhau, cha mẹ nên cố gắng cùng ăn cơm với con, hai bên trò chuyện về những việc đã xảy ra trong một ngày hoặc cùng con làm việc nhà, tập thể dục, giải trí, tham gia những hoạt động công ích ở cộng đồng… Đây đều là cơ sở quan trọng của gia đình. Thái độ tích cực của cha mẹ nhất định sẽ truyền sang cho con cái.
Với những gia đình đơn thân hay cha mẹ đều đi làm, người lớn phải vừa làm việc vừa nuôi con, dần dần thời gian dành cho con cái sẽ ít đi. Thế nhưng mong muốn nỗ lực để chăm sóc con thật tốt, vì tương lai tươi đẹp của con hẳn sẽ khiến các con đồng cảm, hiểu được sự hy sinh của cha mẹ.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ đừng tự mình ôm giữ những sự phiền não, cố gắng nhờ sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè hay những cơ quan dịch vụ tư vấn, những người hỗ trợ giáo dục con cái hoặc các trang web tư vấn dạy con để tích cực nuôi dạy con cái.
Cách sinh hoạt của cha mẹ là sự giáo dục tốt nhất dành cho con trẻ, phải để con nhìn thấy rằng cha mẹ đang cố gắng để tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn.
Vì các con, cha mẹ phải thay đổi từ chính bản thân, không chỉ suy nghĩ đến lợi ích của mình mà còn phải nghĩ cho gia đình, và thậm chí là lợi ích của toàn xã hội. Các con sẽ học được cách nỗ lực, dũng cảm đối diện, chấp nhận thử thách từ cha mẹ và trở thành nhân tài cần thiết trong xã hội, cùng góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Nguồn: Trang Tri Thức VN
Ảnh: Flickr
Leave a Comment