DẠY TRẺ TỰ BẢO VỆ MÌNH - B2


Bài 2: Dạy trẻ không để người khác đụng chạm vào người.

Chúng ta thường thấy, trong các vụ xâm hại trẻ em, thiếu niên thì trẻ thường không biết cách phản kháng. Vụ việc ở trường dân tộc nội trú ở Phú Thọ vừa qua là một trong những trường hợp trẻ không biết, không thể phản kháng, không thể kể với ai. Điều này làm cho trẻ bị xâm hại nhiều lần và nhiều trẻ khác tiếp tục trở thành nạn nhân. Đây là một điều hết sức đau lòng bởi nó để lại di chứng nặng nề cho trẻ về thể chất và tâm hồn. Những di chứng tổn thương này sẽ ảnh hưởng đến tính cách và xu hướng tình dục của trẻ sau này. Đó là một nỗi ám ảnh khó lòng gột bỏ.
Tại sao trẻ không phản kháng?
Người lớn thường thắc mắc và đặt câu hỏi tại sao trẻ không phản kháng khi biết chuyện. Có rất nhiều lý do. Mỗi lý do là một nguyên nhân mà nếu ta phân tích cho đầy đủ thì thấy lỗi hoàn toàn thuộc về người lớn đã sai trong tư duy trong cách giáo dục.
1, Trẻ sợ nên bị tê liệt sức phản kháng. Nguyên nhân của nỗi sợ này là gì? Là khi chúng mới bé tí chúng ta đã gieo rắc vào đầu chúng những nỗi sợ mơ hồ, đã hù dọa chúng đủ các kiểu, không hề dạy chúng cách vượt qua nỗi sợ. "Mày không ngủ, mẹ kêu ông ba bị bắt đi luôn." "Ăn đi, không ăn ông kẹ bắt bây giờ." "Sợ bố hay sợ mẹ?" Kèm theo đó là phùng mang trợn mắt quát tháo ầm ĩ lấn át bằng uy quyền để bắt trẻ phải phục tùng. Trẻ trở thành đứa nhút nhát, sợ hãi đủ thứ từ cái mơ hồ cho đến ba mẹ. Khi đi học, thầy cô tiếp tục gieo rắc nỗi sợ bằng quát tháo, roi vọt và được hỗ trợ bởi chính bố mẹ trẻ.
Ba mẹ thường khoái chí khi thấy con mình sợ ai đó trong nhà hoặc sợ cô, thầy, cứ nghĩ rằng nỗi sợ sẽ làm trẻ nghe lời. Đúng. Nỗi sợ làm trẻ nghe lời, kể cả khi nó bị xâm hại. Bạn không thể bảo trẻ phải sợ mình mà lại không được sợ khi người khác xâm hại nó. Đó là một đòi hỏi vô lý cũng giống như khi bạn đánh mà cấm trẻ khóc vậy. Những kẻ xâm hại trẻ em luôn dùng cách hù dọa, gieo rắc nỗi sợ vào đầu trẻ làm cho trẻ không còn sức phản kháng. Một đứa trẻ được dạy bảo yêu thương đúng cách, không hù dọa thì nó sẽ không bị nỗi sợ làm cho tê liệt.
2, Trẻ không biết cách phản kháng. Nguyên nhân là do bố mẹ không dạy trẻ cách phản kháng đồng thời triệt tiêu mọi mầm mống phản kháng của trẻ ngay từ bé. Cái phản kháng mà tôi nói ở đây nó rộng hơn là chỉ dạy trẻ phản kháng theo nguyên tắc năm ngón tay. Bạn dạy trẻ nguyên tắc năm ngón tay nhưng bạn lại dập tắt mọi phản kháng của trẻ trong những việc khác bằng roi vọt, quát nạt, uy quyền thì nguyên tắc năm ngón tay trở thành vô dụng.
Trẻ không thích ăn cá và từ chối món cá bạn nấu, bạn không tìm ra cách chế biến khác để tạo cảm giác ngon miệng cho trẻ để trẻ ăn cá, bạn quát nạt bắt nó ăn cho bằng được. Cái sự phản kháng nhỏ nhoi chính đáng của trẻ bị bạn dập tắt bằng bạo lực.
Trẻ không muốn chào người này hoặc người kia, không muốn lại gần hay ôm hôn một người nào đó, đơn giản vì trẻ không thích người đó. Bạn quát nạt trẻ, ép trẻ phải chào phải ôm phải hôn, mắng chúng hư. Bạn không thích tôi thì bạn có muốn ôm hôn tôi không? Không. Tại sao bạn lại ép trẻ làm điều đó? Bạn sợ người ta cười chê con bạn không ngoan ư? Bạn có thấy vô lý khi sợ cái miệng lưỡi của người khác hơn là nghĩ và tôn trọng cảm xúc của con bạn không? Khi ép trẻ chào hỏi, ôm hôn người mà trẻ không thích là bạn đã triệt tiêu sự phản kháng của trẻ và đồng thời vô hình chung gieo sự mâu thuẫn vào đầu trẻ, bắt nó phải chấp nhận điều nó không muốn. Thế thì trẻ làm sao có thể phản kháng khi bị kẻ xâm hại ép buộc?
Khi bắt trẻ phải ngoan, phải nghe lời trong mọi việc, đúng sai gì cũng phải nghe, trẻ cãi thì bị quát, mắng, đánh là ta đã giết chết ý chí phản kháng của trẻ ngay khi nó vừa mới hình thành. Bạn dạy trẻ nguyên tắc năm ngón tay, trẻ chỉ học thuộc như con vẹt chứ không thể áp dụng cho chính trẻ.
3. Trẻ mất niềm tin. Trẻ em sau khi bị xâm hại thường im lặng, không kể với ai. Điều này làm cho kẻ xâm hại có thể tiếp tục thực hiện hành vi nhiều lần với trẻ và với những trẻ khác. Ta thường trách móc chúng tại sao không kể với ta. Ta có tự hỏi vì sao trẻ lại không kể không? Nguyên nhân sâu xa là từ đâu?
Trẻ sợ. Dĩ nhiên rồi. Nhưng đó không phải là nguyên nhân chính. Nguyên nhân chính là trẻ không có niềm tin vào sự bảo vệ của bố mẹ. Một đứa trẻ lúc nào cũng bị quát mắng, bắt phải ngoan không được cãi trong mọi việc, bị đổ thừa trong những việc nó không có lỗi thì sẽ dần mất niềm tin vào sự bảo vệ của bố mẹ. Nó không được tin thì làm sao nó có thể tin ai? Nó luôn bị đổ lỗi thì nó sẽ trở thành đứa thường tự đổ lỗi cho bản thân.
Trẻ chạy nhảy bị té đau, bạn không coi đó là chuyện bình thường mà lại quát mắng, "Bố đã bảo rồi mà tại sao không nghe?" Nghĩa là bạn đang đổ lỗi cho trẻ và vô hình chung đã làm cho trẻ cảm thấy nó không được cảm thông, yêu thương. Khi bị xâm hại, nó cho rằng đó là lỗi của nó. Lỗi thì phải giấu đi. Bởi nó nghĩ nói ra nó sẽ bị trách mắng. Bằng chứng là nó đã bị trách mắng rất nhiều lần trước đó kể cả khi lỗi không phải của nó. Trẻ không tin nó sẽ được bảo vệ. Trẻ không tin nó sẽ được yêu thương, cảm thông bởi trước đó nó không hề cảm nhận được yêu thương, cảm thông.
Trong đoạn clip về vụ việc ở Phú Thọ, cảnh phóng viên phỏng vấn một gia đình của trẻ, gia đình bảo có lần con đòi chuyển trường nhưng không nói lý do, gia đình không chuyển trường cho trẻ, khi phát hiện ra thì trách con không nói. Họ không hề tin con của mình ngay cả khi nó cần sự giúp đỡ và sự tin tưởng nhất. Và rồi họ chồng thêm tổn thương cho trẻ khi trách tại con không nói rõ. Họ không hề trách chính bản thân mình đã không tin con và cố gắng tìm hiểu nguyên nhân sâu xa. Các bạn thấy, đó là cách ứng xử của rất nhiều ông bố bà mẹ Việt.
Một điều nữa, rất nhiều người Việt mắc lỗi tư duy đổ lỗi cho nạn nhân. Một đứa trẻ luôn thấy người lớn đổ lỗi cho nạn nhân thì khi chính nó là nạn nhân nó sẽ giấu nhẹm vì nó không muốn bị tổn thương thêm bởi những lời cay nghiệt. Nó sẽ hoàn toàn mất hẳn niềm tin vào cuộc sống, vào con người.
Ta dạy trẻ tự bảo vệ mình là phải dạy từ những điều căn bản, nền tảng chứ không chỉ dạy phương pháp chống đỡ. Như trên tôi đã cố gắng phân tích, dạy trẻ không để người khác chạm vào người theo nguyên tắc năm ngón tay không chỉ đơn thuần chỉ bắt con học thuộc là được. Ta phải chứng minh cho con thấy nó được yêu, bảo vệ và tin tưởng. Chỉ khi đó nguyên tắc năm ngón tay mới thực sự có hiệu quả, trẻ mới có thể tự bảo vệ và bảo vệ người khác.
Có bạn sau khi đọc loạt bài của tôi nhắn, "Voi bảo dạy trẻ con nhưng tôi thấy đang dạy bố mẹ thì đúng hơn." "Tôi không dám nói tôi dạy người ta làm ba mẹ. Nhưng đúng là ba mẹ Việt cần phải thay đổi tư duy rất nhiều thì mới dạy được con."

Tg: Nguyễn Thị Bích Ngà

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.