DẠY TRẺ TỰ BẢO VỆ MÌNH - B1


Bài 1. Cấm người khác tự tiện đụng chạm vào người trẻ.

Thời gian gần đây truyền thông liên tục đưa tin về những vụ việc trẻ em bị bạo hành thể xác, lạm dụng, xâm hại tình dục. Nó làm cho ta có cảm giác xã hội suy đồi hơn trước. Thực ra việc trẻ em bị đối xử tàn tệ là một việc đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội, không phải đến bây giờ mới nhiều.
Ngày trước phương tiện truyền thông chưa mạnh, chưa phủ khắp như bây giờ nên khi có việc xảy ra nó chỉ có thể lan truyền trong làng trong xã, không thành sự kiện cả nước biết. Nói như thế để thấy vấn đề chúng ta nói đến là việc quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức của tất cả mọi người và nó là hệ quả của triết lý giáo dục sai lầm trải qua nhiều thế hệ.
Chúng ta lo lắng, chúng ta hoảng sợ, chúng ta chửi bới những kẻ bạo hành, lạm dụng, xâm hại trẻ em. Nhưng chúng ta không-chưa làm được gì nhiều để bảo vệ trẻ. Trẻ em vẫn là những cái bị bông cho người lớn trút giận, thỏa mãn. Trẻ em chưa được yêu thương và tôn trọng như chúng xứng đáng được yêu thương, tôn trọng. Việc xảy ra phần lớn là do lỗi của chúng ta.
Nhiều gia đình lo lắng với tình trạng trẻ bị xâm hại nên tìm đến giải pháp tình thế: đưa đón, không đưa đón theo sát được thì cấm đoán. Giải pháp này chỉ giữ được trẻ trong một khoảng thời gian nhất định, không giữ được trẻ mọi lúc mọi nơi. Vì như các bạn đã thấy, bạn đưa trẻ đến cổng trường, đón ở cổng trường, tin rằng trẻ an toàn, nhưng trẻ vẫn có nguy cơ bị bạo hành và lạm dụng, xâm hại ở trong trường bởi chính những người thầy, cô mà bạn và trẻ tin tưởng.
Vậy, để tránh tối đa nguy cơ, bạn buộc phải dạy cho trẻ cách để chúng tự bảo vệ bản thân.

Nguyên tắc số 1: Cấm người khác tự tiện đụng chạm vào người trẻ.

Tôi thấy, các bạn hẳn cũng thấy, người Việt có thói quen rất bệnh hoạn là hay sờ vào người trẻ và bảo rằng đó là yêu. Một bà hàng xóm, một ông họ hàng, ngay cả ông bà nội ngoại khi nựng một đứa trẻ cũng hay đưa tay sờ vào vùng kín của trẻ, nhất là bé trai để "kiểm tra" chim to chim bé.
Trước tới nay người ta coi đó là việc bình thường, cười ha ha, khoái chí, trêu đùa, kể cả khi đứa trẻ khóc họ vẫn sờ và thậm chí khi trẻ không cho thì người lớn còn dùng uy quyền để buộc nó phải chấp nhận. Ba mẹ trẻ thì vì thiếu hiểu biết hoặc vì nể nang mà thường làm ngơ.
Đây là một thói quen bệnh hoạn và ngu xuẩn cần phải bị loại bỏ ngay lập tức. Là bố mẹ, bạn phải CẤM không cho phép bất kỳ ai được đụng chạm vào người trẻ dưới mọi hình thức. Bất kỳ ai muốn ôm trẻ vào lòng phải xin phép. Khi trẻ chưa nói, chưa nhận thức được thì người lớn phải hỏi xin phép bố mẹ, bố mẹ trẻ đồng ý thì mới được ôm, bế trẻ. Khi trẻ biết nói, biết nhận thức thì phải hỏi trẻ. Muốn tỏ thái độ yêu thương với trẻ bằng cách ôm ấp phải xin phép. Điều này tạo cho người lớn thói quen tôn trọng trẻ ngay khi trẻ còn bé.
Hãy nghĩ, một người lớn muốn ôm một người lớn thì hoặc là đã thân thiết lắm, hai là phải hỏi xin phép, nếu thích ôm ai thì ôm chắc chắn bị tát vỡ mặt. Thế thì tại sao một đứa trẻ không được người lớn đối xử như vậy mà cứ ngang nhiên tự tiện? Vì đứa trẻ chưa-không có khả năng tự vệ nên ta muốn làm gì thì làm? Người lớn phải hiểu đó là sự lạm dụng. Tôi thấy có những đứa trẻ không thích bị người khác ôm ấp, nhưng khi nó phản ứng thì người lớn dùng uy quyền buộc nó phải nghe, nếu nó kêu khóc thì quay ra đánh mắng bảo nó hư. Cần phải chấm dứt việc coi trẻ là con thú nhồi bông của mình.
Đừng sợ người khác bảo rằng bạn khó tính. Đừng sợ họ chê, "Xời, thấy dễ thương muốn nựng chút cũng hổng cho, làm như báu lắm ấy..!" Hãy biết kệ mẹ họ. Con của bạn chính xác là báu vật của bạn, hãy giữ gìn nó và buộc người khác phải biết cư xử đúng mực với nó. Đừng vì nể nang bất kỳ một ai mà để họ tự tiện với báu vật của mình. Hãy nhớ, khi ta dễ dãi thì trẻ mới là người bị tổn thương chứ họ thì chẳng hề hấn gì.
Khi bạn cấm người khác tự tiện đụng chạm vào người trẻ là đồng nghĩa bạn đang chứng minh cho con bạn thấy sự quan trọng của con và con được bố mẹ bảo vệ. Cần tuyệt đối tránh việc ép trẻ ôm hôn ai đó mà nó không thích bởi việc đó sẽ làm cho trẻ mất niềm tin vào sự bảo vệ của bố mẹ.

Nguyên tắc đầu tiên này nếu bạn không làm, thì nếu lỡ trẻ bị bạo hành, quấy rối, xâm hại: đó là lỗi của bạn.

Tg: Nguyễn Thị Bích Ngà

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.