THIÊN TRÌ THẤU GIẢI


THIÊN TRÌ THẤU GIẢI

La kinh thấu giải viết: “Sở dĩ lập ra có qui củ (khuôn mẫu) quyền cái, khinh trọng, thành ra vuông, tròn, chẳng cái gì mà không do cái Kim Châm (kim vàng chỉ nam, bắc) và cái Thiên Trì (vòng tròn). Trước hết để định về Phong Thủy, giả sử cái La Kinh mà không có Thiên Trì, thì không quyết định được phương Tý, Ngọ; không phân biệt được Âm Dương; không hoạch định được Bát Quái, Cửu Cung ; Ngũ Hành lẫn lộn, không sử dụng được 2 đầu mối của Can Chi; không biết được Long, Hướng, Khí, Mạch hay dỡ thế nào, lấy gì mà làm căn cứ? Vậy nên phải có Kim Châm ở trong vòng Thiên Trì. Động thì Dương, Tĩnh thì Âm. Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, phân ra Bát Quái; định vị Cát Hung, tự nhiên hóa hóa, sinh sinh, vô cùng vô hạn”
Vậy vòng thiên trì là cái gì mà quan trọng vậy?
Ngày xưa cổ nhân chế la kinh rất đơn giản, họ dùng một dụng cụ đổ đầy nước và thả vào đó một cây kim bằng sắt đã từ hóa, chiếc kim nổi trên mặt nước và chỉ rõ hướng bắc nam, dựa vào đó mà định bát quái cửu cung…Vật chứa cây kim đó người ta gọi là “thiên trì” (ao trời), còn cây kim thì gọi là “phù châm” (kim nổi). Thiên trì là bộ phận không thể thiếu trong một cái la bàn, trong đó phù châm là vật quyết định để chỉ ra phương hướng. Chất lượng của phù châm ảnh hưởng đến độ chính xác khi nó chỉ nam, mà chất lượng lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Phương pháp chế tạo, từ lực, môi trường, người sử dụng …
Vậy kim la bàn nói chung và kim la kinh nói riêng (phù châm) được chế tạo như thế nào? Về lý thuyết tất cả các loại vật liệu có tính thẩm từ (nhiễm từ) đều có thể chế ra kim la bàn như: oxitsắt, sắt, thép nghèo cac bon, coban, crom, niken, silic…Thường người ta chọn vật liệu dễ gia công, có độ thẩm từ cao, từ lực bền. Đời thượng cổ người ta dùng thạch từ (đá từ), thiết từ (sắt từ). Thạch từ chính là quặng oxitsắt, nó thuộc loại nam châm vĩnh cửu nhưng có từ lực rất yếu, khó gia công thành các loại kim để làm phù châm. Điển hình cho cách chế tạo cổ sơ nhất của loại vật liệu này là người ta đẽo gọt cục đá từ thành hình một cái muôi múc canh, sau đó đặt ngửa nó lên cái mâm bằng đồng hoặc bằng gỗ, cán muôi quay về đâu thì định đó là phương nam. Độ chính xác của phương pháp này không cần bàn cãi nữa. Về sau, khi phát hiện ra tính nhiễm từ của sắt (thiết từ) người xưa đã dùng sắt để tạo ra kim la bàn, thay bằng cho chiếc kim nổi trên mặt nước họ chế cho cây kim xoay tự do trên một cái trục đỡ. Phương pháp này vẫn được giữ cho đến ngày nay, nhưng thuật ngữ “thiên trì” và “phù châm” vẫn được dùng trong chế tạo và sử dụng la kinh, mắc dù chúng chẳng có “phù, trì” gì cả.
Trong thời hiện đại để chế tạo kim la bàn người ta vẫn phải dùng các phương pháp cổ xưa trên, đó là: một là dùng thạch từ, hai là dùng thiết từ. Kim la bàn tốt nhất là được chế tạo từ nam châm vĩnh cửu.
Thạch từ như trên đã nói, trong tự nhiên nó là một loại quặng oxitsắt được lấy trong các mỏ quặng, tuy nó là một loại nam châm vĩnh cửu nhưng từ lực yếu nên không dùng. Nam châm vĩnh cửu ngày nay sử dụng công nghệ kết dính và các bột hợp kim (phương pháp chế tạo nam châm vĩnh cửu các bạn tham khảo tại đây: http://namchamtoancau.com/…/cach-che-tao-nam-cham-vinh-cuu.…). Như vậy việc chế tạo ra một cây kim la kinh như hiện nay bằng vật liệu nam châm vĩnh cửu là rất khó, nếu có chế tạo được thì giá thành cũng rất cao và không thể sản xuất thương mại được. Loại kim này có ưu điểm vượt trội là không bị từ hóa, không bị khử từ, từ lực rất mạnh, không bị yêú đi theo thời gian, trong bất cứ môi trường nào (trừ nung nóng ở nhiệt độ cao).
Để thay thế phương pháp này người ta dùng vật liệu từ mềm (vật liệu sắt từ mềm), đây là loại vật liệu rẻ tiền nhất, dễ chế tạo nhất, có thể tạo ra các loại hình dạng tùy theo ý muốn. “Với đặc tính dễ từ hóa, dễ khử từ (các bạn lưu ý 2 đặc tính này nhé) vật liệu sắt từ mềm thường được làm vật liệu hoạt động trong trường ngoài, ví dụ như lõi biến thế, lõi nam châm điện, các lõi dẫn từ…” (sách đã dẫn).
Trên thị trường hiện nay các loại kim la bàn, kim la kinh đều được chế tạo từ loại vật liệu này. Ở Việt Nam 100% thiên trì nhập từ Trung Quốc về để lắp ráp la kinh cũng không ngoại lệ.
Để chế tạo các bộ phận máy móc thì các tính chất của loại vật liệu từ mềm là ưu việt, nhưng để chế tạo dụng cụ đo lường như kim la kinh chẳng hạn thì các tính chất như : dễ từ hóa, dễ khử từ lại trở thành yếu điểm.
Tại sao lại là yếu điểm?
Vật liệu từ mềm có tính từ hóa cao vì vậy độ từ thẩm cũng rất cao, nó có độ từ thẩm cực đại “Là giá trị cực đại của độ từ thẩm trong toàn dải từ trường từ hóa. Trên thực tế, nếu từ trường ngoài vượt ngưỡng (đủ để quá trình từ hóa vượt qua quá trình từ hóa ban đầu (xảy ra bước nhảy Barkhausen) thì giá trị độ từ thẩm sẽ đạt cực đại, sau đó sẽ giảm dần khi vật liệu tiến tới trạng thái bão hòa từ”. (sách đã dẫn)
Người ta từ hóa kim la bàn đến giá trị cực đại của độ từ thẩm để duy trì mức từ lực cao nhất “Giá trị độ từ thẩm ban đầu rất có ý nghĩa trong việc sử dụng các vật liệu sắt từ mềm vì vật liệu từ mềm rất dễ bão hòa và cần sử dụng trong từ trường nhỏ”. (sách đã dẫn). Kim la bàn có từ lực rất yếu và mỏng manh do khối lượng nhỏ, vì vậy độ từ thẩm cực đại rất dễ bị bão hòa trong môi trường có từ trường kể cả lớn hoặc nhỏ, khi đó từ lực của kim la bàn dần bị triệt tiêu và biến thành từ thiên.
Yếu điểm thứ 2 là dễ bị khử từ, vì làm bằng loại vật liệu từ mềm, từ trường có được thông qua thẩm từ (từ hóa), chứ nó không phải là một loại nam châm vĩnh cửu nên rất dễ bị khử từ (mất từ) do tiếp xúc với các vật liệu có tính thẩm từ. Khi ở gần các loại vật liệu có tính thẩm từ nhưng chưa bị từ hóa (từ trường xấp xỉ bằng 0) thì kim la bàn lập tức bị khử từ, mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách, khối lượng của vật liệu đó đối với kim la bàn. Khi kim bị khử từ thì từ lực sẽ giảm dẫn đến từ thiên.
Như vậy kim la bàn hoạt động thiếu chính xác do các nguyên nhân chủ yếu sau:
- Từ thiên do vị trí địa lý (không lớn lắm)
- Từ thiên do vượt giá trị cực đại của từ thẩm bị bão hòa
- Từ thiên do bị khử từ
- Hoạt động của kim bị cản trở do oxy hóa trục đỡ kim tạo thành ma sát.
Các nguyên nhân này bằng mắt thường không thể biết được, muốn kiểm tra thì phải có dụng cụ chuyên dụng để test. Việc dùng một vật kim loại đưa vào gần kim nam châm để kiểm tra chất lượng của kim là hoàn toàn kém hiểu biết. Cách làm này chỉ kiểm tra được khoảng cách ảnh hưởng đến sự chuyển động của kim la bàn khi nó ở cách các vật liệu có tính thẩm từ mà thôi, chứ không kiểm tra được các yếu tố khiến cho kim la bàn bị từ thiên. Khi đưa các dạng vật liệu có tính thẩm từ đến gần kim la bàn sẽ có 2 trường hợp xảy ra
- Kim la bàn lay động
- Kim la bàn đứng im
Ở trường hợp thứ nhất, do loại vật liệu dùng để thử đã bị nhiễm từ, nó trở thành một thanh nam châm, thanh nam châm này sẽ hút hoặc đẩy thanh nam châm thứ 2 là chiếc kim la bàn khiến nó dịch chuyển.
Trường hợp thứ 2, nếu vật liệu đó là loại vật liệu đã được khử từ thì nó không phải là một thanh nam châm, nó không có từ tính, vì vậy nó chẳng hút, đẩy gì cái kim kia, vì vậy kim vẫn đứng im.
Như vậy đừng dựa vào sự chuyển động cơ học do tác động của trường ngoài mà đánh giá chất lượng và độ chính xác của kim la bàn. Chính “từ hóa” và “khử từ” mới là kẻ từ từ giết chết chiếc kim la kinh của bạn mà bạn không nhìn thấy, không làm cách nào biết được.
Đồng hồ đeo tay cơ học, khóa dây lưng… đều được chế tạo từ hợp kim, trong đó có nhiều kim loại có tính thẩm từ, vì vậy chúng vẫn bị nhiễm từ bình thường trong quá trình bạn sử dụng (tham khảo đồng hồ bị nhiễm từ tại đây: http://donghohaitrieu.com/…/dong-ho-bi-nhiem-tu-va-cach-khu…). Vậy là khi nó bị nhiễm từ thì nó sẽ làm cho giá trị cực đại từ thẩm của kim bị bão hòa, còn khi nó đã được khử từ sạch sẽ thì lại đóng vai là vật liệu dùng khử từ cho kim la kinh. Hai trường hợp trên đều ảnh hưởng đến từ thiên của kim như trên đã giải thích. Sự ảnh hưởng nặng nhẹ còn tủy thuộc vào thời gian, cự ly tiếp xúc, khối lượng của vật liệu tiếp xúc…chứ không phải là tuyệt đối không có. Sự ảnh hưởng này còn tăng lên khi trục đỡ của kim la kinh bị oxy hóa, cong vênh, làm tăng độ ma sát cản trở sự linh hoạt của cây kim, khiến nó hoạt động càng mất chính xác.
Như vậy là đã rõ! Không chỉ có đồng hồ đeo tay, khóa dây lưng mà bất cứ vật liệu nào có tính chất thẩm từ, vật liệu có sẵn từ trường mà để gần hoặc tiếp xúc với kim la kinh được chế tạo từ vật liệu từ mềm đều ảnh hưởng đến từ lực của nó.
Tác giả xin lưu ý các bạn! Nếu các bạn đeo đồng hồ thì khi bạn cắp chiếc la kinh đi làm việc, hoặc đứng tạo dáng để chụp ảnh, vô tình bạn sử dụng cánh tay có mang đông hồ làm việc này thì chiếc đồng hồ của bạn sẽ tiếp xúc đúng vào giữa vòng thiên trì (trừ la kinh tróc long, bạn có thể thử). Chỉ cần 2 đến 3 lần như vậy là kim la kinh của bạn sẽ vứt đi, bất kể là bạn dùng loại đồng hồ gì (chắc trừ chiếc đồng hồ của vua Bảo Đại). Bạn nên thay thiên trì ít nhất là 1 lần trong một năm nếu bạn sử dụng ít.
Kết: Xin cảm ơn bạn Hưng Nguyễn bên nhóm TLPT, chính vì có bài viết của bạn nên mới có bài viết này phục vụ đến quý độc giả.
Tác giả cũng thành thật xin lỗi các vị tự xưng là nhà sản xuất la kinh khi đọc bài này mà cảm thấy xấu hổ vì đã lỡ buông lời khiếm nhã với tác giả.
Bài được “NỔ” tại Quảng Ninh hè năm Đinh Dậu
Mời các quý vị “NỔ” cho vui
Bài “NỔ” hơi dài, mong quý vị chiếu cố, xin đa tạ.
Nguyễn Tiến Dũng

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.