THÁNG BẢY NÓI CHUYỆN VỀ CÁCH ỨNG XỬ VỚI VONG


THÁNG BẢY NÓI CHUYỆN VỀ CÁCH ỨNG XỬ VỚI VONG

(Bài viết mang quan điểm cá nhân, trong đó có dùng từ “chúng ta” nhằm ám chỉ những ai tin có vong)
Tháng bảy ngày rằm, theo truyền thống của người Việt và đạo Phật (quốc giáo) là tháng dành cho cô hồn, xá tội vong nhân. Nhân ngày này chúng ta thử bàn một chút cách mà ngày nay mọi người đang ứng xử với vong. Khái niện về vong, có rất nhiều quan điểm, ở đây chúng ta không lạm bàn. Đối xử với vong, có rất nhiều kiểu, rất nhiều cách, nhìn nhận vấn đề này cũng còn nhiều cái nhìn lệch lạc và mâu thuẫn. “Xá tội vong nhân” cụm từ đã nói nên đầy đủ giá trị nhân văn của dân tộc Việt. Nhưng để hiểu cặn kẽ về căn nguyên tội lỗi của vong thì không mấy ai thông tỏ, đó là tội lỗi nhiều đời nhiều kiếp của vong để lại khi mà vong chưa chuyển hóa được hết nghiệp chướng. Đó là do
“Con xưa đã tạo bao nghiệp ác,
Đều do tam độc thâm, sân, si.
Từ thân, miệng, ý phát sinh ra,
Tất cả đến nay đều sám hối”
(Sám hối văn Kinh Phật)
Khi con người ta chết, thần thức (vong) thoát ra khỏi thể xác, trong lúc này vong rất mong manh yếu ớt như một đứa trẻ, thần thức ngơ ngác chẳng biết đi đâu về đâu. Ngay lúc này cần phải khai thị cho vong để vong nhận thức được mà buông xả mọi cám dỗ ở cõi Ta Bà để chuyển cảnh giới sang một cõi khác. Để khai thị và chuyển cảnh giới cho Vong, thường Đạo Phật hay dùng hai bộ kinh “Di Đà” và “Địa Tạng” trì tụng trong vòng 49 ngày. Kinh “Di Đà” nói về cảnh giới của cõi Cực Lạc, còn kinh “Địa Tạng” thì nói về miền địa ngục để cho vong nhận thức mà chuyển hóa. Thường là khi vong nhận thức được cảnh giới rồi nhưng không chuyển hóa siêu thoát được là do cách hành xử (níu kéo, dụ dỗ,lừa dối,…) của người đang sống.
Không gian sổng quanh ta trải qua môn nghìn kiếp tồn tại không biết bao nhiêu là vong, vong người thân của chúng ta, vong oan gia trái chủ, vong cô hồn, vong của các loài động vật (do con người bị đầu thai)… Việc cúng tế cho vong là điều tất nhiên, việc làm này cầu mong cho tất cả các vong hồn được siêu thoát về miền Cực Lạc. nhưng nhiều khi việc làm của chúng ta lại mâu thuẫn với tư tưởng. Chúng ta cúng cho vong nào là rượi, thịt, đồ sát sinh, vàng mã, nhờ vả vong làm những việc không tưởng. Giả sử vong nghe lời khấn vái của người sống mà về hưởng thụ những vật chất trên thì liệu ở miền Cực Lạc có đón vong về hay không? Hoặc là do bùa chú yểm đảo mà vong không về được thì vật chất trên bày ra há để lừa vong sao? Lúc này vong có phù hộ cho chúng ta được nữa hay không? Tất cả những việc làm trên đẩy vong đến con đường tạo nghiệp, không thể siêu thoát được và hóa thành ma quỷ quấy quả làm hại nhân gian. Đến lúc này người sống quay ra kết tội vong và tìm biện pháp “trị” vong, họ rước các thầy pháp về cúng tế (cũng lại dùng các đồ sát sinh, vàng mã), các thầy dùng năng lực của mình (hoặc nhờ năng lực của lực lượng khác) thực hiện bắt, nhốt, trục đuổi…, thậm trí khao (nịnh) đối với vong. Thử hỏi nếu các thầy bắt được vong, thì với số lượng vong từ muôn nghìn kiếp lớn như thế thì nhốt họ ở đâu, ai cung phụng họ, hoặc trục đuổi họ thì họ đi đâu? Một lần nữa vong lại trở thành cô hồn vất vưởng. Còn khao (nịnh) vong chỉ có tác dụng ngắn hạn, không ai theo đuổi được công việc này dài ngày trừ cửa Tam Bảo. Về nhốt vong thì theo như được biết ở Việt Nam duy nhất có chùa Hàm Long (Bắc Ninh) theo Mật Tông là có đủ năng lực nhốt các loại vong hồn, còn việc đi bắt vong các thày ở đây cũng chẳng dám thực hiện, các gia chủ phải tự rước vong đến. Cũng có thày nói là dùng phương pháp chuyển cảnh giới cho vong nhưng các thầy lại không thuộc kinh pháp (thậm chí một câu cũng không biết), như thế thì lấy lời lẽ đâu mà dẫn đường chỉ lối cho vong chuyển nghiệp. Miệng khấn cầu mong cho vong được siêu thoát, nhưng lại xui vong hưởng những đồ cúng sát sinh, và dùng hàng mã, thật là mâu thuẫn hết chỗ nói.
Bàn thờ, nơi thắp hương đốt nến theo quan điểm của Đạo Phật và cả Đạo Thiên Chúa là nơi thiêng liêng thanh tịnh để mọi người ngưỡng vọng lòng tin vào đó, chứ không phải là nơi ngự của các vong hồn.
“Nguyện đem lòng thành kính
Gởi theo đám mây hương
Phưởng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tánh làm lành
Cùng pháp giới chúng sanh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm bồ đề kiên cố
Chí tu học vững bền
Xa bể khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác”
(Nguyện hương- nghi thức hiến cúng Phật)
Nếu nơi đó có các vong hồn trú ngụ thì quả là hỗn tạp, nhiều người thờ rất nhiều bát hương, nào là bát hương Phật, bát hương thần (Thổ công, Long thần), bát hương gia tiên, và cả bát hương bà cô ông mãnh, như thế chẳng phải rước vong về ngồi cùng với các đấng cao thượng sao? Lại mâu thuẫn nữa.
Tóm lại đối với vong chúng ta , những người sống phải chí tâm hồi hướng công đức cho vong bằng cách làm các việc thiện, năng cúng dường Tam Bảo, cần phải chuyển hóa cho vong bằng kinh sách để vong hiểu được các cảnh giới Địa ngục, Súc sinh, Ngạ quỷ, Con người, Thần trời mà tái sinh khi chưa đủ duyên về miền Cực lạc.
“Xá Lợi Phất! Cõi đó vì sao tên là Cực lạc?
Vì chúng sanh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lạc.
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây, đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng, vì thế nên nước đó tên là Cực Lạc.
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng bảy chất báu, trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất.
Vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bốn bên ao; trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não.
Trong ao có hoa sen lớn như bánh xe: hoa sắc xanh thời ánh sáng xanh, sắc vàng thời ánh sáng vàng, sắc đỏ thời ánh sáng đỏ, sắc trắng thời ánh sánh trắng, mầu nhiệm thơm tho trong sạch.
Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy.
Xá Lợi Phất! Lại trong cõi nước của đức Phật đó, thường trổi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáu thời rưới hoa trời mạn đà la.
Chúng sanh trong cõi đó thường vào lúc sáng sớm, đều lấy đãy hoa đựng những hoa tốt đem cúng dường mười muôn ức đức Phật ở phương khác, đến giờ ăn liền trở về bổn quốc ăn cơm xong đi kinh hành…”.(Trích kinh Adidà)
Như thế chúng ta có nên lôi kéo vong ở lại không?
Và cuối cùng, chỉ bằng phương pháp dùng kinh sách của Tam Bảo để giáo hóa cho vong hướng đến một cảnh giới khác tốt đẹp hơn là nhân văn nhất. Về bản chất VONG KHÔNG CÓ TỘI.
VÃNG SINH TỊNH ĐỘ THẦN CHÚ
BẠT NHỨT-THẾ NGHIỆP CHƯỚNG CĂN BỔN ĐẮC SANH TỊNH ĐỘ ĐÀ-LA-NI
Nam-mô a di đa bà dạ. Đa tha dà đa dạ, Đa điệt dạ tha. A di rị đô bà tỳ. A di rị đa, tất đam bà tỳ, A di rị đa tỳ ca lan đế, A di rị đa tỳ ca lan đa, Dà di nị, dà dà na. Chỉ đa ca lệ, ta bà ha.
Namo Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
(Viết tại Nguyễn Gia tịnh xá mạnh thu Ất Mùi 2015)

Nguyễn Tiến Dũng

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.