ĐÔI LỜI VỚI CÁC THẦY ĐANG “HÀNH” NGHỀ PHONG THỦY

ĐÔI LỜI VỚI CÁC THẦY ĐANG “HÀNH” NGHỀ PHONG THỦY

Trong thời buổi thông tin bùng phát, mọi người được tiếp cận các kiến thức dưới nhiều hình thức một cách nhanh chóng thuận lợi, đó là một thành tựu lớn của khoa học, nhưng nó cũng có mặt trái là các thông tin đó thật giả lẫn lộn không ai có thể đứng ra sàng lọc kiểm định được. Trong mớ hỗn độn đó có Phong thủy, sách phong thủy bày bán tràn lan, từ vỉa hè, bến cóc, cổng chùa đến hiệu sách, còn ở trên mạng thì vô cùng phong phú. Phải nói là từ cổ chí kim sách gì cũng có, các tác giả dịch và chú mỗi người một kiểu, để đọc và hiểu được các cuốn sách này quả là một kỳ công của độc giả. Ấy thế mà bằng mớ hỗn độn đó nhiều người đem gom nó lại bất kể thuộc trường phái nào , sau đó mang ra thực hành cốt để lấy cái danh, hoặc là kiếm ít tiền của gia chủ mà chẳng màng đến hậu quả lâu dài ra sao. Xu hướng trẻ hóa đội ngũ các thầy phong thủy được các lò đào tạo phong thủy cấp tốc (sơ cấp, trung cấp) của các trung tâm phong thủy đã và đang làm biến tướng bộ môn truyền thống này. Nếu không chỉnh đốn phương pháp học và thực hành bộ môn này, thì sau vài thập kỷ nữa phong thủy nước ta sẽ trở thành ngành huyền học kỳ dị nhất trên thế giới. Nghe các thầy trẻ ngày nay luận về phong thủy thì cảm thấy các tiền nhân của bộ môn này thật đáng thương. Tôi xin trích một đoạn trong "Địa lý lục pháp đại toàn tổng tự" may ra đó là một hồi chuông nhắc nhở cho các bạn đang làm nghề phong thủy thời hiện đại.
(Trích đoạn):
“Hiện tại xem phong thủy quả là quá khó. Có người quá câu nệ về hình thế, có người câu nệ về lý khí, có người chỉ chú ý đến thiên tinh, có người còn lợi dụng một cách dung tục, không hiểu gì về phong thủy, song sao chép được vài điều liền giở thủ đoạn lường gạt dối trá với người cả tin. Vừa trông thấy một dãy núi đẹp, đã hoa mắt lên, chẳng quan sát kỹ, xem long mạch của dãy núi đó là âm hay dương, hình thế dàn trải là tán hay tụ, nghĩa là họ câu lệ vào loan đầu (tức thuyết hình thể). Ngẫu nhiên bốc được một quẻ chuẩn xác đã tự cho mình nắm vững tuyệt kỹ, không hề tiến thêm một bước, xem tinh thể là thiện mỹ hay tà ố, huyệt pháp là tử diệt hay trùng sinh, tức là họ chỉ câu chấp vào lý khí (tức thuyết lý khí). Thấy long mạch bao hàm khí đẹp, tưởng như đã vớ được vật báu, không chịu xét kỹ long mạch là khúc khủy hay thẳng thắn, sa pháp liên hoàn hay phản nghịch, tức là chỉ câu nệ vào thiên tinh. Những cách xem phong thủy như thế đều xuất phát từ lòng tham trần tục, gây tổn hại cho thuật phong thủy chân chính. Nghe lỏm được vài lời phiến diện đã đi loan truyền khắp nơi, tự cho là kỳ. Thuộc dăm ba câu khẩu quyết của bậc tiền nhân, đã lập môn hộ tự cho là dị. Rồi bèn viết sách lập thuyết, tận lực tuyên truyền những quan điểm tầm thường dung tục, phá hoại phương pháp khoa học thực sự. Kiểu làm đó khiến cho thuật phong thủy bị hạn chế đi rất nhiều. Có kẻ đem việc xem âm dương nhị trạch ra làm mồi nhử mà bất chấp cát hung lợi hại, dùng ngôn từ tướng thuật để đưa đẩy, lợi dụng gia chủ. Nếu gia chủ có chút am hiểu y sẽ lựa gió lái thuyền. Nếu gia chủ không am hiểu, thì y sẽ thao thao bất tuyệt, nói chuyện kinh thiên động địa để hù dọa…………
Xem địa lý giống như hiểu rõ nhân thân. Thiên tinh, loan đầu, lý khí, ba thứ ấy nếu là một thể, thì sao còn phân chia? Nhưng các thư tịch lại không đề cập đến vấn đề này. Bổn nghĩa đích thực của sự vật đều nằm ngoài ngôn từ. Tỷ như phần đầu “Tuyết tâm phú” nói: hai thứ khí chuyển vận xảo diệu trong địa lý phong thủy hợp thành một một lý, cùng song hành mà không lấn át nhau. Cái lý này là bản thể và căn cứ tự thân, khi ẩn khi hiện. Văn nhân thời cổ viết sách như “chính binh, vận dụng sách vở thì giống như kỳ binh. Người đọc sách thời nay xét lý thì như kết hợp chính binh với kỳ binh. “Chính” không ngoài việc kết hợp với long mạch tạo thành chỗ xảo diệu của trạch cục. “Kỳ” không ngoài việc né tránh hung họa, tận dụng cát lợi. Thiên văn, Địa lý, Nhân sự là sự kết hợp “chính” “kỳ” đến mức tối ưu. Nếu chẳng phải là bậc thức giả thông kim bác cổ, thì không đủ tư cách thông hiểu. Người hành nghề phong thủy phải hội tụ đủ tam hảo, đó là nhãn hảo, túc hảo, tâm hảo. Quan sát phong thủy phải có trực giác linh mẫn. Nhãn hảo (mắt tinh) là do trời phú, chẳng thể khiên cưỡng. Túc hảo (chân tốt) mới đủ sức lặn lội. Tâm hảo (lòng tốt) sẽ không làm hại người đời”
Vậy là đã rõ “y sư sát nhất nhân, địa sư sát nhất tộc” đó là lời cổ nhân răn các thầy địa lý thời xưa. Thiết nghĩ ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Vài lời trên có điều nào mạo phạm đến quý vị, xin thứ lỗi!

Nguyễn Tiến Dũng

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.