NHỒI MÁU CƠ TIM

NHỒI MÁU CƠ TIM: Câu chuyện nghề & những…Tâm nguyện!

Anh chị ạ,

Bố một người em của Bs ở thành phố Vinh (Nghệ an) là một doanh nhân thành đạt, cuộc sống kéo Chú ấy đi với công việc triền miền, rồi cũng triền miên những bữa tiệc rượu và ăn uống không kiểm soát, chú cũng chẳng có thời gian để nghĩ đến việc đi tập thể dục…Một buổi tối, con trai chú hốt hoảng gọi điện cho Bs, Chú bị nhồi máu cơ tim & được đưa vào cấp cứu ở Bv tỉnh, gia đình đang không biết nên cho đi Hà Nội ngay luôn hay xử lý tại chỗ. Sau ít phút xin ý kiến hội chẩn với các đồng nghiệp tại Viện tim mạch quốc gia & cả ở Bv Nghệ an, BN bắt buộc phải xử lý tại chỗ ngay trong đêm, vì thời gian là vàng với những tổn thương này : Đặt stent mạch vành để nong chỗ mạch nuôi tim bị bít tắc. Thủ thuật được tiến hành nhanh chóng, tất cả đều chạy đua với thời gian, nếu không quả tim của chú sẽ bị hoại tử, suy tim, loạn nhịp do thiếu máu kéo dài, và nếu như vậy, nguy cơ chú tử vong cũng sẽ rất cao. Gần sáng hôm sau, thủ thuật kết thúc, Chú cũng đã tạm thời qua cơn nguy kịch. Với căn bệnh này, Chú là người may mắn.
Bố một người anh sống ở Hà Nôi, đến khám BsKhánh vì đau cột sống cổ, qua thăm khám, ông có chỉ định phẫu thuật cột sống cổ. Tuy nhiên, với tuổi cao lại thêm hơn 20 năm bị tiểu đường, vận động thể chất thì hầu như không đáng kể => Ông được xếp vào nhóm đối tượng có nguy cơ rất cao về bệnh lý tim mạch, đặc biệt là mạch vành. Bs liên hệ viện tim mạch để kiểm tra hệ mạch vành và tim cho Ông, qua chụp mạch, các Bs phát hiện Ông bị tắc rất nhiều ở ngã ba hệ mạch vành nuôi tim (hẹp khít thân chung động mạch vành), tổn thương mà có thể khiến Ông đột tử bất cứ lúc nào. Ông cũng được tiến hành đặt stent chủ động để xử lý chỗ hẹp, dự phòng nguy cơ tắc nghẽn & đột tử.
Câu chuyện thứ 3 lại là câu chuyện buồn. A ấy là một nhà thầu xây dựng, biết BsKhánh đã nhiều năm nay vì ngày trước Bs có điều trị cho vợ anh ấy bệnh cột sống. Nhìn bên ngoài, trông rất khoẻ mạnh, tuổi tầm 50, tuy nhiên vì tính chất công việc, anh tiếp khách bia rượu và thuốc lá hằng ngày, tập thể dục thì chắc chắn là không rồi. Mỗi tối trở về nhà anh thường ngà hơi men & chỉ còn mỗi động tác đổ vật xuống giường, ngáy. Rồi một hôm, Chị vợ báo tin, anh đã mất, cái chết rất đường đột. Ngày anh ấy vẫn đi làm bình thường, về nhà sau bữa cơm tối anh kêu đau ngực, rồi hai tay anh ôm lấy ngực trái, người gục xuống, gia đình đưa anh vào đến viện cũng là lúc tim anh không còn đập nữa. Các Bs chẩn đoán anh bị nhồi máu cơ tim cấp tính, mạch nuôi tim bị tắc nghẽn, trái tim bị thiếu máu nuôi nghiêm trọng nên ngừng đập. Thời gian căn bệnh lấy đi mạng sống của anh quá nhanh, chẳng kịp cho một câu từ biệt…
3 câu chuyện xảy đến trong chưa đầy một tháng, đều cùng một nguyên nhân, một nguyên nhân khủng khiếp trong giới y học, anh chị ạ. Đó là bệnh NHỒI MÁU CƠ TIM. Tổn thương căn bản của bệnh là tình trạng tắc nghẽn mạch máu nuôi chính quả tim, làm cho cơ tim bị thiếu oxi & dinh dưỡng, nếu không xử lý kịp thời, cái chết dường như đã được đoán định. Với bệnh này, có những cái chết xảy đến ngay trước mặt mà người Bs cũng đành bất lực. Một Bs nội trú nổi tiếng người Mỹ tên là Nuland cũng đã từng chứng kiến cảnh này, Ông gần như mở ngực của bệnh nhân, thò tay vào bóp quả tim với hy vọng cứu sống bệnh nhân, nhưng rồi cuối cùng, bệnh nhân không tránh khỏi cái chết, còn ông ngôi bên cạnh với đôi bàn tay đầy máu, thất thần. Cái chết quá khủng khiếp & ám ảnh!
Theo tạp chí tim mạch Circulation, mỗi năm trên thế giới có khoảng hơn 7 triệu người chết vì nhồi máu cơ tim, chủ yếu là đột tử. Đây là bệnh lý có thể khiến bệnh nhân tử vong chỉ trong vòng loanh quanh 1 phút, nhiều bệnh nhân còn chưa kịp để lại dù chỉ là một lời trăn trối. Điều đáng lo ngại hiện nay đó là tỷ lệ mặc bệnh đang tăng cao rất nhanh & trẻ hoá, nhiều thanh niên ra đi khi còn quá trẻ. Hơn nữa, ở nước mình hầu như rất ít ai để ý đến “thần chết” ẩn mình này, chỉ đến khi nó gõ cửa chính chúng ta, lúc đó tất cả đều đã là muộn màng. Các bài viết về những triệu chứng gợi ý bệnh như đau ngực trái lan lên cổ rồi tay trái, khó thở, vã mồ hôi, tức ngực…đều ít giá trị, vì khi bệnh đã xảy đến, hầu như sẽ rất khó cho những xử trí, trừ khi bệnh nhân ở gần những trung tâm y tế chuyên sâu & có thể can thiệp mạch cấp cứu.
Vậy đâu là giải pháp cho căn bệnh khủng khiếp này? Hay chúng ta chỉ có thể cầu nguyện để bệnh không xảy đến với mình?
Thực hiện những thói quen tốt hằng ngày chính là giải pháp dự phòng hữu hiệu để căn bệnh này không xảy đến, anh chị ạ. Và có thể nói, đây mới chính là lựa chọn thông minh nhất.
Tâm nguyện của Bs là đây: Mong anh chị hãy ghi nhớ & thực hiện “10 THÓI QUEN” này trong cuộc sống hằng ngày, vì chính sức khoẻ của mình & những người mình yêu thương, anh chị nhé!

1. Giảm cân, tránh béo phì:

Đây là ưu tiên số 1, anh chị nhé!
Những người béo phì, đặc biệt là những người béo bụng, sẽ có nguy cơ rất cao bị các bệnh liên quan đến tim mạch và chuyển hoá, điều đó kéo theo nguy cơ tăng các mảng xơ vữa mạch máu gây bít tắc mạch vành nuôi tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim. Hãy cố gắng thể thao, ăn uống điều độ, hạn chế rượu bia…để lấy lại thân hình người mẫu như ngày nào, anh chị nhé! Được như vậy, nhồi máu cơ tim cũng sẽ “bỏ” anh chị mà đi.

2. Kiểm soát lượng mỡ máu

Tăng mỡ máu chính là nguyên nhân trực tiếp lắng đọng tạo ra các mảng xơ mỡ trong lòng mạch, dẫn đến bít tắc mạch nuôi tim-não-phổi. Hãy kiểm tra mỡ máu của mình 6tháng/ 1lần, nếu mỡ máu tăng cao cần đến gặp bác sĩ để nhận được những lời tư vấn & giải pháp điều trị kịp thời, Anh chị nhé!

3. Xây dựng chế độ ăn lành mạnh

Ăn nhạt nhất có thể, thử nghiệm các loại thảo mộc & các gia vị khác thay thế muối, ưu tiên trong tủ lạnh là các loại trái cây, rau tươi, các loại đậu, ngũ cốc, cá tươi, dầu tươi thực vật….Thay vì xào-rán-quay-nướng, hãy ưu tiên chuyển sang luộc, hấp, nấu canh…anh chị nhé! Tất cả vì sức khoẻ của gia đình mình.

4. “Đổ mồ hôi” hằng ngày

Không vận động thể chất cũng được xem là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu.
Lười vận động nghĩa là anh chị đang lấy đi của chính mình rất nhiều cơ hội nâng cao sức khoẻ & sống thọ. Tệ nhất, tẻ nhạt nhất thì cũng xin anh chị hãy chạy bộ giúp…BsKhánh mỗi ngày 30 phút, đi giầy đế mềm, nhón gót chân cao & thở đều khi chạy, anh chị nhé! Ngoài ra anh chị có thể chọn cho mình những môn thể thao như đạp xe, gym, bơi, xà đơn xà kép, yoga…
Trong hoạt động hằng ngày cần lưu ý: tránh cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ thay đổi đột ngột: Trong những ngày mưa lạnh, đặc biệt người già, sau khi tỉnh giấc, chúng ta chưa vội tung chăn và bước ra khỏi giường, trước hết chúng ta cần định thần mọi thứ, xoa lòng bàn tay và bàn chân vào nhau, khởi động cơ thể trong chăn 1 chút trước khi ra ngoài, Anh Chị nhé! Ngoài ra khi chúng ta đi uống rượu trời lạnh, lúc ra khỏi quán cũng nên mặc thật ấm, tránh phong phanh rất dễ tai biến. Hoặc sau lao động nặng, trời nắng nóng đi về tắm ngay cũng không nên.

5. Hạn chế rượu mạnh, chất cồn

Việt Nam đang “phấn đấu” để trở thành quốc gia tiêu thụ bia rượu số 1 thế giới theo đầu người, hiện tại nếu BsKhánh nhớ không nhầm thì nước mình cũng đã “lọt” vào top 3 của Châu Á rồi hịc…Rượu & các chất có cồn đang phá huỷ đường tiêu hoá của anh chị, đang ngâm não của anh chị trong cồn, đang giết hàng ngàn tế bào gan của anh chị mỗi ngày, đang bào mỏng & làm tăng độ dòn vỡ các thành mạch máu của anh chị. Làm ơn, xin hãy từ chối ngay khi có thể, anh chị nhé! BsKhánh nhận thấy theo sau mỗi trận rượu chỉ toàn là những điều không tốt đẹp: tai nạn giao thông, đâm chém nhau do hiềm khích, trí nhớ giảm sút, gia đình tan vỡ, xa rời con cái…

6. Bỏ thuốc lá

Ung thư phổi là một trong những ung thư nguy hiểm nhất hiện nay, & thuốc lá chính là nguyên nhân số 1. Thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ vỡ mạch mãu não, nhồi máu cơ tim, thuốc lá cũng đang từng ngày làm tổn hại sức khoẻ các con & những người thân của anh chị. Hãy bỏ thuốc lá, ít nhất cũng vì chính những đứa con của anh chị.

7. Luôn vui

Căng thẳng thần kinh, trầm cảm kéo dài làm tăng nguy cơ đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Còn chưa kể căng thẳng thần kinh cũng đang lấy đi của anh chị rất nhiều tuổi thanh xuân, lấy đi của anh chị rất nhiều những cơ hội tốt đẹp trong cuộc sống. Luôn vui cười anh chị nhé, vì không ai cấm mình làm điều tuyệt vời này cả. Duy trì đủ giấc ngủ, ít nhất 6 tiếng mỗi ngày cũng là một cách để đảm bảo tinh thần minh mẫn & tránh căng thẳng.

8. Kiểm soát bệnh cao huyết áp

Nếu anh chị hoặc bố mẹ anh chị đang bị cao huyết áp, Bs xin hãy lưu ý uống thuốc hạ áp đều hằng ngày. Cao huyết áp cũng làm tăng nguy cơ tai biến mạch não và tổn thương mạch vành. Anh chị nhớ giúp BsKhánh rằng khi huyết áp về bình thường không có nghĩa là mình dừng uống thuốc hạ áp, vì bệnh này sẽ theo anh chị suốt đời. Trong gia đình mình có tiền sử tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim cũng là yếu tố gia đình cần hết sức lưu ý, tốt nhất anh chị nên xin tư vấn chuyên khoa từ các Bs tim mạch, anh chị nhé!

9. Kiểm soát bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường gây ra rất nhiều biến chứng nếu anh chị không kiểm soát tốt, đặc biệt là các biến chứng liên quan đến tim mạch.
Một vài lời khuyên cho những ai đang bị tiểu đường:
• Nên uống nhiều nước hằng ngày, đặc biệt nước Trà xanh, mướp đắng...
• Bổ sung đầy đủ các Vitamin, đặc biệt vitamin C và các loại khoáng chất qua các loại trái cây như chanh, cam, bưởi, dưa đỏ, các loại quả mọng nước…
• Cố gắng giữ gìn cơ thể sạch sẽ nhất có thể, đặc biệt là đôi bàn chân & các vết xây xước, vì chúng rất dễ bị nhiễm trùng, và khi nhiễm trùng thì lại rất khó khỏi.
• Thể thao thể dục-vận động hằng ngày để tránh các biến chứng của tiểu đường gây ra như cao huyết áp, tai biến, xơ vữa mạch máu, loãng xương (Rất quan trọng)
• Luôn dự phòng bánh ngọt nhiều đường bên cạnh mình (trong túi xách, cạnh giường ngủ..) để đề phòng khi bị tụt đường máu đột ngột, nằm nghỉ nên ở nơi dễ alo cho người khác khi có vấn đề hạ đường máu, tránh nằm riêng ở nơi quá kín, quá xa mọi người.
• Xét nghiệm đường máu định kỳ & tuân thủ dùng thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tránh kiêng ăn quá mức gây mệt mỏi.
• Những bệnh nhân có tiền sử tiểu đường trên 10 năm nên tạo thói quen đi kiểm tra sâu về tim mạch hằng năm, vì nguy cơ bị bệnh tim mạch là rất cao.
• Nên xây dựng thực đơn ăn dài hạn cho mình khi bị tiểu đường (hiện tại có nhiều cuốn sách về bệnh tiểu đường đã xây dựng thực đơn ăn cho cả 4 mùa, anh chị có thể mua và tham khảo nhé!)

10. Kiểm tra sức khoẻ định kỳ

Kiểm tra sức khoẻ toàn diện, theo dõi lượng mỡ máu, đường máu, siêu âm tim, điện tim…định lỳ 6tháng/1lần anh chị nhé! Khi có các yếu tố nguy cơ (trên 50 tuổi, béo phì, hút thuốc lá, bệnh tim mạch hoặc tiểu đường, ít vận động, có tiền sử đau ngực, tiền sử cha mẹ người thân bị bệnh tim mạch..) hoặc trên điện tim, siêu âm tim nghi ngờ thì không chần chờ gì nữa, hãy chụp cắt lớp hệ động mạch vành hoặc chụp mạch vành tim ngay, anh chị nhé!
Rất mong anh chị hãy thay đổi để xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh &…đẳng cấp. Cuộc sống sẽ đổi thay khi chúng ta thay đổi, đừng sợ hãi để sống theo những lối mòn hằng ngày nhàm chán….Phải không anh chị?
Bs xin anh chị “3 giây” share bài viết nếu thấy giá trị, anh chị nhé! Cho cộng đồng thêm (dù chỉ một người) được biết.
Trân trọng thật nhiều!
BsKhánh,

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.