Một cách luận HUYỀN KHÔNG PHI TINH BÀN LUẬN VỀ PHONG THỦY VẬN KHÍ THÀNH NHÀ HỒ


Một cách luận HUYỀN KHÔNG PHI TINH BÀN LUẬN VỀ PHONG THỦY VẬN KHÍ THÀNH NHÀ HỒ

(THÀNH TÂY ĐÔ)

(Hình ảnh được sưu tầm trên mạng)
Vừa qua sau chuyến lộ hành về Tây Đô, các hạ có hỏi ngu mỗ về nguyên nhân thất bại của Hồ Quý Ly có chút nào liên quan đến phong thủy của tòa thành mà ông xây dựng để làm kinh đô cho nước Đại Việt thời hậu nhà Trần không? Hôm nay nhân lúc rảnh rỗi liền tìm đến thư tịch của các tác giả có những bài viết nghiên cứu về phong thủy liên quan đến Thành Nhà Hồ. Trong đó các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều kiến giải rất xác đáng về địa hình phong thủy ở đây, đáng chú ý là bài viết của tác giả Tuetvnb đăng trên trang của câu lạc bộ Phong Thủy Thăng Long. Ở bài này tác giả đã phân tích rất kỹ lưỡng về loan đầu của cuộc đất và chỉ ra những sai lầm của Hồ Quý Ly khi chọn nơi đây làm kinh đô cho một triều đại. Trong bài của tg Tuetvnb cũng như đa số bài viết của các tác giả đều đi sâu vào địa hình loan đầu mà phần lý khí vẫn còn sơ sài, chưa nói nên được sự phối hợp giữa loan đầu và lý khí của bộ môn phong thủy. Với kiến thức còn nông cạn của mình, ngu mỗ mạnh dạn bổ xung thêm phần luận về vận khí của tòa thành này, các hạ thông cảm vì ngu mỗ đã dám mang dìu ra múa, mong các vị cao nhân trong thiên hạ đánh cho một chữ đại xá!
Theo các tài liệu thì Thành Nhà Hồ tọa Hợi hướng Tỵ chính hướng, được xây dựng vào tháng giêng năm Đinh Sửu 1397. Như vậy là thành xây vào vận 4 trung nguyên thuộc đại vận thứ 74 (Theo lịch tam nguyên cửu vận của giáo sư Hoàng Tuấn) và vận đồ như sau:
Tứ nhập trung cung, ngũ đáo sơn, tam đáo hướng, phi tinh sơn thuận hướng nghịch, phạm há thủy, hướng tỷ hòa, sơn sinh nhập.
Với khuôn khổ bài viết này ngu mỗ chỉ luận 2 hướng chính đó là: Hướng thủ, hướng tọa.
Nhìn vào vận bàn ta thấy đây là cuộc đất há thủy, vượng tài bất vượng đinh, toàn bàn sơn tinh phạm phục ngâm, tổn đinh đại kỵ. Ngũ hoàng Lực Sỹ đại sát đáo tọa, sơn tọa phạm phục ngâm, cũng là đại kỵ. Tuy cung Khảm thất tinh đả kiếp tạo thành tam ban quái (147) nhưng đả kiếp không thành công vì toàn bàn sơn tinh phạm phản phục ngâm. Loan đầu hướng thủ coi như đạt được cách song tinh đáo hướng, nhưng hình thế nơi đây chưa phải là tuyệt cách vì: Hướng tinh tứ lục đương lệnh đáo hướng chủ phát về tài nguyên, địa hình cần phái có thủy lớn (tụ càng tốt) uốn lượn, phát quang sáng sủa.Ở đây dòng sông Hoài đáng lẽ phải chảy vòng ra trước núi Đốn, nhưng trên thực tế dòng sông khi đến trước mặt núi thì lại ngoặt lại phía sau vô tình chảy đi một mạch, sông Mã nhập vào cung Khôn và cung Ly đã tạo ra thế phản cung sát, đại kỵ vì vậy tài nguyên sao mà tụ được. Núi Đốn Sơn chính là sơn tinh tứ lục đương vận, cần phải tú mỹ, to tròn, tiếc rằng nó lại thấp nhỏ và có hình dạng như mũi tên bắn thẳng về phìa cổng thành, sơn tinh lại há thủy, phục ngâm nên đinh không vượng. Nhưng theo ngu mỗ cái tai hại nhất vẫn là hướng thủ song tứ đáo cung Tốn, cả sơn tinh và hướng tinh đều phạm phục ngâm vì vậy cả đinh và tài đều bại kể cả khi loan đầu đáp ứng đủ các tiêu chí của đả kiếp. Ngoài ra “Thẩm Thị Huyền Không Học” có liệt kê trong 9 vận có tất cả 48 cuộc chân và giả đả kiếp thì có 6 cuộc không dùng vì phạm phản phục ngâm, trong đó vận 4 có ghi rõ đó là cuộc sơn Hợi hướng Tỵ. Sự độc hại của phản phục ngâm trong “Tòng sư tùy bút” của Khương Diêu có ghi ( Trích nguyên văn):
“Thông gia của tôi nhờ địa sư Quảng Diên ngoài mười năm mới tìm được cuộc đất cực đẹp. Vòng giáp tý niên hiệu Khang Hy thứ hai mươi ba, vận 1 sơn nhâm hướng bính. Sau khi táng một năm thì bị bệnh dịch chết hết. Con cháu của họ tranh cãi về chuyện này cho đến nay vẫn chưa dứt. Phu tử Đỗ Lăng (Tưởng Đại Hồng) lên núi quan sát thì cười mà nói: “Cuộc đất này đúng là đẹp, đáng tiếc phạm phản phục ngâm, gặp họa vì táng không đúng thời vậy”. Có lẽ Hồ Quý Ly chưa biết về sự nguy hại của phản ngâm phục ngâm, nên ông nghĩ rằng đả kiếp là đã đạt “Tam nguyên bất bại” vì thế ông mới nói đất này là đất “Thạch bàn long xà, lục thập niên ký” chăng?
Quay lại vận bàn, hướng thủ song tứ đáo cung, tứ lục là sao văn xương đương lệnh nên phát về công danh văn tài, vận bàn tam bích mộc, thiên bàn lại tứ tốn mộc, mộc quá nhiều trở thành “Phong uất nhi khí, cơ bất lợi” . Lại nữa vận bàn tam bích tử khí đáo cung, tam bích vốn là Xi Vưu thần chiến tranh hoạn nạn thích chiến đấu. Tam tứ đồng cung sách “Huyền không bí chỉ viết”: “Lôi phong kim phạt, định bị đao thương”.
Tuy tứ lục là sao đương lệnh nhưng vì phạm phục ngâm bị vây hãm khí không thoát ra được nên trở thành suy khí.
Năm Đinh Sửu (1397 năm khởi công) lưu niên cửu tử nhập trung cung, bát bạch phi đáo Tốn cung . Bát là trâu là chó gặp tam bích Xi Vưu là đấu với trâu hoang dã, đấu nhau tất sinh ra sát khí nên gọi là “Đấu ngưu sát”. Tháng giêng năm sửu (1397) nguyệt phi tinh ngũ hoàng đại sát nhập trung cung toàn bàn lại gặp phục ngâm, phi thái tuế bát bạch lại đến tốn, hung chồng hung bất lợi. Sách “Tử bạch quyết” có ghi: “Tứ lục cố hiệu văn xương, nhiên bát hội tứ, nhi tiểu khẩu vẫn sinh; tam bát chi phùng canh ác”. “Bát phùng tam tứ, tổn tiểu khẩu” Nếu vào năm này xây đàn Nam Giao lại gặp tam sát Tỵ Dậu Sửu đáo hướng.
Năm Đinh Hợi (1407 năm thành Tây Đô thất thủ) bát nhập trung cung, thất xích lại đáo tốn cung kết hợp với tam bích, tứ lục thành bộ “Xuyên tâm sát”. Xi Vưu là thần chiến tranh, giặc cướp, thất xích là đao kiếm, hai sao gặp nhau là tượng hung. Các sách cổ như “Huyền không bí chỉ”, “Tử bạch quyết”, “Huyền cư phú”v.v.v có nói về tác hại của bộ “Xuyên tâm sát như sau”:
- Trường canh khải minh, giao chiến tứ quốc.
- Lôi phong kim phạt, định bị đao thương.
- Đoài vị minh đường phá chấn, chủ thổ huyết chi tai
- Mộc kim tương phản, bối nghĩa vong ân.
- Tam thất điệp chí, bị kiếp đạo canh kiến quan tai.
- Vận chí hà lự xuyên tâm, nhiên sát tinh vượng lâm, chung tao sát tặc, thân cường bất uý phản phục, đán trợ thần nhất khứ, hoàn hiện quan tai.
- Ất tân phân gia thất phân ly.
- Long tranh hổ đấu nhi thương trưởng.
Toàn là những thông tin liên quan đến chiến tranh cho một tòa thành có chức năng phòng thủ . Về loan đầu, con đường từ cổng thành chính nối với núi Đốn nơi có đàn Nam Giao cũng tạo thành thế “Xuyên tâm sát” đại kỵ trong phong thủy.
Vậy là hướng thủ của thành Tây Đô hội tụ đủ các yếu tố xấu nhất có liên quan đến chiến tranh giặc dã. Nặng nhất là năm Đinh Hợi thần chiến tranh Tam Thất phi đáo gây hiểm họa bại vong.
Phương tọa, lục nhị là:
- Càn vi hàn, khôn vi nhiệt vãnh lai thiết ký.
- Càn khôn thần quỷ, dư tha tương khắc phi tường.
- Giao chí càn khôn, lận tâm bất định.
Ngũ hoàng Lực Sỹ giáng lâm, nhị hắc suy tinh phi đáo, sơn tinh lục bạch sinh khí nhưng lại bị phục ngâm nên luận là hung. Ngoài ra sách có nói:
- Nhị ngũ giao gia, nhi tổn chủ.
- Hoàng hắc giao thác, gia trưởng đại hung.
- Ngũ chủ dựng phụ thụ tai, hoàng ngộ hắc, thời xuất quả phụ.
- Nhị ngũ giao gia, duy tử vong tịnh sinh tật bệnh.
Lục bạch đáo sơn, nhị hắc đáo hướng, lục sinh khí nên địa hình cần chỉ cao dáo một chút chứ không cần to lớn như dãy núi Tượng Sơn. Nhị hắc suy khí, nơi này cấm kỵ có thủy, nhưng trên thực tế ở đây người ta lại mở cổng thành, như vậy vô tình đã nạp khí suy tử vào thành Các hướng khác còn lại đều phạm phục ngâm nên mỗ không bàn đến nữa. Ngoài ra hướng Đông Nam hướng cổng thành trong bát trạch của tòa thành chính là hướng họa hại. Sách dẫn về họa hại như sau:
Âm thổ Lộc Tồn tinh,
Nhân tán tử bất hưng,
Linh đinh đa đái phá
Tuyệt thiếu nhị phòng vinh
Như vậy phong thủy loan đầu và lý khí của Thành Nhà Hồ mang rất nhiều yếu tố bất lợi. Trong đó phần khí là phần có nhiều điểm không phù hợp với một toà thành được xây dựng để dùng vào mục đích phòng thủ trong chiến tranh (Những thông tin có liên quan đến chiến tranh rất nhiều).Cộng thêm thời điểm khởi công xây tòa thành này bị thất vận, năm Đinh Hợi nhà Minh ở phương bắc vận khí đang thịnh, còn Thành Nhà Hồ gặp vận khí suy bại nên dẫn đến thất thủ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhà Hồ suy vong, nhưng ngu mỗ nghĩ thời vận cũng là một trong những yếu tố dẫn đến sự thất bại ấy. Thầy Tưởng Đại Hồng chẳng nói: “Cũng đất ấy ta táng thì phát vương hầu, người táng thì phát đạo tặc” sao. Thôi dành để cho lịch sử phán quyết vậy. Trên đây ngu mỗ chỉ trích dẫn ở sách của cổ nhân mà thôi, đâu phải kiến thức của ngu mỗ, mong các hạ thông cảm.
Chỉ có thầy Khổng Tử nói là chí lý nhất.
“TÂM CÒN CHƯA THIỆN, PHONG THỦY VÔ ÍCH
LÀM TRÁI LÒNG NGƯỜI, THÔNG MINH VÔ ÍCH
THỜI VẬN KHÔNG THÔNG, MƯU CÂU VÔ ÍCH …”
Chào các hạ!
Uông Bí trọng hạ Giáp Ngọ niên.

Nguyễn gia phong thủy cẩn bút.




Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.