KIM LÂU – NÊN DÙNG DỊCH ĐỂ LÝ LUẬN


KIM LÂU – NÊN DÙNG DỊCH ĐỂ LÝ LUẬN (tái luận)

Từ xưa đến nay Kim lâu được dùng trong nhân gian để xem tuổi làm nhà, lấy vợ gả chồng đã ăn sâu vào hệ thống trạch cát cổ của Việt Nam. Nếu các thày trạch cát dùng cách tính chính xác thì độ ứng nghiệm cũng không hề nhỏ so với các phương pháp trạch cát khác. Điều này được chứng minh bằng sự tồn tại lâu đời của phương pháp này.
Trong khuôn khổ bài viết này tác giả bỏ qua phần nguồn gốc và xuất xứ của Kim lâu, mà chỉ đi sâu vào các cách tính Kim lâu được áp dụng thời nay.
Có rất nhiều cách tính Kim lâu, phổ biến nhất là lấy tuổi âm lịch chia cho 9 nếu số dư là 1.3.6.8 thì đó là phạm Kim lâu. Cách thứ 2 là dùng cửu cung để tính, lấy ngũ nhập trung cung,khởi từ Khôn cung. Cách này lại chia ra 2 phái, có phái lấy cả ngũ thập (50) nhập trung cung, nhưng có phái lại chỉ lấy ngũ lẻ (5) nhập trung cung. Các phái ai cũng cho mình là đúng, nhưng dùng lý luận để giải thích thì chưa có ai đưa ra được.
Bộ môn trạch cát bao gồm cả trạch cát dân gian hay trạch cát bác học đều phải dựa trên cơ sở dịch lý, từ số đếm, âm dương ngũ hành, can chi cửu cung bát quái… cũng từ Hà Lạc mà ra, Kim lâu cũng không nằm ngoài cơ sở lý luận đó.
Ở cách tính thứ nhất dùng tuổi âm lịch chia cho 9 để tính là một cách tính khiêm cưỡng không có lý luận, nhất là lấy số dư 1.3.6.8 áp đặt thì thật là vô lý và bừa bãi (sự bừa bãi này độc giả theo dõi ở phần dưới). Cách tính này nên phế bỏ ngay để tránh sai lầm cho tín chủ.
Cách tính thứ 2 dùng cửu cung nhất thập khởi Khôn cung (tham khảo hình dưới) lấy ngũ nhập trung cung bao gồm cả ngũ thập (50) khi các tuổi nằm trong các cung Khôn, Càn, Cấn, Tốn là phạm kim lâu. Vậy tại sao lại lấy cả ngũ thập nhập trung? Vì Hà đồ có vòng số sinh số thành, ngũ ở trung cung kết hợp với vòng số sinh 1,2,3,4 mà thành các số khác. Ngũ thập (50) chính là số thành được sinh ra từ nó (10 lần của 5) chứ không phải được thành từ vòng số sinh 1,2,3,4, vì vậy nó (50) phải được nằm ở trung cung là bản thể của nó.
Lại nói, sao lại lấy các cung Khôn, Càn, Cấn, Tốn là phạm Kim lâu? Theo cổ kinh thì Khôn chính là nhân môn, Cấn là quỷ môn, Càn là thiên môn, Tốn là địa hộ. Vả lại Khôn, Càn, Cấn, Tốn còn là tứ duy trong bát can thập nhị địa chi 24 sơn hướng.
“Vạn hình kinh” viết: “thiên môn tịch nguyên khí, dị thuỷ ư càn dã.” Vì là cửa trời đang được khai thông nguyên khí cho nên không được kinh động đến.
Tốn là phong môn và cũng là địa hộ “Nhị dương nhất âm, vô hình đạo dã. Phong chi phát tiết, do địa xuất xứ, cố viết địa hộ. Hộ giả dũ hộ, thông thiên địa chi nguyên khí, thiên địa bất thông, vạn vật bất phiền.” cũng không nên phạm.
Khôn còn gọi là nhân môn, cổ kinh viết “Kỳ đức quảng hậu, mê thể vô thủ, cố danh vô cương. Số sinh nhi lục, lục giả thuần âm, hoài cương sát đức, phối tại thiên. Khôn hình vô đức, hạ tòng kỳ thượng, cố viết thuận thừa giả dã”. Chính vì “lục giả thuần âm, hoài cương sát đức” và “Khôn hình vô đức” nên cổ nhân không dùng chăng?
Còn Cấn là quỷ môn “Sơn giả cấn dã, địa thổ chi dư, tích dương thành thể, thạch diệc thông khí, vạn linh sở chi, khởi ư minh môn, ngôn quỷ kỳ quy dã. Chúng vật quy ư cấn, cấn giả chỉ dã. Chỉ túc chư vật, đại tề nhi xuất, xuất hậu chí ư lã thân, Cấn tĩnh như minh ám, bất hiển kỳ lộ, cố viết quỷ môn”. Không cần hiểu nhiều, chỉ cần “Cấn tĩnh như minh ám, bất hiển kỳ lộ, cố viết quỷ môn” thì cũng chẳng thể dùng.
Ở trên là lý do tại sao cổ nhân lại chọn 4 cung tứ duy Càn, Tốn, Khôn, Cấn làm các vị trí phạm vào cái mà chúng ta thường gọi là Kim lâu.
Lại hỏi: tại sao nhất thập lại khởi từ cung Khôn? Vì Khôn là nhân môn, Khôn là thổ, mà “Thổ vi vạn vật chi mẫu” vạn vật đều có nguồn gốc ở Thổ nên phải khởi từ Thổ, đó là lý lẽ chăng? Còn lấy cung Khôn mà làm kim lâu thân, Càn là kim lâu thê, Cấn là kim lâu tử, Tốn là kim lâu lục súc không có tính lý luận, nếu dựa vào các cửa như thiên môn, nhân môn… mà lý luận thì cũng không thuyết phục cho lắm.
Các cụ ngày xưa, và cả bây giờ vẫn có câu ca “Một ba sáu tám Kim Lâu, làm nhà, cưới vợ, tậu trâu xin đừng” là có cơ sở của nó. Các bạn hãy quan sát hình bên dưới, nếu ta khởi nhất, hoặc nhất thập từ cung Khôn và lấy ngũ và ngũ thập nhập trung cung thì các số 1,3,6,8 đều nằm ở 4 góc có các cung có quy định là Kim lâu. Vì vậy người ta dùng các số này để thay tên các cung như Khôn, Càn, Cấn, Tốn cho dễ nhớ. Ngày nay phương pháp lấy tuổi âm lịch chia cho 9 và quy lý số dư là 1,3,6,8 là Kim lâu thì hết sức sai lầm không có cơ sở lý luận.
KIM LÂU QUYẾT
Nhất thập khởi Khôn
Nhị thập khởi Đoài
Tam thập khởi Càn
Tứ thập khởi Khảm
Ngũ thập nhập trung
Nhất tuế nhất tuế
Ngũ nhập trung cung
Thuận hành liên tiến
Ngộ Khôn Càn Cấn Tốn
Thị phạm Kim lâu.
Vài lời mông muội, mong các quý vị tham khảo và cho nhận xét. Quý vị nào có cách lý luận thuyết phục hơn xin được đưa lên cùng tham khảo. Xin đa tạ!

(Phong Thủy Nguyễn Gia hậu học: Nguyễn Tiến Dũng)

(Hình ảnh minh họa sưu tầm trên mạng)

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.