HƯỚNG CĂN HỘ CHUNG CƯ


Lạm bàn (phần1)
HƯỚNG CĂN HỘ CHUNG CƯ

Mở đầu:

Có rất nhiều bạn gần đây đang mua và sắp mua chung cư có hỏi ngu mỗ các vấn đề liên quan. Để trả lời các bạn, ngu mỗ đăng lại bài viết từ năm 2016 và có chỉnh sửa đôi chút để các quý vị và các bạn tham khảo.
Tại sao lại đề là “lạm bàn”? Sợ rằng khi đọc tiêu đề sẽ có quý vị cho ra rằng “ông này ở nơi thâm sơn cùng cốc cả đời chưa vào cái chung cư bao giờ, biết gì mà bàn!”. Sao cái ông nhạc sỹ Trần Quang Lộc cả đời chưa ra Hà Nội bao giờ, không biết cái khí hậu mùa thu ra mô, vậy mà ông ấy viết nhạc phẩm “Có phải em mùa thu Hà Nội” hay thế?. Rồi có quý vị lại nói “ngày xưa có nhà cao tầng, chung cư đâu, sách cổ cũng trả thấy nói về vấn đề này, thì bàn cái gì?”. Xin thưa với quý vị rằng: Ngày nay phóng được tầu vũ trụ lên cung trăng là cũng phải dựa vào mấy cái tiên đề, mệnh đề... của các cụ Ác Si Mét, Ga Li Lê... cả đấy ạ! Thánh nhân chẳng dạy chúng ta “MINH KÍNH KHẢ DĨ SÁT HÌNH, VÃNG CỔ KHẢ DĨ TRI KIM”, đạo lý này há chẳng biết sao?
Vậy nên đã là “lạm bàn” xin quý vị “gạch đá” nhẹ tay đối với tín chủ, còn gạch đá học thuật thỏa mái ạ. Xin cảm ơn!

VÀO BÀI:

Thưa các quý vị! Cổ kinh viết: “Trạch dĩ tọa vi chủ, tọa dĩ môn vi tiên”, “Khí khẩu tư nhất trạch chi khu”. Như vậy tọa vị và đại môn của ngôi nhà là tối quan trọng, mà muốn xác định được tọa thì phải xác định được hướng. Hướng, đó là một trong 5 yếu quyết của địa lý mà người ta còn gọi là “địa lý ngũ quyết”. Nó bao gồm long- huyệt- sa- thủy- hướng dùng cho cả âm dương nhị trạch. Cùng với các hoạt động thao tác tương ứng là: mịch long – sát sa - quan thủy - điểm huyệt và lập hướng.
Vậy hướng của dương trạch là gì? “Hướng của một ngôi nhà được xác định bởi bề mặt kiến trúc được tiếp xúc với khí trường nhiều nhất, trên bề mặt đó phải thiết kế các bộ phận để khí lưu thông”. Như vậy việc xác định khu vực ảnh hưởng của khí trường sẽ giúp chúng ta định vị được hướng cần tìm cho ngôi nhà. Nhưng khái niệm về khí trường nhiều khi chúng ta còn quá mơ hồ về nó. Khí trường tác động đến dương trạch gồm có Thiên khí-Nhân khí-Địa khí (ở đây đang bàn về nhận biết tượng của khí) vì vậy Thiên khí là nhật quang (ánh sáng), không khí, gió…địa khí là núi non, sông hồ, cây cỏ…Nhân khí là nhà cửa, con người, các phương tiện lưu thông trên đường v.v.v. Tất cả các yếu tố trên đều nằm trong cái mà phép lập hướng người ta thường gọi là “tam liệu pháp”. “Tam liệu pháp” bao gồm “âm dương-động tĩnh-hình cục”, trong đó âm dương là cốt lõi, không nằm ngoài lý luận của Dịch lý. Tại sao lại nói âm dương là cốt lõi? bởi vì trong âm dương đã hàm chứa các yếu tố động, tĩnh, hình cục rồi. Sáng là dương, tối là âm, động là dương, tĩnh là âm, núi tĩnh là âm, thủy động là dương, bằng phẳng là dương, cao khởi lên là âm… Cho nên trong dương trạch dứt khoát phải lấy mặt dương làm hướng, tựa như con người mặt là dương, lưng là âm. Từ đó quan sát hễ thấy nơi nào có ánh sáng là dương, nơi tăm tối ít ánh sáng là âm. Nơi có gió, không khí chuyển động, con người, xe cộ phương tiện lưu thông là dương, và ngược lại là âm. Nơi có thực thủy, hư thủy, nơi có địa hình bằng phẳng, thấp trũng thì đó cũng là dương. Một ngôi nhà trên một bề mặt nào đó có các yếu tố trên, kết hợp với việc trổ các bộ phận cho khí lưu thông như cổng, cửa lớn, cửa lách, cửa sổ, cầu thang… thì được xác định là hướng của ngôi nhà đó. Nhiều người dùng động khẩu và khí khẩu để định hướng mà không biết động khẩu và khí khẩu chỉ là một trong nhiều yếu tố Dương để xác định hướng nhà mà thôi. Lý luận là thế, nhưng đa số các kiến trúc cổ kim đều lấy khí khẩu và động khẩu làm hướng, vì khi lập hướng ở động khẩu và khí khẩu đã đầy đủ các yếu tố dương rồi. Trong bối cảnh đô thị ngày nay thì khí khẩu, động khẩu, âm dương, cục hình… chỉ là một, vì đa số các kiến trúc đô thị đều theo nguyên tắc “Lân ốc vi sơn, nhai đạo vi thủy”. Nhưng trong các căn hộ chung cư thì không thể gộp hết các yếu tố đó làm một được.
Xét một căn hộ chung cư, phải lấy tòa nhà chính làm thể, các căn hộ trong lòng nó làm dụng. Hướng của tòa nhà được xét theo quy tắc của dương trạch, căn hộ được định vị cát hung theo số tầng, cung độ lập cực của tòa nhà. Sau đó căn hộ được định hướng,lập cực, phân phòng và định cát hung. Thường căn hộ chung cư gồm 2 mặt chính, mặt có cửa sổ, hoặc bancon, mặt có cửa ra vào được thông với hành lang chung của tòa nhà. Mặt này không bao giờ được tính là hướng chính của căn hộ, mà đó chỉ là động khẩu, mà động ở đây cũng rất hạn chế vì cửa đóng suốt, một ngày có khi chỉ động có vài phút, có khi chỉ vài giây. Cửa ở đây được gọi là ‘túc môn”, hành lang được gọi là “túc lang”, chứ không thể là “đại môn”, “khí khẩu” hoặc “đạo lộ” được. Như vậy khu vực này toàn âm (ánh sáng nhân tạo, không có khí động, gió, hình cục chật hẹp…) vì vậy không dùng. Khu vực cửa sổ và bancon trên lý thuyết nếu đủ các yếu tố dương thì có thể chọn làm hướng cho căn hộ được, nhưng trên thực tế không còn có hướng nào khả thi hơn thì phải chọn khu vực này làm hướng chính. Chính vì thế không thể cứng nhắc nói quy định là phải chọn bancon được. Trường hợp căn hộ có 2 hướng là bancon thì ta xét hướng nào đầy đủ các yếu tố dương hơn thì chọn, ngoài ra còn phải kết hợp với độ lớn của cửa thông khí và đường dẫn khí vào căn hộ nữa.
Nhiều tòa nhà chung cư được thiết kế các căn hộ đều quay cửa ra một giếng trời. Các chuyên gia phong thủy cho rằng đây là hướng chính của các căn hộ, nhưng thực tế khu vực giếng trời không nên lập hướng vì các lý do sau:
- Dương quang (ánh sáng) ở đây không bằng ánh sáng ở bancon
- Dòng khí ở đây chỉ lưu thông một chiều từ dưới lên trên theo kiểu ống khói, khí không được điều hòa nên tạp (ô nhiễm)
- Cục hình không đáp ứng vì phía trước, bênphải, bên trái quá cận và quá cao, nhất là các căn hộ ở tầng thấp phải chịu áp lực rất lớn. Cái này trong phong thủy gọi là “cao áp đại hạ”, “đại sơn cao áp”, “thanh long cao áp”, “bạch hổ cao áp” kỵ lập hướng.
Chỉ được dùng giếng trời lập hướng khi các yếu tố dương của bancon không đáp ứng yêu cầu.
Như vậy cách lập hướng của căn hộ chung cư cũng như cách lập hướng cho dương trạch, đều phải lấy dương làm hướng, chung quy không ngoài ý Dịch.
(Hình ảnh minh họa của Nguyễn Tiến Dũng)




Lạm bàn (phần 2)
“TẰNG SỐ TẤT TU HỢP HÀ ĐỒ”
CHỌN TẦNG CHO CĂN HỘ CHUNG CƯ THEO PHONG THỦY

Mở đầu:
Có rất nhiều bạn gần đây đang mua và sắp mua chung cư có hỏi ngu mỗ các vấn đề liên quan. Để trả lời các bạn, ngu mỗ đăng lại bài viết từ năm 2016 và có chỉnh sửa đôi chút để các quý vị và các bạn tham khảo.
Tại sao lại đề là “lạm bàn”? Sợ rằng khi đọc tiêu đề sẽ có quý vị cho ra rằng “ông này ở nơi thâm sơn cùng cốc cả đời chưa vào cái chung cư bao giờ, biết gì mà bàn!”. Sao cái ông nhạc sỹ Trần Quang Lộc cả đời chưa ra Hà Nội bao giờ, không biết cái khí hậu mùa thu ra mô, vậy mà ông ấy viết nhạc phẩm “Có phải em mùa thu Hà Nội” hay thế?. Rồi có quý vị lại nói “ngày xưa có nhà cao tầng, chung cư đâu, sách cổ cũng trả thấy nói về vấn đề này, thì bàn cái gì?”. Xin thưa với quý vị rằng: Ngày nay phóng được tầu vũ trụ lên cung trăng là cũng phải dựa vào mấy cái tiên đề, mệnh đề... của các cụ Ác Si Mét, Ga Li Lê... cả đấy ạ! Thánh nhân chẳng dạy chúng ta “MINH KÍNH KHẢ DĨ SÁT HÌNH, VÃNG CỔ KHẢ DĨ TRI KIM”, đạo lý này há chẳng biết sao?
Vậy nên đã là “lạm bàn” xin quý vị “gạch đá” nhẹ tay đối với tín chủ, còn gạch đá học thuật thỏa mái ạ. Xin cảm ơn!
VÀO BÀI:
Ngày nay với với tốc độ phát triển như vũ bão của ngành phong thủy nước nhà, vấn đề xem phong thủy cho một căn hộ chung cư không phải là khó. Cái quan trọng là phải tìm ra một phương pháp nào có tính thực tế lý luận nhất, thuyết phục nhất. Trong rất nhiều yếu tố phong thủy cần xem thì chọn hướng nào,tầng nào cho căn hộ là nan giải nhất

 Cho dù phương pháp nào đi nữa thì cũng không thể nằm ngoài lý luận của đạo Dịch.

Phong thủy dương trạch phục vụ cho nhân thể, lấy con người là trung tâm, vì vậy mọi tác động của không gian Hà Đồ, Lạc Thư đều ảnh hưởng đến nhân thể. Một tòa nhà chung cư cũng bị tác động của mô hình Hà Đồ, Lạc Thư khi ta định vị nó trong không gian. Hà Đồ tiên thiên thể hiện sự cân bằng giữa 2 miền âm dương của các con số sinh thành, về phương hướng là bất dịch. Lạc Thư hậu thiên biểu hiện sự cân bằng của các con số theo mô hình đẳng hướng giữa 4 hướng chính và 4 hướng ngoại vi, ở đây đã có sự biến dịch. Chính vì vậy ta phải dùng vòng số sinh thành của tiên thiên Hà Đồ (đó cũng chính là hệ thập phân) để định vị (đo đếm) số tầng lầu của một đơn nguyên xây dựng, mà trong đó có con người cư trú. Còn các con số hậu thiên chỉ để thể hiện sự cân bằng giữa các hướng của mô hình ma phương Lạc Thư mà thôi, cho nên sách mới nói “Tằng số tất tu hợp Hà Đồ” là vậy. Cách tính này được áp dụng từ cổ xưa, sử dụng cho các công trình xây dựng các tháp tâm linh của người Trung quốc, nhất là trong đạo Phật. Các tòa tháp linh thiêng đều có tầng trên cùng là tầng số 7 là số tiên thiên của quẻ Càn (Trời), Phật gia thường có câu “cứu một mạng người còn hơn xây 7 tầng tháp” là vậy. Về sau người ta áp dụng cho cả trong xây dựng dương cơ, vì dương cơ có thêm yếu tố nhân sự cho nên cần phải có sự hài hòa trong đó. Đến đây mới nảy ra khó khăn phức tạp khi phối các con số tiên thiên kia với bản mệnh con người. Như chúng ta đã biết, để định vị, đánh dấu một nhân thể trong không gian người ta dùng “niên canh”, tức là hệ thống can chi trong 60 hoa giáp, từ niên canh họ còn dùng thêm nạp âm, cung phi của niên mệnh trong các tính toán nữa. Riêng nạp âm của niên mệnh không nằm trong không gian của Dịch cho nên không đề cập đến trong vấn đề này, việc phối nạp âm niên mệnh với số tầng là bất hợp lý và không hợp đạo. Chỉ còn lại niên canh và cung phi bản mệnh, trong đó cung phi bản mệnh là hằng số tiên thiên bị biến dịch dùng đo lường sự cân bằng của các hướng trong hậu thiên bát quái, một biến dịch phối một bất dịch e không ổn. Còn “niên canh” (can chi năm sinh” thì sao? “Tiên thiên vi mệnh, hậu thiên vi vận”, niên canh là hằng số bất biến của một nhân thể dùng để đánh dấu vị trí của nó trong không gian Hà Đồ, người ta dùng hệ can chi phối với nhau để đo đếm thay vì dùng vòng số sinh thành (hiện đại dùng hệ thập phân-vòng số sinh thành). Can đại diện cho Thiên, chi đại diện cho Địa, vậy mới có thiên can địa chi, thiên địa tương phối hợp lẽ. Cho nên lấy số tiên thiên kia kết hợp với địa chi của niên canh, mà không dùng thiên can trong cách phối niên canh với số tầng là hợp đạo.
Các con số tiên thiên đều mang trong chúng khí ngũ hành ,16 là khí thủy, 27 hỏa, 38 mộc, 49 kim 05 thổ. 12 địa chi cũng chứa trong đó khí ngũ hành như Dần Mão mộc khí, Tị Ngọ hỏa khí, Thân Dậu kim khí... Dựa vào các yếu tố trên, người ta chọn số tầng cho từng nhân thể bằng cách phối khí ngũ hành của số tầng lầu với khí ngũ hành của địa chi niên mệnh. Lấy nhân thể làm chủ khí, tầng lầu làm khách khí, sinh hoặc trợ cho chủ khí là cát, khắc tiết chủ khí là hung, chủ khí khắc khách khí là khắc vô lễ cho nên bán cát bán hung, đại loại như thế.
Khí ngũ hành của tầng lầu chỉ tác động đến nhân thể từ vòng số thành trở lên (6,7,8,9...) còn vòng số sinh (1,2,3,4) hầu như không bị ảnh hưởng, số 5,0 trung tâm bị chiết giảm đi ½. Khoa học hiện đại đã tính toán, áp suất khí quyển cứ lên cao 12m thì lại giảm đi 1mmHg, mà 12m tương đương với độ cao của 4 tầng lầu. Vì vậy quý vị nào có sử dụng các tầng thuộc vòng số sinh của Hà Đồ thì không cần quan tâm đến nó nữa.
Trên đây là toàn bộ lý luận của một phương pháp chọn tầng cho căn hộ chung cư theo đúng quan điểm “TẰNG SỐ TẤT TU HỢP HÀ ĐỒ”. Qúy vị có phương pháp lý luận nào khác nữa thì cùng nhau tham khảo.
Xin cảm ơn!

Nguyễn Tiến Dũng




Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.