GIẢI PHÁP PHONG THỦY CHO ÂM TRẠCH ĐÔ THỊ


GIẢI PHÁP PHONG THỦY CHO ÂM TRẠCH ĐÔ THỊ

(Bài cũ đăng lại để quý vị tham khảo)
Thường vào cuối năm, phong tục của người Việt là cải táng, lập bia xây mộ cho người thân đã quá cố. Nhân thời gian này ngu mỗ có đôi lời về vấn đề có phần bức xúc nhất hiện nay của các thầy làm nghề phong thủy âm trạch nơi đô thị.
Xã hội càng phồn vinh, không gian sống càng chật hẹp. Nếu chỗ ở của người sống là cả một vấn đề trong một quốc gia, thì chỗ mai táng cho người chết cũng làm đau đầu các nhà quy hoạch. Trong đô thị và ngay cả ở các vùng nông thôn, tìm một nơi để ở đã khó, nhưng tìm một không gian riêng để táng còn khó hơn. Việc xây các nghĩa trang tập trung không những gây khó khăn cho các nhà quản lý địa phương, mà còn khiến nhiều thầy phong thủy lúng túng khi hạ táng cho các khổ chủ. Đa phần các huyệt mộ trong các nghĩa trang ngày nay đều được lập hướng sẵn, quy định có kích thước hàng lối cụ thể. Vì thế các thầy học về tầm long điểm huyệt hết đất dụng võ, nhiều thầy phải chuyển sang kết hợp với cúng mới có việc mà làm. Lúc này mộ cát, mộ hung hoàn toàn phải phụ thuộc vào duyên của khổ chủ. Cùng 2 ngôi mộ cạnh nhau, cùng một tuyến độ, ngày giờ táng như nhau, mà tại sao nhà này phát tài phát phúc, còn nhà kia thì tán gia bại sản. Mọi người vô cùng hoang mang, còn các thầy phong thủy thì né tránh giải thích. Vậy thì do đâu?
Chung quy là do các thày không hiểu phép táng. Ngày xưa cụ Tả Ao đã dạy rằng “Đất có cát địa chân long, táng cho phải phép anh hùng giàu sang”, còn Quách Phác câu kết cuối cùng trong tác phẩm Táng thư cũng có nói “huyệt cát táng hung, dư khí thi đồng” tạm dịch là “có huyệt tốt mà không biết cách táng thì như vứt thi thể đi”. Tuyết tâm phú thì viết “tuy là huyệt cát vẫn kỵ táng hung”, Nghi long kinh lại nói “địa cát táng hung họa tiên phát”, còn thầy Tưởng Đại Hồng thì khẳng định “cũng đất này ta táng thì phát vương hầu, người táng thì phát đạo tặc”. Như vậy họa phúc phát sinh đều do cách táng mà ra, cho dù có cát địa chân long mà không biết cách táng thì cũng chẳng phát phúc được, có khi còn sinh tai họa.
Ngày nay bàn về âm trạch là phải bàn về tầm long, điểm huyệt, thiên tinh loan đầu thì mới cao siêu, còn phép táng thì đại đa số là mơ hồ bỏ qua chẳng cần bàn đến. Phép táng đâu phải ai cũng biết, nhưng phép táng là gì? Đơn giản là, bảo địa phong thủy đâu có nhiều, những nơi đó thường cổ nhân hoặc những người lắm tiền nhiều của đã chiếm cứ hết, còn lại đa số người nghèo không có điều kiện để táng người thân vào nơi đất tốt. Vậy họ cứ nghèo mãi sao? Vì thế cổ nhân phải dùng phép táng để bổ cứu cho khiếm khuyết đó.
Phép táng chẳng qua là công tác tiến hành việc lập bia xây mộ, chôn lấp hài cốt sao cho đúng cách, cùng kết hợp với tuyển trạch ngày giờ, vong mệnh và tọa hướng. Trong đó việc tuyển chọn ngày giờ là tối quan trọng, vì nó có liên quan đến vong và tọa. Nếu do vùng đất xấu vong không thừa hưởng được địa khí (Long) thì phải tìm cách cho vong thừa hưởng thiên khí (năm, tháng, ngày giờ), thiếu cả hai yếu tố này thì đúng như cụ Quách Phác nói “khác nào vứt thi thể đi”.
Như vậy là trong phép táng cũng có đủ các yếu tố hình và khí. Hình là mộ huyệt, thổ chất, cách thức chôn lấp…, còn khí là năm, tháng, ngày, giờ, vong và tọa hướng. Việc lập bia xây mộ, chôn lấp hài cốt còn tùy thuộc vào văn hóa địa phương nhưng cũng cần có bài bản và nguyên tắc chung, còn tuyển trạch là cả một bộ môn có quy định chặt chẽ, nó vô cùng phức tạp và ảo diệu. Môn này được tổ sư Dương Quân Tùng viết thành một bộ, đó là “An táng toàn chương”.
Điều cốt yếu của táng pháp là lấy mối tương quan giữa thời gian-tọa hướng- vong mệnh , đó là Thiên-Địa-Nhân làm chủ, thiếu một trong ba yếu tố này không thể táng được.
Xét các mối tương quan đó như sau:
a- Tọa hướng với vong mệnh:
- Phải xem vong có phạm mệnh tam sát, mệnh chính sát… hay không. Ví dụ như vong mệnh Tân Mùi thì tam sát ở các sơn Thân, Canh, Dậu, Tân, Tuất. Mệnh chính sát ở Tuất, mệnh xung sơn ở Sửu, mệnh hình sơn ở Tuất, Sửu, mệnh tọa Mai nhi sát ở Mùi, tam hợp ở Hợi, Mão. Ngoài ra còn có Quan phù ở Dần, Cứu thoái ở Thìn, Tốn, Tỵ, Bính, Ngọ, Đinh. Thích huyệt sát kỵ chính châm tọa Mùi phân kim, Thích hại sát ở Dần, Giáp, Mão, Tốn.
Rồi còn dùng “Tọa sơn xuất hướng phối vong mệnh”, nếu gặp:
- Phân kim sinh tiên mệnh: sinh là cát
- Phân kim tỷ hòa tiên mệnh: vượng là cát
- Tiên mệnh khắc phân kim: tài là cát
- Tiên mệnh sinh phân kim: tiết là hung
- Phân kim khắc tiên mệnh: sát là hung
Nếu vong mệnh hkông phải là người đơn thân thì phải xem “Phu thê khắc thương lộ”:
“Càn, Cấn bản thị phu chủ vị
Khôn, Tốn mạc tác thê đạo thương.
Phu mai thê vị, thê tắc tử
Thê mai phu lộ, phu tiện vong.”
Nghĩa là: chồng còn vợ mất thì không được táng vợ ở Cấn sơn, Càn Sơn.
Vợ còn chồng mất thì không được táng chồng ở Khôn sơn hoặc Tốn sơn.
b- Tọa hướng với thời gian:
- Khắc sơn vận: như vào năm Mậu, Quý sơn vận là Nhâm Tuất thủy thì kỵ nhật khóa tứ trụ nạp âm thổ khắc.
- Xung sơn: như Thìn sơn kỵ Tuất niên, nguyệt, nhật, thời.
- Niên, nguyệt khắc sơn gia: như năm Ất Mùi kỵ Chấn, Cấn, Tỵ sơn.
Ví dụ như nguyệt gia hung thần chiếm sơn:
Niên gia đại lợi nguyệt xứng tình.
Tam sát vô phạm hỉ môn đình,
Kiếm phong bát toạ nhất lệ suy.
Nguyệt vô xung phá thoái vô linh.
Âm phủ tử hoạt sơn gia tải,
Khắc vận lệ đồng nhất dạng bài.
Tiễn nhận quan phù nghi gia tĩnh.
Niên nguyệt thanh cát nhật thời tài.
- Ngoài ra còn phải kỵ: Âm phù, sơn phương sát, tinh diệu sát, xung đinh sát, cung tiễn sát, kiếm phong sát, nhật lưu thái tuế, văn khúc sát, thiên địa táo hỏa, mậu kỷ đô thiên… và còn dùng tam nguyên tử bạch phi ra các cung mà cứu xét.
c- Vong mệnh với thời gian:
Xét như bình thường, điều cốt yếu là phải dùng tứ trụ nhật khóa mà tương trợ cho vong mệnh.
Tóm lại như trong sách “Hiệp kỷ” đại loại có nói như: Táng lấy bổ long làm chủ, mà sơn hướng vong mệnh là thứ. Còn tạo thì lấy sơn hướng, chủ mệnh làm trọng, mà bổ long làm thứ vì “táng giả thừa sinh khí dã” (Táng Thư), đại để táng cần thừa tiếp sinh khí, sinh khí vượng thì thể tự ấm. Nếu táng mộ vào chỗ không phải là bảo địa phong thủy thì nhất thiết phải dùng phép bổ long, phù sơn, tương chủ để làm cho hài cốt ấm nên có sinh khí. Ở tỉnh thành đô thị không xác định được long rõ ràng thì phải bổ sơn, nếu xác định được long thì chỉ cần bổ long, còn sơn chỉ cần phù cho khởi dậy. Tọa sơn cần có cát tinh chiếu lâm tương hợp với tứ trụ ngày tháng không xung, không khắc đó là phù sơn vậy. Ví dụ như: Tân long, Nhâm sơn, Bính hướng dùng tứ trụ Tân Dậu, Tân Sửu, Tân Dậu, Quý Tỵ tam hợp kim cục sinh Nhâm phù sơn, 3 Tân bổ Tân long.
Còn tương chủ thì tứ trụ phụ giúp cho vong mệnh, tế chủ chỉ kỵ xung áp, còn lại không bó buộc. Có thể dùng Lộc mà quý nhân, hợp tài, hợp lộc, ấn thụ tỷ kiên… mà phù cho mệnh.
Các nghĩa trang ngày nay được quy hoạch ít khi quan tâm đến địa hình phong thủy, ngoại trừ các nghĩa trang được xã hội hóa. Ở loại hình này các yếu tố về loan đầu hầu như các chủ đầu tư đều đáp ứng được cho khách hàng. Nhưng khi có huyệt vị rồi, lúc phân cung điểm hướng lại lộ ra nhiểu điểm bất cập. Nào là hướng không hợp vận, để hợp vận thì hướng lại không đồng nhất với quy hoạch chung v.v.v. Đa số các thầy phong thủy đều lúng túng trong vấn đề này, không biết giải quyết ra sao.
Trong hoàn cảnh này nhất quyết là phải dùng đến phép táng, có thể cho vong và lăng mộ không tọa đồng hướng cũng được, dùng “Lục thập tiên mệnh táng pháp” của Dương Quân Tùng mà lấy hướng cho vong (nếu có áp dụng phi tinh hoặc đại quái thì phối cùng). Dùng la kinh phân cung điểm hướng chính xác để có cơ sở mà bổ long, phù sơn, tương mệnh.
Khi xác định phần khí đã xong, điểm được huyệt rồi thì tiếp đến phần hình. Đầu tiên phải xác định được huyệt mộ đó thuộc loại nào dưới đây:
- Chính huyệt gồm: oa huyệt, kiềm huyệt, nhũ huyệt, đột huyệt.
- Quái huyệt gồm 20 loại: siểm nhũ huyệt, hợp kiềm huyệt, biên oa huyệt, cốt tiêm huyệt, hữu oa bất táng oa huyệt… thạch chiếm huyệt.
Tiếp đến xem thổ chất, huyệt thổ có khí thổ, cốt thổ, ngũ sắc thổ, vựng thổ. Phá thổ chất lần lượt gồm phù thổ, thực thổ, huyệt thổ, đào đến lớp huyệt thổ thì dừng. Gặp chất hoàng thổ thì là quý thổ, hồng thổ thì phú, tiếp đến là tử, bạch thổ, màu xanh đen thì bỏ, chất đất cần quang nhuận, chắc, nếm thấy mùi vị thanh mát, lấy thổ chất là chính, thổ sắc làm phụ. Được thạch huyệt là tốt nhất sau đó đến thổ huyệt, thứ đến là sa huyệt. Nếu kết hợp được thổ chất thổ sắc với 24 sơn thì vô cùng quý hiển, ví dụ như:
- Nhâm Tý Quý tam sơn thủ huyệt: gặp được hoàng sa là chân huyệt.
- Sửu Cấn Dần tam sơn thủ huyệt: gặp được tử phấn thạch, ngũ sắc thổ là chân huyệt.
- Giáp Mão Ất tam sơn thủ huyệt: gặp được lựu thạch, bạch sa, hoàng sắc thổ là chân huyệt. v.v.v.
Khi táng vong phải biết vong cần táng theo kiểu chôn lấp hay kiểu hầm mộ (điều này trong khảo cổ đã gặp nhưng chưa lý giả được vì sao có mộ thì táng theo kiểu chôn lấp, có mộ thì táng theo kiểu hầm mộ, mà loại này chủ yếu là mộ táng của người Trung Quốc). Ví như vong Giáp tý nếu gặp Nhâm sơn thì phải táng kiểu chôn lấp, còn gặp quý sơn thì táng theo kiểu hầm mộ. Hoặc vong Ất sửu nếu gặp Quý sơn thì chôn lấp, gặp Cấn sơn thì dùng hầm mộ để táng v.v.v.
Phần thiết kế lăng mộ, ngoài những quy định của nghĩa trang địa phương cũng cần lưu ý như không xây lăng có nhiều góc cạnh, xung quanh lăng mộ phải có thảo mộc, lăng không được bịt kín, phải để cho vong được thông thiên, vật liệu xây lăng phải được kiểm tra rõ ràng không bị ô nhiễm. Lập bia phải theo quy định riêng, khi thảo văn bia phải theo phép tắc, không được tùy tiện.
Còn rất nhiều các quy định trong phép táng, do khuôn khổ của bài viết không cho phép, nên tác giả chỉ nêu những điều cốt yếu nhất. Người học phong thủy không phải ngày một ngày hai mà làm được , phải có thực học, có ân sư tâm truyền cho các khẩu quyết mà thực hành.
Bài viết này của tôi chỉ có tác dụng tham khảo, các bạn nếu chưa thành thục không nên dựa vào đó mà thực hành, vì phong thủy không đơn giản như trong sách, nhất là đối với âm trạch. Và điều cuối cùng phải nhớ rằng “Y sư sát nhất nhân, Địa sư sát nhất tộc"
(Nguyễn Gia tịnh xá
Trọng thu Ất Mùi niên 2015).

Nguyễn Tiến Dũng

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.