BÁT TỰ TRONG PHONG THỦY


BÁT TỰ TRONG PHONG THỦY

Ngày nay chúng ta thường nghe câu “Nhất mệnh, nhì vận, tam phong thủy, tứ tích công đức, ngũ độc thư…”. Để hiểu điều này cũng có rất nhiều thú vị với người đang làm nghề thực hành phong thủy. Thực ra có rất nhiều người sử dụng phiên bản khác nhau của câu này, nào như: “nhất mệnh, nhì vận, tam phong thủy, tứ âm đức…” hoặc “nhất mệnh, nhì vận, tam phong thủy, tứ tích âm đức..” v.v.v. Nhưng theo tác giả thì tiêu chí thứ 4 “tích công đức” là đúng hơn cả. Vì nói đến phong thủy là đã bao gồm 2 trạch âm dương (nhà cửa, mộ phần) vì vậy không cần thiết phải dùng đến âm đức nữa, vả lại chúng ta nên tích dương đức thì có vẻ thực tế , hơn nữa nếu dùng từ “âm đức” thì tối nghĩa. Các câu mệnh, vận, phong thủy, đức… đều có mối liên hệ mật thiết với nhau, ví như nếu một người sống trong môi trường phong thủy tốt (nhà cửa, mộ phần tốt) mà không tích “dương đức” (làm từ thiện, sống có đạo..) mà chỉ tích “âm đức” (đi lễ chùa, xây mồ mả…), hoặc không làm tất cả các điều trên thì phong thủy có ích chi?
Trong khuôn khổ bài viết này tác giả chỉ đề cập đến 3 yếu tố có liên quan với phong thủy, đó là “mệnh, vận, phong thủy”.
“Tiên thiên vi mệnh, hậu thiên vi vận”.
Mệnh là do thiên định, là hằng số Tiên thiên bất biến được mã hóa bằng năm, tháng, ngày, giờ sinh của mỗi cá nhân, tổ hợp này thể hiện tính chất qua ngũ hành của can, chi gọi là “bát tự”. Nó chứa đựng các thông tin về phú quý, nghèo khổ, bệnh tật, thọ yểu của con người.
Vận, đó là quá trình vận hành của mệnh trải qua các yếu tố của hậu thiên về thời gian như đại tiểu vận, niên vận, về không gian như phương hướng, về vật thể là hoàn cảnh địa hình nơi cư trú, về nhân thể là lục thân (cha, mẹ, vợ, con..)
Trong lý luận mệnh lý có nói “Mệnh thị xa, vận thị lộ”, “Mệnh thị chu, vận thị thủy”, có nghĩa là mệnh như chiếc xe, còn vận như con đường, mệnh như cái thuyền, vận như dòng nước. Như vậy mệnh đã được định trước đường đi của nó, quá trình vận hành của cỗ xe định mệnh tốt xấu còn phải phụ thuộc vào tính chất của con đường.Tóm lại, muốn cỗ xe “mệnh” vận hành êm ái thì con đường “vận” phải tốt, nếu có hỏng hóc thì nên cải tạo, sửa chữa nó. Chính phong thủy sẽ nhận trách nhiệm giải quyết vấn đề này vì thế cổ nhân mới nói “Nhất mệnh, nhì vận, tam phong thủy”.
Ngày nay khi thực hành phong thủy rất ít người dùng bát tự của các thành viên trong gia đình kết hợp để tính toán. Trong dương trạch có cả một bộ môn nói về vấn đề này, đó là “Khai vận”.
Như chúng ta đã biết, bản mệnh quái của một người chỉ thể hiện ngũ hành phương vị hậu thiên , chứ nó không thể hiện ngũ hành nội thân của người đó. Ví dụ người có mệnh quái là quái Ly thuộc hỏa thì người đó chỉ bị tác động bởi ngũ hành của các phương vị như đông, tây, nam, bắc…trong không gian, mà không chịu tác động của ngũ hành vật thể hoặc nhân thể.
Bát tự là một tổ hợp ngũ hành của can chi năm tháng, ngày giờ sinh của một mệnh, sự mạnh yếu, thiếu khuyết một hành nào đó trong mệnh làm mất sự cân bằng của các ngũ hành khiến tổ hợp đó vận hành không thông suốt. Môi trường phong thủy là yếu tố quyết định dùng để thay đổi sự mất cân bằng đó. Điều này lý giải tại sao có hàng trăm vạn các lá số như nhau mà số phận thực tế lại không giống nhau (Tử vi chưa giải thích được điều này một cách khoa học). Hoặc trong dương trạch, 2 ngôi nhà có cùng thông số của phong thủy nhưng người cư ngụ trong đó có hoàn cảnh khác nhau, đó là đều do họ có các tổ hợp ngũ hành bát tự khác nhau.
Thực hành phong thủy dương trạch không thể thiếu lá số bát tự của các cá nhân cư ngụ trong ngôi gia đó, một người thầy khi xem phong thủy mà không lập lá số bát tự để khai vận cho bản trạch thì người thầy đó chưa biết xem phong thủy. Vì xem phong thủy để phục vụ con người, mà con người thì thể hiện tốt xấu thông qua tổ hợp bát tự (như trên đã nói), người thầy phải điều chỉnh các yếu tố phong thủy sao cho các ngũ hành trong cá nhân được cân bằng.
Ngoài các yếu tố về không gian thời gian có tác động đến sự cân bằng của ngũ hành của bản mệnh (dụng, hỷ thần, kỵ thần, đồng loại, dị loại ngũ hành)thì các yếu tố sau cũng góp phần làm thay đổi sự cân bằng đó như:
Địa hình, đặc điểm khí hậu (ôn đới, nhiệt đới…), thủy, hình dạng kết cấu, không khí, ánh sáng, thuộc tính của đồ vật, gia cụ, vị trí sắp đặt nội thất, ánh sáng, màu sắc, âm thanh… Ví dụ một người có dụng thần bát tự là hỏa thì người này vào đại tiểu vận ưa vận hành ở phương nam hoặc đồng loại với nó là phương đông vì vậy ông thầy nên bố trí người này cư tại đông phòng, hoặc nam phòng, và khuyên họ nên dùng các màu sơn có tông đỏ hoặc xanh, các loại gia cụ, trang phục cũng nên dùng ngũ hành đó. Nếu dùng ngũ hành thủy, thổ là kỵ thần thì sẽ vô cùng bất lợi.
Như vậy phong thủy trong một ngôi nhà không có một yếu tố nào là không tác động trực tiếp đến các thành viên cư ngụ trong đó thông qua sự cân bằng ngũ hành của mệnh với các yếu tố phong thủy đó. Nhiệm vụ của người thầy là sắp đặt để tạo ra sự cân bằng.
Trước đây tác giả cũng có nói “Nhất mệnh, nhì vận, tam phong thủy. Mệnh do thiên định, không thay đổi, vận có thể thay đổi thông qua bát tự và sự sắp đặt của môi trường phong thủy”
Mấy lời dông dài mong các quý vị chiếu cố.

Nguyễn Tiến Dũng

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.