VĂN HÓA TRONG ĂN UỐNG

 VĂN HÓA TRONG ĂN UỐNG

Thằng bạn than, "Nhà mình người lớn ăn uống rất lịch sự và đàng hoàng, có văn hóa mà không hiểu sao trẻ con lại ăn uống rất nhồm nhoàm và xấu xí, bảo mãi không được. Chúng cãi lại khi được chỉ bảo." Mình cười cười, "Ở nhà dạy không lại với ở trường. Có thể là con ăn bữa trưa ở trường, các bạn đều ăn uống nhồm nhoàm và xấu, lại không được các cô chỉ bảo nên thành thói quen rồi, lại thấy đứa nào cũng thế mà về nhà ba mẹ bắt khác đi thì chúng thấy việc đó là không cần thiết."
Hắn bảo mình viết bài về văn hóa trong ăn uống đi. Trưa nay mưa, không ra đồng được, ừ thì viết.
Trước tiên, ta nói đến việc vì sao lại cần có văn hóa trong ăn uống? Nếu ta không trả lời được cho con trẻ câu hỏi này một cách thấu đáo thì có bắt con phải ăn uống có văn hóa cũng không được, đánh quát chúng sẽ làm theo nhưng sẽ không có khái niệm.
Ăn uống là một nhu cầu của động vật để duy trì sự sống. Ở người tiền sử, thì ăn uống như con thú, nghĩa là ăn sống, dùng răng cắn xé thịt, trái cây, nhai nuốt một cách bản năng. Nhưng loài người dần phát triển khi phát hiện ra lửa và các công cụ để cắt, chặt, thái và đun nấu. Trải qua nhiều nghìn năm, con người biết chế biến để thức ăn trở nên ngon hơn, kết hợp các loại thực phẩm để bổ dưỡng hơn, tinh tế hơn và tốt cho sức khỏe hơn. Song song đó, cái ăn không còn chỉ để duy trì sự sống mà được nâng lên thành văn hóa. Con người cần có văn hóa trong ăn uống, cũng như phải có văn hóa trong trang phục, văn hóa trong ứng xử bởi những cái văn hóa đó thể hiện nhân cách của một con người.
Ăn sao cũng là ăn. Đúng. Ăn chỉ là một động tác lấy thức ăn đút vào mồm. Ai cũng thế cả. Nhưng, cách đút như thế nào, nhai thế nào, nuốt thế nào, cầm thìa đũa cầm bát thế nào, lấy thức ăn trong bát thế nào thì thể hiện mình có văn hóa hay không. Do đó nên ông bà ta mới phải dạy, "Học ăn học nói học gói học mở." Chứ nếu ăn sao cũng được, không cần học thì chúng ta sẽ giống người tiền sử hơn người văn minh, chúng ta sẽ lạc loài trong thế giới những người văn minh và nó cản trở ta trong việc giao tiếp, làm việc. Bởi chẳng người văn minh nào có thể chịu đựng ngồi ăn chung với người ăn uống nhồm nhoàm, xấu xí, không quan tâm đến vệ sinh chung.

Thế thì ăn uống thế nào để được coi là người có văn hóa? Và những điều gì nên tránh để không bị coi là không có văn hóa trong bữa ăn Việt?

1. Cách cầm bát cơm: Cầm bát bằng tay trái hoặc phải, cái bát được giữ bằng năm đầu ngón tay, nhẹ nhàng.
Không cầm bát trong lòng bàn tay, không quặp ngón cái vào trong miệng bát vì ngón tay bẩn rất mất vệ sinh.
Khi bê bát canh nóng, cần có đĩa lót dưới bát và bưng đĩa chứ không bưng một tay quặp ngón cái vào trong bát.
Các quán ăn vỉa hè Hà Nội rất thường hay khuyến mãi ngón tay cho khách khi bê phở, bún, miến cho khách.

Cách cầm bát (chén)
Cách cầm bát (chén)

2. Cách cầm đũa: Đôi đũa ăn cơm của người Việt thường có chiều dài từ 25-30 phân. Cầm đũa bằng tay phải hoặc trái, ở gần đầu to của đũa, được kẹp giữa ngón cái và ngón trỏ, ngón giữa và áp út giữ nhẹ nhàng.

3. Cách cầm thìa: Giữ thìa bằng ba ngón cái, trỏ và giữa.
Không nắm thìa trong lòng bàn tay.

4. Cách ăn: Bưng bát cơm trên một tay, tay còn lại dùng đũa hoặc thìa lấy cơm trong bát. Mỗi lần lấy một miếng nhỏ vừa đủ cho vào miệng nhẹ nhàng. Miệng há to vừa phải để cho thức ăn vào. Không lấy đầy ặp một thìa vừa cơm vừa thức ăn rồi há thật to miệng để cho vào, miệng đầy ặp nhai nhồm nhoàm phình má ra rất xấu và không nhai kỹ được mà ại còn làm thìa, đũa va vào răng phát ra tiếng côm cốp rất xấu. Khi lấy cơm, thức ăn trong bát thì nhẹ nhàng tay, không vét thìa vào bát đĩa ken két.
Khi không nhai kỹ, dạ dày phải làm việc vất vả gấp đôi để nhào trộn thức ăn nên dễ có nguy cơ bị đau dạ dày, các chất dinh dưỡng trong thức ăn cũng sẽ không hấp thu được hết. Khi nhai thì nhai nhẹ nhàng, chậm để răng nghiền nát thức ăn, nuốt từ từ, môi ngậm, không chóp chép. Khi ăn canh, các món súp thì múc bằng thìa và cho đầu thìa lên miệng húp nhẹ nhàng không bưng cả bát mà húp xì xụp.
Không vừa nhai vừa hở môi vì thức ăn sẽ dễ rơi ra ngoài. Thức ăn khi ở trên dĩa có thể nhìn rất đẹp, nhưng khi nó ở trong miệng được nhai nửa chừng sẽ nhìn rất ghê, không nên để người đối diện nhìn thấy, họ sẽ ăn mất ngon. Không nên vừa ăn vừa nói vừa cười vì người ngoài sẽ thấy cái miệng mình rất bẩn vừa răng vừa môi vừa lưỡi vừa thức ăn bầy nhầy, mà giọng nói sẽ bị nghẹn không nghe rõ, chưa kể bạn sẽ làm văng thức ăn vào mặt người khác.
Nếu ai đó nói chuyện và hỏi bạn khi bạn đang nhai thì hãy kệ họ, cứ từ tốn nhai nuốt bình thường cho xong miếng rồi hẵng trả lời, không việc gì phải vội vàng nhai nuốt vì người bị nghẹn là mình chứ không phải người kia.
5. Cách ngồi: Ngồi thẳng lưng trên ghế, tay bưng bát lên ngang ngực, dùng đũa hoặc thìa xúc ăn, không tỳ tay vào bàn, không để bát trên bàn rồi dùng thìa xúc cúi gằm đầu xuống bát để ăn nhìn vừa xấu vừa tạo cho người khác cảm giác mình cắm mặt vào thức ăn một cách đói khát.
6. Lấy thức ăn trong đĩa, bát chung: Nên có thìa, đũa riêng cho các bát thức ăn chung. Không dùng thìa đũa riêng để gắp thức ăn trong bát chung vì có thể lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường nước bọt cho người khác. Trước khi gắp, nên nhìn trước miếng mà mình thích ăn rồi dùng thìa, đũa gắp đúng miếng đấy. Không trộn đảo thức ăn lên để lựa, gắp lên đặt xuống, nhất là khi dùng thìa đũa riêng thì càng không nên vì mất vệ sinh, người đối diện sẽ đánh giá mình là người tham ăn và chỉ biết có bản thân mà không biết đến người khác. Không gắp thức ăn cho người khách bởi ta khó có thể biết họ thích hay không thích ăn gì, hãy để họ tự chọn, nhất là không nên gắp cho người khác bằng đũa riêng của mình vì nó rất mất vệ sinh.
7. Ăn trông nồi ngồi trông hướng: Khi ăn uống phải biết nhường và nhìn xem thức ăn có đủ cho mọi người. Nếu thức ăn vừa đủ mà ta ăn quá nhiều thì người khác sẽ mất phần. Nếu thức ăn thiếu mà ta ăn đủ cho riêng mình thì người khác sẽ đói. Nên, ta phải "trông nồi" là vì vậy. Trong một bàn ăn, nếu không có sự quy định sẳn từ trước, thì ta nên nhường vị trí trang trọng hoặc thuận lợi cho người lớn tuổi và trẻ em, phụ nữ. Nếu biết bạn mình dùng tay trái thì mình nên ngồi bên tay phải của bạn. Nếu mình dùng tay trái thì nên chủ động chọn vị trí bên trái của bạn hoặc góc bàn để không làm người khác bị vướng.
8. Giữ sự bình thản: Trong một bữa ăn, thỉnh thoảng ta sẽ làm rơi thìa, đũa, bát, thức ăn xuống sàn. Hãy nói xin lỗi rồi kệ nó ở đó cho đến khi xong bữa hãy nhặt và dọn. Bởi, nếu mình bỏ bữa cúi xuống nhặt lên thì mình cũng chẳng dùng lại cái thìa, đũa hay ăn miếng thức ăn đó được nữa. Vậy, ta nhặt nó lên là một động tác thừa và chỉ tổ làm lẫn nó với thìa đũa sạch trên bàn mà thôi, và nó cho thấy mình không có sự bình thản ngay trong một việc nhỏ nhất.
Cũng thế, khi đang ăn dỏ bữa mà có khách thì khách đó 99% là khách không mời, mình hãy mời và bình thản ăn xong bữa, đừng vội vã bỏ bữa đứng lên tiếp khách, sớm thêm vài phút cũng chẳng làm cho người ta cảm động thêm được mà còn gây bối rối, hãy để họ tự nhiên và giữ sự chủ động, bình thản của mình.
9. Kết thúc bữa ăn: Ăn hết thức ăn trong bát, đĩa của mình. Xếp gọn bát đũa, thìa, đĩa và dọn bàn nơi mình ngồi. Tận dụng khăn ăn bằng giấy (nếu có dùng) lau qua bát đĩa bẩn rồi xếp gọn chuyển vào bồn rửa. Nên có lời khen người nấu nếu thức ăn ngon.
10. Khi được mời đi ăn thì nên đến đúng giờ, đem theo một món tráng miệng hoặc rượu. Ăn uống vừa đủ. Dùng xong bữa nên giúp dọn dẹp rửa bát để tất cả cùng vui và đỡ mệt cho chủ nhà.
Văn hóa trong ăn uống không tự dưng mà có, nó cần dược học, được rèn luyện từ nhỏ bởi bố mẹ, nhà trường. Ăn là một điều mà ai cũng biết, nhưng để ăn có văn hóa thì phải học và có ý thức để học, hiểu vì sao lại thế.

Tg:Nguyễn Thị Bích Ngà

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.